12/12/2020

Những tuyến vận tải tăng cường kết nối với các nước ASEAN đang được cơ quan hàng hải Việt Nam nỗ lực thực hiện…

Với quá trình hội nhập mạnh mẽ, hoạt động vận tải, kết nối trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam với các nước ASEAN ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực

Lợi lớn từ quá trình hội nhập

Bà Trần Thị Tuyết Mai Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (7/1995), hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải biển giữa các nước, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định hàng hải/vận tải biển song phương với 7 quốc gia thuộc ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar. Việt Nam cũng ký kết Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW 1978 với 6 quốc gia trong khu vực là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar và Thái Lan.

"Cục Hàng hải Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; đồng thời, đã phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2019-2020", bà Mai Anh thông tin.

Theo ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN, sự hợp tác sâu rộng của Việt Nam trong ASEAN những năm qua không chỉ giúp hoạt động vận tải biển dễ dàng hơn mà còn mở “cửa sáng” cho thị trường thuyền viên Việt Nam.

“Cụ thể, sau khi thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên giữa Việt Nam và một số nước được ký kết, các nước sẽ công nhận chương trình đào tạo của Việt Nam và ngược lại. Khi đó, thuyền viên Việt Nam có thể đi tàu treo cờ nước bạn mà không phải trải qua chương trình đào tạo lại”, ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Mạnh, lãnh đạo một hãng tàu lớn tại Hải Phòng cho biết, kể từ ngày Việt Nam gia nhập ASEAN đến nay, hiệu quả rõ rệt nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Khoảng gần 10 năm trước, tàu, thuyền muốn cập cảng làm hàng phải mất tới 2 - 3 ngày (nếu không có sự cố) để nhân viên mang hồ sơ đến từng cửa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển làm thủ tục. Tuy nhiên, trong 6 - 7 năm trở lại đây, với việc áp dụng khai báo thông tin trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, tất cả thủ tục, giấy tờ hãng tàu phải hoàn thiện trước khi vào cảng Việt Nam hay cảng thuộc các nước ASEAN đều được gửi, kiểm duyệt và trả kết quả trên phương tiện điện tử với một mẫu chung. Đơn vị thời gian từ tính bằng ngày, hiện chỉ còn 20 - 30 phút.

”Quy trình thủ tục được ”điện tử hóa” không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đi lại mà còn tránh được nỗi lo chi phí thuê tàu. Bởi một ngày nằm chờ, tàu nhỏ tốn 10.000 USD/ngày tiền thuê tàu, tàu cỡ lớn hơn có thể từ 20.000 - 30.000 USD/ngày”, ông Mạnh nói.

Nhận diện khó khăn, tăng cường kết nối trong khu vực

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, quá trình hợp tác trong ASEAN của Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Theo ông Giang, tuy Việt Nam có hệ thống cảng biển trải dài từ Bắc đến Nam, nhưng các quốc gia thành viên khác cũng đang phát triển nhanh hệ thống cảng biển và đội tàu hàng hải để phát triển kinh tế.

Điển hình, giữa năm 2019, Campuchia đã lên xong kế hoạch xây dựng một cảng biển nước sâu tại tỉnh Koh Kong. Chính phủ Indonesia cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công đưa cảng biển Kijing, một trong những dự án chiến lược quốc gia quan trọng của Indonesia đi vào hoạt động vào cuối năm 2020. Cảng Tanjung Pelepas thuộc bang Johor của Malaysia bắt đầu hoạt động vào năm 2000, đã vươn lên vị trí thứ 19 trên toàn thế giới về khối lượng giao thương container. Sự hội nhập thị trường ASEAN của Việt Nam vì thế cũng khó khăn hơn.

“Mặt khác, đội tàu Việt Nam lại đang trong tình trạng dư thừa trọng tải nhỏ, thiếu các loại tàu chuyên dùng như tàu chở khí lỏng, ga hóa lỏng, tàu hóa chất, xi măng. Tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế ít được đầu tư do việc tàu tư đội tàu đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn. Xu hướng vận tải hàng hóa trên thế giới theo hướng container hóa, trong khi đội tàu container Việt Nam có tỷ trọng rất khiêm tốn (có 38 tàu, chiếm tỷ trọng 3,6% trong cơ cấu đội tàu), chủ yếu tàu trọng tải nhỏ vận tải nội địa và chạy feeder các tuyến gần. Trên thế giới đã phát triển loại tàu container có sức chở trên 20.000 teus, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư được tàu có sức chở 1.800 teus. Như vậy, sự phát triển của đội tàu Việt Nam ngày càng cách biệt so với sự phát triển của đội tàu thế giới”, ông Giang nói.

Liên quan đến định hướng hợp tác hàng hải với các nước ASEAN trong thời gian tới, Cục Hàng hải cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện đề án mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan hình thành trên sự thống nhất hoàn thiện Dự thảo Hiệp định về vận tải ven biển giữa ba quốc gia.

“Hiện, Cục Hàng hải VN vẫn đang tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp để thấy rõ nhu cầu vận tải của doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng phương án phù hợp và đề xuất các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng đó, Cục cũng sẽ tiếp tục đàm phán với Campuchia và Thái Lan để tìm tiếng nói chung, sớm đưa tuyến vận tải vào hoạt động”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nói.

Tìm hiểu của PV, đối với chủ trương mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, Tân cảng Sài Gòn đã đăng ký tham gia tuyến theo lộ trình: Hải Phòng - TP HCM - Cái Mép - Tân Cảng Hòn Chông - Shihanoukville - Bangkok và ngược lại. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp du lịch khác cũng đã xây dựng và đề nghị tham gia hai tuyến vận tải tàu khách trên tuyến vận tải ven biển. Trong đó, tuyến 1 có lộ trình từ Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc đến cảng Shihanoukville và ngược lại. Tuyến 2, dự kiến đi từ Bãi Vòng, Phú Quốc đến cảng Shihanoukville và ngược lại.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics VN nhận định, việc mở tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan sẽ tạo được nguồn hàng quá cảnh, hàng xuất khẩu về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Tiềm năng nhất là hàng xuất khẩu của Campuchia (nông sản, khoáng sản) tập trung về bằng đường sông. Hàng nhập khẩu của Campuchia (máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng) cũng có thể vào cảng Cái Mép - Thị Vải, sau đó vận chuyển bằng sà lan đến Campuchia./.

Nguồn: Báo Giao thông

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21218552
    • Online: 159