Ngày 31/3, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về báo cáo tiền kỳ công tác quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh việc đồng bộ, hài hòa và có phân kỳ đầu tư trong quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển Hà Tĩnh
Rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cảng biển
Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 thì cảng biển Hà Tĩnh là cảng biển loại I thuộc nhóm Cảng biển số 2 (nhóm Bắc Trung bộ).
Trong đó, đặc biệt là khu bến Vũng Áng và khu bến cảng Sơn Dương có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Đông Bắc Vương quốc Thái Lan…
Với khu bến cảng Vũng Áng có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Có thể tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải đến 70.000 tấn; tàu container sức chở đến 4.000 TEU; tàu hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 15.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Hiện nơi đây đã đưa vào hoạt động cầu cảng số 1, số 2, bến cảng Xăng dầu LGP Vũng Áng, bến cảng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Sản lượng hàng hóa tính chung cả năm 2021 là 5,6 triệu tấn.
Với cầu cảng số 3 và số 4 đang được đầu tư, dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 2022. Ngoài ra, với các cầu cảng 5,6,7,8,9,10,11 và bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã và đang được đầu tư xây dựng.
Trong khi đó, khu bến Sơn Dương cũng có bến hàng rời, hàng lỏng/khí, tổng hợp, container. Có thể tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300.000 tấn, tàu hàng lỏng/ khí trọng tải đến 150.000 tấn, tàu tổng hợp và container trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Khu bến cảng Sơn Dương đã có 13 cầu cảng được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép đưa vào sử dụng. Trong đó 3 cầu cảng tiếp nhận tàu đến 200.000DWT, 3 cầu tiếp nhận tàu đến 50.000DWT, 7 cầu cảng tiếp nhận tàu đến 10.000DWT. Sản lượng hàng hóa năm 2021 là 27 triệu tấn. Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cũng hoàn thành xây dựng 4 cầu cảng khác (W8,W9, W10, N1) nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, ở Hà Tĩnh còn có các khu bến khác như: Bến cảng Xuân Hải, Xuân Phổ; bến cảng Cửa Sót; bến cảng xăng dầu Xuân Giang; bến phao, khu neo đậu chuyển tải; các khu neo đậu tránh, trú bão...
Để tăng hiệu quả khai thác cảng tại Vũng Áng, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Trung tâm Logistics Vũng Áng. Tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số nhà đầu tư và đang xem xét đề xuất của một số nhà đầu tư khác.
Chưa hết, hiện nhiều tập đoàn trong nước và các quốc gia phát triển đang khảo sát thực tế và có kế hoạch đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng. Trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi như: Vingroup, T&T, LNG Central (Mỹ); Liên doanh Lee & Man và Hokuetsu…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: "Khu vực cảng biển Vũng Áng có vị trí địa lý và tiềm năng hàng hải đặc biệt thuận lợi. Không chỉ cho phát triển kinh tế của địa phương, khu vực mà còn cho cả nước bạn Lào và 10 tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Tỉnh đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, sớm trình Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước Hà Tĩnh, đồng thời tích hợp và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 2".
Bộ GTVT cho phép triển khai đồng thời việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết bến cảng Vũng Áng- Sơn Dương được phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-BGTVT ngày 17/01/2012 của Bộ GTVT.
Ngoài ra, Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng đê chắn sóng phía Bắc; quy hoạch, điều chỉnh, đầu tư đê chắn sóng phía Tây cảng Vũng Áng và đê chắn sóng phía Bắc cảng Sơn Dương; hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, kết nối luồng hàng container đến cảng Vũng Áng.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh việc quy hoạch cảng biển ở Khu Kinh tế Vũng Áng phải đảm bảo kết nối giao thông với bên ngoài
Đảm bảo đồng bộ, hài hòa có phân kỳ đầu tư
Trong suốt quá trình làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Đối với khu bến cảng Vũng Áng, dự kiến cầu cảng số 3 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong cuối năm nay.
Thế nhưng, nhà đầu tư có khảo sát phần trước bến để tiến hành khai thác tạm thời cầu cảng số 3 với những tàu phù hợp. Việc khai thác tạm thời này với mục đích "lấy ngắn nuôi dài" vừa tránh lãng phí vừa giúp chủ động hơn trong việc khai thác bến 1 và 2".
Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu hệ thống các tuyến đường giao thông kết nối từ khu vực cảng Vũng Áng ra ngoài. Đảm bảo nguyên tắc ngoài phục vụ cảng Vũng Áng còn phục vụ cả cảng Sơn Dương và đặc biệt là kết nối với các tuyến đường, đặc biệt là đường sắt sang Lào.
Trong đó, ưu tiên bố trí ga đường sắt sát cầu, bến cảng để giảm thời gian bốc xếp, chuyển tải. Khi các nhà đầu tư cảng biển vào cũng phải đảm bảo thị phần vận tải, trong đó có đường thủy và đường sắt để tránh phá vỡ quy hoạch.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Hà Tĩnh đảm bảo khai thác hiệu quả bến 1 và bến 2. Chủ trương của Bộ GTVT là song song quy hoạch đầu tư thì phải đẩy mạnh khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện tại mới đạt được mục đích.
“Cảng biển thời gian qua thu hút được mạnh là do khai thác hiệu quả hạ tầng hiện hữu. Đây cũng là tiền đề để kêu gọi các nhà đầu tư trong thời gian tiếp theo…”, Thứ trưởng Sang nói.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết nhà đầu tư cầu cảng số 3 khu bến cảng Vũng Áng có thể vừa hoàn thiện, vừa khai thác loại tàu phù hợp để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí...
Với khu bến cảng Sơn Dương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh: "Đây là một trong những vị trí có luồng hàng hải tốt nhất hiện nay trong cả nước. Hiện tại các tàu đang vào khai thác rất ổn định, dù chưa nạo vét lần nào, trong khi độ sa bùn rất ít".
Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu cách bố trí cầu cảng, định hướng xây dựng bến nhô theo dạng răng lược để vừa hoạt động vừa có thể chắn sóng. Ngoài ra, với khu bến này, ngoài cỡ tàu chặn trên thì dứt khoát phải có cỡ tàu chặn dưới…
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, hiện Bộ GTVT đang làm quy hoạch chi tiết nhóm 2, trong khi tỉnh đang làm quy hoạch chi tiết vùng đất vùng biển Hà Tĩnh. Việc thực hiện quy hoạch này phải tuân thủ và bám sát quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Trong đó đảm bảo nguyên tắc hài hòa với nhau, tỉnh nằm trong nhóm, nhóm nằm trong cả nước. Đồng thời đưa ra được phương án vừa khả thi về lâu dài, nhưng cũng khả thi, trước mắt để có lộ trình từng bước triển khai.
“Tôi giao các cục, vụ, viện của Bộ căn cứ vào quy hoạch tổng thể, làm việc với các sở, ngành của Hà Tĩnh và tư vấn thiết kế để cập nhật quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, lộ trình kêu gọi đầu tư, kế hoạch phát triển các khu công nghiệp… để xây dựng tiêu chí lượng hàng hóa thông qua. Từ đó đưa ra lộ trình, phân kỳ đầu tư xây dựng, không chỉ các bến mà còn lộ trình hạ tầng khai thác các luồng…”, Thứ trưởng Sang nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh