26/10/2013

ĐỖ MINH CHIẾN Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nam Định Đảng và Nhà nước đã coi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách phát triển đất nước trong tình hình mới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng việc thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế biển đến năm 2020 là kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 53 – 55% tổng GDP của cả nước, kinh tế hàng hải đứng thứ 2 và vươn lên thứ nhất sau năm 2020. Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Cùng với phát triển hệ thống cầu cảng, bến cảng, trang thiết bị xếp dỡ nhằm nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam, việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của các khu vực cảng biển trong phạm vi cả nước là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hằng năm là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết nhằm đảm bảo chuẩn tắc theo thiết kế đã được phê duyệt của dự án ban đầu. Hằng năm, việc duy trì đảm bảo độ sâu thiết kế cho các tuyến, luồng hàng hải cần hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, nạo vét, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ có thể bố trí được khoảng 500 tỷ đồng duy tu nạo vét 7-10 tuyến luồng trọng điểm trên cả nước, các bến cảng, cầu cảng khác ít được bố trí kinh phí bảo trì hàng năm, mà phải lợi dụng thủy triều trong tiếp nhận tàu vào cảng, hệ thống công trình phụ trợ thiếu đồng bộ và phần lớn đã xuống cấp. Một số biện pháp xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải như cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, nạo vét tận thu sản phẩm tuyến luồng đã được áp dụng hiệu quả ở một số cảng trên cả nước, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Ngày 05/7/2013 Bộ trưởng Bộ GTVT đã Ban hành Quyết định số 1922/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng xã hội hóa, giúp các địa phương huy động các nguồn lực xã hội để bù vào nguồn ngân sách hạn hẹp, đáp ứng yêu cầu duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trên địa bàn, khai thác tiềm năng kinh tế biển phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nam Định có nhiều lợi thế trong việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, dịch vụ cho các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nam Định có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông thuận lợi và đường bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt (giáp tỉnh Thái Bình) đến cửa Đáy (giáp tỉnh Ninh Bình) nối liền với các cảng biển trong cả nước. Cảng biển Nam Định là cảng tổng hợp địa phương (loại II) nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam, với 3 bến cảng và 1 cầu tàu trang trí của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long. Những năm qua, do kinh tế hàng hải ở Nam Định chưa phát triển mạnh, ngành vận tải biển chiếm thị phần nhỏ, các cảng biển chưa khai thác hết tiềm năng, kết cấu hạ tầng bị xuống cấp, luồng tàu bị sa bồi dẫn đến thay đổi độ sâu thường xuyên nhưng vẫn chưa được chỉnh trị, nạo vét. Kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thực hiện hoạt động duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư. Tuyến đường thủy Hà Nội – Lạch Giang nói chung, Cửa Lạch Giang nói riêng là cửa ngõ của hành lang vận tải thủy Hà Nội – Lạch Giang – ven biển Bắc Nam, là một trong các cửa thoát lũ của sông Hồng, vì vậy có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Bắc. Việc đầu tư cải tạo cửa biển Lạch Giang (luồng Hải Thịnh) có ý nghĩa kinh tế, xã hội lớn cho khu vực đồng bằng sông Hồng, mà đặc biệt là vận tải sông biển, thoát lũ và bảo vệ bờ biển của tỉnh Nam Định.

Để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có khai thác, phát triển hệ thống cảng biển và luồng hàng hải thì việc triển khai thực hiện Đề án “Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải” theo Quyết định số 1922/QĐ-BGTVT ngày 05/7/2013 của Bộ GTVT là giải pháp quan trọng để Tỉnh có thể phát triển mạnh và bền vững kinh tế hàng hải - ngành kinh tế tiềm năng của Tỉnh.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24901017
    • Online: 93