23/01/2021

Ngày 22/01, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên minh Châu Âu phối hợp tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn quốc gia hướng đến nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam”, thông qua Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Cơ quan hợp tác quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; các đại diện đến từ Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Môi trường thuộc Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp cảng biển, Chủ tàu, Công ty thu gom, xử lý chất thải, Đại lý tàu biển khu vực phía Nam... Về phía Liên minh Châu Âu, có ông Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất, Chính sách hành động khí hậu, môi trường, việc làm và xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; đại diện Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp cùng tham dự.

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” được thực hiện thí điểm tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái để đánh giá hiện trạng quản lý chất thải từ tàu biển, qua đó đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý và phương thức quản lý chất thải từ tàu theo hướng hiệu quả và bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã thảo luận về các kết quả đánh giá chi tiết hiện trạng hệ thống quản lý chất thải từ tàu tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái; xem xét các kinh nghiệm tốt nhất đang áp dụng tại cảng biển của Liên minh Châu Âu, trong đó có Chỉ thị 2000/59 EC của Liên minh Châu Âu về Cơ sở tiếp nhận tại cảng, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Theo đó, các nội dung chính được triển khai tại các Cảng của Liên minh Châu Âu theo quy định của Chỉ thị nêu trên gồm: Bắt buộc thông báo trước về chất thải từ tàu (loại và khối lượng chất thải); Khuyến khích hệ thống thu hồi chi phí (chi phí gián tiếp - trả phí không phụ thuộc vào việc vận chuyển chất thải tới cảng); Quy trình thu gom, xử lý và thải bỏ chất thải rõ ràng; Khuôn khổ hợp đồng minh bạch rõ ràng với các đơn vị thu gom xử lý chất thải tư nhân; Xây dựng “Sổ tay quản lý chất thải từ tàu” và nâng cao nhận thức về tất cả mọi khía cạnh quản lý chất thải từ tàu tại cảng.

Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Được biết, hoạt động của tàu biển luôn làm phát sinh các chất thải như: chất thải lẫn dầu, nước thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, rác, nhựa… Nếu không được quản lý đúng quy định, sẽ dẫn đến tình trạng xả thải trái phép xuống biển, gây tác động lớn và lâu dài đối với môi trường. Một số chất thải cấm xả xuống biển phải được thu gom, chuyển lên phương tiện tiếp nhận tại cảng và đưa đi xử lý. Đây là quá trình được tham gia bởi nhiều bên với sự giám sát chặt chẽ.

Trong những năm gầm đây, kinh tế biển và trong đó có hoạt động cảng biển Việt Nam không ngừng tăng trưởng, đặt ra những thách thức về phát triển bền vững. Trước tình hình đó, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và các bên liên quan như: doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu… đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường biển khỏi các chất thải phát sinh từ hoạt động của tàu biển.

Bên cạnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường được ban hành và thực hiện trước đó, Việt Nam đã gia nhập đầy đủ 06 Phụ lục của Công ước MARPOL 73/78; ban hành và thực hiện Thông tư số 41/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT về quản lý chất thải từ tàu biển. Các quy định này đã góp phần cải thiện đáng kể hoạt động quản lý chất thải từ tàu biển, song tiếp tục đặt ra một số thách thức, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan và hoàn thiện trong thời gian tới.

Đại biểu tham dự chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Thông tin bên lề Hội thảo, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nên kinh tế tuần hoàn cho nhựa tại 07 nước Đông Á và Đông Nam Á, nhằm góp phần làm giảm đáng kể rác thải biển. Đây là Dự án do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, do Cơ quan hợp tác Đức (GIZ GmbH) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập Website https://beatplasticpollution.eu/rethinking-plastics hoặc liên hệ: Bà Fanny Quertamp - Chuyên gia tư vấn cao cấp, Việt Nam, Email: fanny.quertamp@expertisefrance.fr; Bà Trần Thị Tú Anh - Cục Hàng hải Việt Nam, Email: anhttt@vinamarine.gov.vn./.

Việt Hà 

 

 

 

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :23079392
    • Online: 292