Sáng 04/9, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì Cuộc họp về dự thảo quyết định công bố danh mục phân loại cảng biển Việt Nam.
Tham dự Cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, An toàn giao thông, Khoa học công nghệ, Môi trường, Tài chính, Vận tải, Kế hoạch đầu tư, Văn phòng Bộ; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông…
Báo cáo tại Cuộc họp, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết thực hiện Nghị định số 21/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức xây dựng, trình Bộ dự thảo quyết định công bố danh mục phân loại cảng biển Việt Nam; đồng thời Bộ GTVT cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý kiến đối với dự thảo quyết định. Trong quá trình xây dựng dự thảo quyết định, Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành rà soát, đối chiếu kỹ nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Sau khi Cục Hàng hải Việt Nam hoàn chỉnh dự thảo, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông đã xem xét, thẩm định. Về cơ bản, tất cả các cơ quan, đơn vị tham gia góp ý đều thống nhất với những nội dung cơ bản của quyết định. Đối với những ý kiến đóng góp cụ thể đã được tiếp thu, chỉnh sửa hầu hết các ý kiến. Tại Cuộc họp, sau khi đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia đóng góp ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã nêu lên tầm quan trọng và quy mô của cảng biển, cũng như còn một số nội dung chưa hợp lý trong dự thảo quyết định công bố danh mục phân loại cảng biển Việt Nam, đồng thời đề nghị đơn vị xây dựng dự thảo và các đơn vị liên quan nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho phù hợp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, cả nước có hơn 200 bến cảng lớn nhỏ phân bố từ Bắc đến Nam, các bến cảng có quy mô khác nhau và do nhiều cơ quan đơn vị quản lý khai thác. Danh mục các cảng biển, bến cảng được xác định theo nguyên tắc tập hợp các bến cảng có vị trí địa lý gần nhau, sử dụng chung luồng cảng biển và điểm đón trả hoa tiêu tạo thành một cảng biển có tên chung; cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng, bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các cảng biển Việt Nam gồm 55 cảng biển, trong đó có 6 cảng biển mới; danh mục bến cảng gồm 222 bến cảng, trong đó có 57 bến cảng mới, đóng 1 bến cảng (bến cảng Nhật Lệ). Theo dự thảo quyết định, cảng biển Việt Nam được phân làm 3 loại, cảng biển loại 1 là cảng biển đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng (cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng biển đầu mối khu vực); cảng biển loại 2 là cảng biển quan trọng, có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương và cảng biển loại 3 là cảng biển chuyên dùng, có quy mô nhỏ phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả phân loại cảng biển, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bến cảng đặc biệt quan trọng thuộc cảng biển loại 1, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển bằng các hình thức như BOT, BTO, BT và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nguồn: mt.gov.vn