22/10/2013

LAN HƯƠNG Tuyến vận tải hành khách đường thuỷ cố định bằng tàu cao tốc cánh ngầm từ TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu và ngược lại được hình thành và đưa vào hoạt động từ năm 1994. Với ưu việt là khách hàng đi lại tiện lợi, rút ngắn thời gian so với đường bộ (chỉ có 1 giờ 15 phút từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu), hoạt động tuyến vận tải đường thuỷ này đã phát huy được vai trò trong vận tải hành khách, bình quân số hành khách hàng năm khoảng trên 200.000 lượt, đã góp phần giảm bớt áp lực về vận tải đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại đa dạng của người dân và du khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra những tai nạn đường thuỷ liên quan đến tàu cao tốc, để lại hậu quả nghiêm trọng về người và của, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu cao tốc tuyến luồng này. Để rà soát lại tình hình hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giao các Cục, Vụ liên quan của Bộ, kiểm tra hoạt động của tàu cánh ngầm trên địa bàn một số tỉnh, thành, trong đó có tuyến TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông báo cáo: “Qua kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn kiểm tra phát hiện trên tuyến có bảy điểm đen, thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo vì lắp thiết bị của ô tô, không có bản đồ số của tuyến đường sông. Khi kiểm tra, phương tiện ở dưới sông nhưng thiết bị hiển thị ở trên cạn…”.

Thực trạng hoạt động của tàu cánh ngầm tuyến TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu: Hiện nay, có ba doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tham gia hoạt động tuyến TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu: công ty Cổ phần Dòng Sông Xanh (Greelines Express), công ty Cổ phần tàu cao tốc Vina (Vina Express) và công ty TNHH vận tải Quang Hưng (Petro Express). Với 17 tàu cao tốc (trong đó 10 tàu hai máy và 7 tàu một máy) có sức chở từ 71 đến 140 hành khách. Đa số các tàu này nhập từ Liên Xô cũ, tuổi đời đều cao (từ 18 năm trở lên), kỹ thuật, chất lượng, vỏ máy và trang thiết bị hành trình đều thấp cũ, lạc hậu và chưa được trang bị các thiết bị hành trình như ra-đa, VHF…, mặc dù các phương tiện đã thay máy cũ bằng máy mới xuất sứ từ Mỹ, Đức nhưng hoạt động của phương tiện không ổn định hay bị sự cố, do vậy việc bỏ chuyến hoặc chết máy dọc đường đã thường xuyên xảy ra. Về bến đậu, tại TP. Hồ Chí Minh chưa có bến cố định cho tàu cánh ngầm, tàu phải đậu chung cầu tàu với các tàu của công ty du lịch. Bến đậu tại Vũng Tàu chưa được đầu tư phù hợp để dành cho tàu cánh ngầm, chưa có đệm va, cầu dẫn và khi thời tiết xấu các tàu vẫn phải đậu “chui” tại khu vực Sông Dinh vì chưa có quy định chính thức. Trong quá trình hoạt động nhiều năm qua, các hãng tàu cao tốc đã dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, vì thế có một số mặt tồn tại trước đây đã được khắc phục như việc bố trí đầy đủ áo phao theo quy định, bước đầu đã lập danh sách hành khách mặc dù chưa được đầy đủ và chính xác, số lượng khách được giám sát, thông tin liên lạc của các cơ quan chức năng đã được niêm yết tại cabin thuyền trưởng và các khoang hành khách, các tàu đã trang bị VHF (bộ đàm), các công ty đã lập phương án cứu hộ, cứu nạn và có cam kết với nhau trong phối hợp ứng cứu khi gặp sự cố… Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động của tàu cánh ngầm còn một số những tồn động như vẫn còn tình trạng huỷ chuyến đã đăng ký của các doanh nghiệp vận tải hành khách một phần do thời tiết xấu nhưng cũng có những trường hợp do tàu đã cũ, máy móc xuống cấp nên hay gặp sự cố, tình trạng các thuyền trưởng không báo cáo sự cố trong hành trình cho các cơ quan quản lý để tránh đăng kiểm lại; Tàu đã trang bị áo phao nhưng chưa hướng dẫn hàng khách cách sử dụng áo phao và cách thoát hiểm khi tàu gặp sự cố; đã xảy ra tình trạng tàu một máy mất chủ động do hư máy trên hành trình; danh sách hành khách và vé hành khách chưa ghi đầy đủ thông tin cá nhân… Ngoài ra, với đặc thù của phương tiện tàu cánh ngầm là chạy tốc độ khá cao, cho nên việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm khi phương tiện đang hành trình gặp nhiều khó khăn, trong khi đó ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ thuyền viên còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua và