28/05/2015

Năm 1976, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban hành Nghị định quy hoạch một khu vực riêng rộng 600.000 m2 với chiều dài bờ biển 1.450m để thành lập khu công nghiệp tái chế và phá dỡ tàu biển tại thành phố Aliaga với mục đích cung cấp nguồn thép phế liệu cho các lò điện hồ quang. Hiện nay, tại Khu công nghiệp Aliaga có tất cả 22 Công ty tái chế tàu được cấp phép với số lượng công nhân lên tới 2.000 người khi hoạt động hết công suất và 05 Nhà máy luyện thép đang hoạt động.

Hoạt động tái chế tàu được thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia và các hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Công ước BASEL và Công ước Hồng Kông (các Công ước quy định về tái chế và phá dỡ tàu). Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa là thành viên của Công ước Hồng Kông nhưng ngành công nghiệp tái chế tàu của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là dẫn đầu về tiêu chuẩn an toàn và môi trường và vì vậy hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các Công ước. Ngoài ra, các quy định về tái chế và quản lý chất thải từ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo các quy định nghiêm ngặt của EU. Từ những lý do này mà ngành công ngiệp tái chế và phá dỡ tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ còn được gọi là “Ngành tái chế tàu xanh” (Green Ship Recycling)

Hiện nay sản lượng phá dỡ tính theo tấn của Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 5 Thế giới (khoảng gần 1.000.000 tấn gồm cả tàu thương mại và tàu hải quân) sau Ấn Độ, Trung Quốc, Băng-la-đét, Pa-kit-xtan và đứng thứ 10 các nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Chi phí phá dỡ tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 50 USD/tấn. Tất cả sản lượng thép thu được từ tái chế, phá dỡ tàu theo quy định quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đều được tiêu thụ trong nước, cung cấp cho các nhà máy luyện thép trong khu vực hoặc trên toàn quốc.

Mô hình về tái chế và phá dỡ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hình thức: Đưa tàu lên đà hoặc lên bãi có nền bê tông trên bờ biển để tái chế và phá dỡ (Landing Method). Khác với Ấn Độ hoặc Băng-la-đét và một số nước là đưa tàu lên ngay bãi biển để phá dỡ (Beaching Method).

Cơ quan quản lý và giám sát: Gồm 04 Bộ

- Bộ Giao thông, Hàng hải và Thông tin: phụ trách về hoạt động tái chế và phá dỡ;

- Bộ Môi trường và Đô thị: phụ trách về quản lý, giám sát gây ô nhiễm môi trường;

- Bộ Lao động và An ninh xã hội: phụ trách về an toàn và sức khỏe lao động;

- Bộ Đào tạo: phụ trách về công tác đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề cho người lao động.

Quy trình kiểm tra, cấp phép phá dỡ tàu của các cơ quan thẩm quyền: Gồm 09 bước

- Bước 1: Cảng vụ hàng hải cấp phép cho tàu vào khu neo đậu phá dỡ

- Bước 2: Đoàn kiểm tra gồm đại diện của cơ quan Hải quan, Cảnh sát biển, Y tế và Cảng vụ hàng hải kiểm tra tàu trước khi cấp phép cho tàu vào nội thủy

- Bước 3: Cảng vụ Hàng hải cấp phép đưa tàu lên bãi phá dỡ

- Bước 4: Cơ sở tái chế cố định tàu, đảm bảo an toàn khi lên bãi

- Bước 5: Trung tâm quản lý chất thải kiểm tra, phân loại chất thải tàu

- Bước 6: Đoàn kiểm tra gồm đại diện của Phòng thương mại hàng hải, Hải quan và Cảng vụ hàng hải kiểm tra và xác định các hàng hóa còn lại trên tàu không thuộc về tàu

- Bước 7: Tổng cục môi trường kiểm tra và phê duyệt ra thông báo các chất độc hại trên tàu

- Bước 8: Cơ quan Hải quan hoàn thành hồ sơ nhập khẩu tàu

- Bước 9: Cảng vụ hàng hải cấp phép để tiến hành phá dỡ tàu.

