Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Theo đó, thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý bắt đầu từ ngày 01/2/2014 và trong các năm ngân sách từ năm 2014 đến hết năm 2016, trừ việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn-Vũng Tàu thực hiện thí điểm trong các năm ngân sách từ năm 2015 đến hết năm 2016. Trên cơ sở kế hoạch nạo vét, duy tu luồng hàng hải hằng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, cơ quan quản lý luồng phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình làm cơ sở triển khai thực hiện thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải; không thực hiện bước lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải. Không thực hiện việc bảo hành kết quả thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải sau khi đã được nghiệm thu theo quy định. Về đánh giá tác động môi trường, lần đầu thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải phải thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đối với những lần tiếp theo thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải, chỉ thực hiện việc quản lý, giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp có thay đổi vị trí đổ vật liệu nạo vét. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với tuyến luồng hàng hải Định An-Cần Thơ được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu rút gọn. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn-Vũng Tàu được thực hiện theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói; nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng hàng hải trong cả năm hoặc trong khoảng thời gian xác định với kinh phí cố định trên cơ sở phương án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh kinh phí thực hiện. Về nguồn vốn thực hiện, bảo đảm cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hằng năm để thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải quan trọng theo quy định; chỉ thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải bằng ngân sách Nhà nước đối với các tuyến luồng hàng hải quan trọng và các tuyến luồng không huy động được nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải không sử dụng ngân sách Nhà nước có trách nhiệm thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về nguồn vốn và hiệu quả đầu tư; Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả đầu tư. Nguồn: Chinhphu.vn