là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn trong thời gian tới. Kiến nghị một số sửa đổi trong quy định hướng dẫn quản lý tàu cánh ngầm Theo thống kê của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 6/2007 đến ngày 31/8/2013 đã xảy ra 38 trường hợp sự cố, tai nạn. Trong đó, 02 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người chết và chìm một phương tiện nhỏ, 06 tai nạn khác xảy ra do thuyền trưởng không làm chủ tốc độ va chạm với các phương tiện khác hoặc phao tiêu, cháy hầm máy, 18 sự cố xảy ra chủ yếu do hỏng động cơ, các trường hợp còn lại do sóng to làm vỡ kính, bể ống dầu, mắc cạn. Riêng trong tháng 8 đầu năm 2013, đã xảy ra 20 sự cố do hỏng động cơ hoặc phương tiện không đạt được tốc độ. Trước tình hình đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý tàu cao tốc cánh ngầm và trình lên Bộ GTVT một số sửa đổi quy định, hướng dẫn quản lý tàu cánh ngầm: Kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng ban hành về nghị định quy định niên hạn sự dụng phương tiện thuỷ cao tốc chở khách. Đồng thời để giải quyết căn cơ vấn đề trên trên phạm vi toàn quốc, quy định không cho phép nhập khẩu đối với các phương tiện đã qua sử dụng trên 10 năm (kể từ ngày xuất xưởng). Xem xét, không cho phép các tàu có một động cơ hoạt động trên tuyến này, do hành trình trên tuyến đi ngang qua khu vực cửa biển Cần Giờ và vịnh Gành Rái thường có sóng to gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão. Bổ sung quy định “hành khách khi mua vé phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân” để các công ty vận tải có điều kiện thuận lợi trong việc lập danh sách khách hàng và đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực cảng, bến. Thời gian hoạt động của phương tiện thuỷ vận tải hành khách sẽ từ 6 giờ đến 16 giờ trong ngày, vì ban đêm tầm nhìn của người điều khiển phương tiện rất hạn chế, nếu xảy ra sự cố công tác cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa các phương tiện trước khi rời cảng, kiểm tra thuyền viên, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn… để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến hành trình. Xử phạt nghiêm hành vi “không báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phương tiện do mình điều khiển xảy ra sự cố trên đường thuỷ nội địa”, nhằm hạn chế trường hợp khi xảy ra sự cố, thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện không dự báo được tình huống, tự khắc phục sư cố dẫn đến việc chậm trễ công tác cứu hộ, cứu nạn hoặc cố tình dấu những sự cố ảnh hưởng đến điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu và tiếp tục đưa phương tiện vào khai thác khi chưa có sự kiểm tra của cơ quan đăng kiểm.Tăng mức xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn để tăng trách nhiệm của người tham gia giao thông với nghĩa vụ cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra tai nạn. Xử lý nghiêm các hành vi “không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động”. Xem xét, điều chỉnh sức chở phù hợp với tuổi thọ của phương tiện, bổ sung thêm một số trang thiết bị trợ giúp hành trình, thông tin liên lạc, đồng thời xem xét rút ngắn thời gian giữa các lần đăng kiểm và tăng kiểm tra đột xuất đối với tàu trên 20 năm. Quy định áo phao phải gắn thêm đèn, còi báo. Ngoài ra, nhằm giải quyết bài toán hạ tầng luồng tuyến đan xen giữa hàng hải và đường thủy nội địa; quản lý bến cảng; quản lý hoạt động tàu… để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với loại phương tiện này, Bộ GTVT đề xuất phải đưa tàu cao tốc cánh ngầm vào loại phương tiện cần giám sát thường xuyên trong suốt lộ trình để kịp thời phát hiện những tàu chạy không đúng luồng tuyến, gặp tai nạn…, kịp thời đưa ra cảnh báo để điều chỉnh khi tàu chạy vào những luồng tuyến đông phương tiện. Song song với giải pháp trên, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cảng bến sẽ phải có những quy định để hành khách lên xuống tàu thuận lợi và khách lên tàu phải được hướng dẫn các thao tác sử dụng phao cứu sinh, các tình huống thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Thuyền viên trên tàu phải thường xuyên được cập nhật các quy định đảm bảo an toàn hàng hải đặc biệt các quy định phòng chống va trôi, các thông tin về luồng hàng hải.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24900999
    • Online: 95