19/02/2024

Chiều ngày 13/2 (tức mùng 4 Tết), tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Thủ tướng phát biểu tại lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép

Báo cáo tại Lễ đón tàu hàng quốc tế, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu là một trong 2 cảng biển lớn nhất Việt Nam hiện nay; Bao gồm 48 bến cảng với tổng chiều dài 17,87 km, trong đó 5,657 km cầu cảng công-ten-nơ, 06 cảng có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải đến 232.600 tấn (sức chở: 24.000 Teus);  sản lượng hàng hóa thông qua đạt 113 triệu tấn, tăng 6% so với 2022.

Tính đến tháng 02/2024, tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã thiết lập được 48 tuyến container vào Cái Mép - Thị Vải, trong đó mỗi tuần có 34 tuyến quốc tế (11 tuyến nội Á; 4 tuyến Châu Âu và 19 tuyến Châu Mỹ) và 14 tuyến Nội địa. Năm 2023, có 1.371 lượt tàu Cont trọng tải trên 100 ngàn DWT vào, rời cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, tăng 24% so với năm 2022.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT

Thủ tướng tặng quà chúc mừng năm mới cho cán bộ, công nhân viên, người lao động đang sản xuất tại Cảng

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu: đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trong đó kinh tế hàng hải được ưu tiên phát triển xếp thứ 2 trong 6 ngành kinh tế biển, với chủ trương lớn và khâu đột phá: “Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng Logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.

Container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila có sức chở 14.052 Teu, kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 14567/TTr-BGTVT ngày 19/12/2023, cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu được quy hoạch là cảng biển loại đặc biệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng và có chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế (dự báo đến năm 2030 lượng hàng hóa khoảng 215-237 triệu tấn trong đó hàng container 16,3-18,3 triệu teu), tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải 80 ngàn đến 250 ngàn tấn (6.000÷24.000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu tổng hợp, hàng lỏng/khí trọng tải đến 150 ngàn tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải.

Thủ tướng thăm, động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải) thuộc Cục Hàng hải Việt Nam

Thủ tướng chúc Tết lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Để thực hiện thành công các yêu cầu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển và thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông). Cụ thể là xây dựng, kết nối và hiện đại hóa các cảng biển lớn và các cảng thủy nội địa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần giảm chi phí logistics, giảm giá thành hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nói chung, đặc biệt là nông sản, mang lại lợi ích nhiều hơn cho bà con nông dân.

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ GTVT quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có sử dụng vốn đầu tư công để mở rộng tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải nâng cao năng lực tiếp nhận tàu; tăng nguồn vốn bảo trì các tuyến luồng, nhất là tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, bảo đảm chuẩn tắc cho tàu lớn vào/rời cảng; bố trí nguồn đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn.

Tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT với container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila có sức chở 14.052 Teu, kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ; tặng quà cán bộ, công nhân viên, người lao động đang sản xuất tại Cảng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

V.P

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24849125
    • Online: 56