16/12/2013

Sáng 13/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng hải năm 2013. Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Vụ An toàn giao thông, Tổ chức cán bộ, Kết cấu hạ tầng, Pháp chế, Vận tải; Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn; các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam; các Cảng vụ hàng hải: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải: miền Bắc, miền Nam…
Tại Hội nghị, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo tổng kết công tác an toàn hàng hải năm 2013, trong đó nêu rõ nội dung các giải pháp đã triển khai và kết quả thực hiện các công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng hải; an toàn hàng hải; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra tàu biển; phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; an ninh hàng hải; xử phạt vi phạm hành chính. Theo báo cáo tổng kết của Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm 2013 đã xảy ra 24 vụ tai nạn hàng hải, làm chết và mất tích 19 người, trong đó 12 vụ xảy ra trong vùng nước cảng biển, 12 vụ xảy ra ngoài biển. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn năm 2013 giảm, số người bị thương giảm nhưng số người chết và mất tích tăng. Nguyên nhân chính là do sỹ quan, thuyền viên của tàu bị nạn còn hạn chế về trình độ, thiếu kinh nghiệm trong chuyên môn, chưa chú trọng công tác huấn luyện thực tập thường xuyên, chưa thực hiện mẫn cán công tác cảnh giới khi tàu đang hành trình; tàu cá khi hoạt động đánh bắt cá trên biển không thực hiện đúng quy tắc tránh va trên biển về đèn tín hiệu, hành trình và tránh va; ý thức, trách nhiệm của thuyền viên trong việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc của tàu chưa được coi trọng thích đáng nên xảy ra các sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu chưa làm tốt việc cung cấp cho tàu các tài liệu bắt buộc phải có theo quy định; chưa chú trọng đến việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn hàng hải; một số chủ tàu đã bố trí thuyền bộ thực tế trên tàu không phù hợp với các chức danh theo quy định, có trường hợp dùng bằng cấp, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của người khác để đăng ký, làm thủ tục rời cảng. Về công tác kiểm tra tàu biển, kiểm tra lần đầu 1.307 lượt tàu biển nước ngoài phát hiện trên 3.180 khiếm khuyết, lưu giữ 20 lượt tàu; kiểm tra 1.034 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, phát hiện 1.006 lượt tàu có khiếm khuyết; 890 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phát hiện 794 lượt tàu có khiếm khuyết; 737 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế được kiểm tra PSC, lưu giữ 52 lượt tàu. Tính riêng khu vực Tokyo MOU (Tổ chức kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương) đã có 721 lượt tàu biển Việt Nam được kiểm tra, 45 lượt tàu bị lưu giữ ở nước ngoài. Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để Kế hoạch triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2014; triển khai các công việc theo Kế hoạch thực hiện Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014; tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; duy trì thường xuyên các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn hàng hải đã được triển khai và đạt hiệu quả cao; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành địa phương trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn hàng hải trong vùng nước cảng biển; chỉ đạo, kiểm tra công tác phối hợp phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, thông tin điện tử để xử lý kịp thời các sự cố hàng hải, giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại; tiếp tục chú trọng công tác cập nhật bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải, tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng như ngư dân và người điều khiển phương tiện thủy nội địa; tăng cường huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tính chuyên nghiệp; tăng cường mối quan hệ hợp tác với chính quyền hàng hải các nước trong Tổ chức Tokyo MOU về công tác kiểm tra tàu biển; điều tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài; thúc đẩy việc khảo sát, mở rộng các khu neo đậu tránh trú bão, duy tu nạo vét luồng hàng hải; chú trọng xử lý dứt điểm các tàu neo đậu dài ngày trong vùng nước cảng biển;… Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; các Công ty Hoa tiêu Tân Cảng, Vũng Tàu đã tham gia báo cáo tham luận. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các văn bản, Nghị quyết của Chính phủ, của Bộ GTVT về an toàn giao thông nói chung và an toàn hàng hải nói riêng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm; khi xảy ra tai nạn hàng hải phải sớm có kết luận, đưa ra bài học kinh nghiệm để phổ biến cho các đơn vị phòng tránh. Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam đẩy mạnh triển khai Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU; phối hợp với Vụ Vận tải chỉnh sửa các nội dung Đề án nâng cao năng lực hoa tiêu hàng hải theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ để cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành; khẩn trương hoàn thiện Đề án về khu tránh bão để trình Bộ GTVT phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng bằng cấp, chứng chỉ của thuyền viên; phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng nghiên cứu, đề ra các quy định gắn thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện trong quá trình nạo vét; phối hợp Vụ Pháp chế xem xét lại vùng mở rộng hay thay đổi vùng đón trả hoa tiêu để công tác hoa tiêu hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nâng cao chất lượng giám sát kỹ thuật tàu mới, sửa chữa tàu, kiểm sát chặt chẽ việc kiểm tra hiện trường của đăng kiểm viên, đánh giá viên, đảm bảo tất cả các tàu được kiểm tra, đánh giá đủ khối lượng và chất lượng; quy trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm dẫn đến tàu bị lưu giữ; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đó có hợp tác trao đổi thông tin để giải quyết nhanh nhất việc tàu bị giữ; tổ chức tốt công tác đánh giá cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải cho tàu Việt Nam; xây dựng Bộ tiêu chuẩn cho hệ thống tự động nhận dạng (AIS) đáp ứng yêu cầu để lắp trên các tàu biển để trình Bộ GTVT (Vụ Khoa học công nghệ); Vụ Vận tải chủ trì, xây dựng Thông tư lắp đặt hệ thống AIS trên các tàu biển; Vụ An toàn giao thông xử lý các kiến nghị của đơn vị về thanh thải chướng ngại vật khu vực tàu bị chìm đắm; các Tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải và các cảng vụ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng đón trả hoa tiêu, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông nói chung… Nguồn: mt.gov.vn

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24901933
    • Online: 375