Quy trình tái chế và phá dỡ tàu: Gồm 03 bước

- Bước 1: Trung tâm quản lý chất thải kiểm tra và di chuyển các chất thải độc hại ra khỏi tàu đến khu chứa tạm thời để xử lý

- Bước 2: Cơ sở tái chế tiến hành hoạt động tháo dỡ trang thiết bị, máy móc của tàu và cắt thép, phân loại thép

- Bước 3: Sau khi hoàn thành tái chế, phá dỡ, cơ sở phá dỡ thông báo cho Cảng vụ hàng hải để được cấp giấy xác nhận trước khi hoàn tất thủ tục kết thúc tái chế và phá dỡ tàu với Cơ quan Hải quan.

Tất cả các bước tái chế, phá dỡ tàu nêu trên đều được triển khai và lưu hồ sơ qua các bảng biểu và mẫu chuẩn theo quy định. Các cơ sở phá dỡ đều phải tự trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết về bảo hộ lao động, thiết bị phòng chữa cháy, phao quây, bơm hút dầu…, lập kế hoạch và lên phương án ứng cứu, xử lý khẩn cấp nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro, tai nạn, sự cố xảy ra liên quan đến an toàn, sức khỏe người lao động và gây ô nhiễm môi trường.

Quản lý chất lượng nước biển và không khí tại Khu công nghiệp tái chế Aliaga Theo quy định, Trường Đại học Eylul được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chất lượng nước biển và không khí tại vùng biển Aliaga

Theo đó các nhà khoa học lấy nước biển để đo, kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần và không khí 9 tháng/lần, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Đào tạo nghề, cấp phép và kiểm tra sức khỏe người lao động. Tất cả công nhân trước khi vào làm việc tại các cơ sở phá dỡ đều phải tham dự các khóa đào tạo nghề về cả lý thuyết và thực hành tại chỗ và được cấp giấy chứng nhận của Bộ Đào tạo và Bộ Giao thông, Hàng hải và Thông tin; công nhân được cơ sở tái chế và phá dỡ trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, các dụng cụ thiết bị trong mọi điều kiện môi trường làm việc. Định kỳ 3 tháng/lần, công nhân được cơ sở y tế đến khám bệnh như khám mắt, chức năng thở, nghe, chụp X-Ray vùng ngực…đảm bảo quyền lợi về an toàn và sức khỏe cho người lao động theo quy định.

Khả năng hợp tác giữa các cơ sở tái chế và phá dỡ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam Trong chuyến công tác gần đây vào tháng 4/2015 của Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải với Bộ Giao thông, Hàng hải và Thông tin, Hiệp hội và các cơ sở tái chế và phá dỡ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện lãnh đạo của các các cơ quan phía Việt Nam đánh giá cao sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế xanh của Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ tư vấn, hỗ trợ các đơn vị liên quan của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống pháp lý; tổ chức thực hiện; đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia, công nhân… và mọi lĩnh vực của công nghiệp tái chế và phá dỡ tàu trong thời gian tới trên cơ sở Hiệp định Hàng hải song phương Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ được ký ngày 22/4/2015.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí với đề nghị của Phía Việt Nam và cho rằng Hiệp hội tái chế tàu tàu cũng như các cơ sở tái chế và phá dỡ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đủ năng lực và kiến thức chuyên môn để hỗ trợ các công ty của Việt Nam xây dựng một mô hình chuẩn về mặt pháp lý, môi trường, an toàn sức khỏe lao động…giống như mô hình “Tái chế tàu xanh” của Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng tiếp nhận cán bộ quản lý và công nhân của Việt Nam sang đào tạo tại chỗ tại các cơ sở tái chế, phá dỡ tàu tại Aliaga.

Một trong những cơ sở tái chế tàu tại Khu công nghiệp Aliaga:

 


Phòng HTQT

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24848198
    • Online: 63