Phó Cục trưởng Đỗ Hồng Thái: Cục HHVN tăng cường công tác quản lý để phát triển hệ thống cảng biển đúng quy hoạch Cuối năm thường là thời điểm bận rộn nhất, đặc biệt với một lãnh đạo phụ trách công tác xây dựng cơ bản và quản lý các dự án hàng hải của Cục HHVN, nhưng khi phóng viên Tạp chí Hàng hải VN “gõ cửa” xin phỏng vấn, Phó Cục trưởng Đỗ Hồng Thái vẫn tiếp chuyện nhiệt tình. Thưa ông ngày 03/8/2011, Bộ GTVT đã ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 06 nhóm cảng biển. Việc xây dựng quy hoạch này dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu nào? Theo nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đến sau năm 2020 kinh tế hàng hải sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đứng đầu các ngành kinh tế biển. Đóng góp của kinh tế biển chiếm 53-55% tổng GDP của cả nước. Vì vậy hoạch định chiến lược đầu tư hạ tầng ngành Hàng hải, đặc biệt hệ thống cảng biển, có một ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược biển đã đề ra. Hàng hải là một lĩnh vực có tính quốc tế hóa cao, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, do đó Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến chiến lược phát triển ngành Hàng hải. Cùng với công tác hoàn thiện thể chế hàng hải, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện và phê duyệt tại Quyết định 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải Việt Nam triển khai lập quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt. Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2010, chúng ta đã xây dựng được trên 20km cầu cảng, nâng tổng chiều dài cầu cảng Việt Nam lên hơn 40km, đáp ứng 90% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HHVN đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009. Ngày 03/8/2011, Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Về cơ sở và dữ liệu để lập quy hoạch này là kế thừa thành quả Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 và phát triển theo định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 35/2009/QĐ-TTg ngày 03/3/2009; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương. Cơ sở dự báo hàng hóa thông qua cảng theo kịch bản phát triển kinh tế-xã hội (đối với hàng tổng hợp, container) và các quy hoạch chuyên ngành liên quan (hàng chuyên dùng ngành Công nghiệp điện than, xi-măng, thép...). Quy hoạch sử dụng các phương pháp dự báo tiên tiến đang áp dụng rộng rãi trên thế giới như phân tích thống kê, tương quan hồi quy, cân đối sản xuất tiêu thụ... Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển sẽ là căn cứ chính cho Cục HHVN quản lý phát triển hệ thống cảng biển và các cơ sở hậu cần sau cảng, phải vậy không thưa ông? Điều đó được cụ thể hóa như thế nào? Theo quy định của Bộ luật HHVN 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo lập, phê duyệt và phối hợp với các địa phương quản lý quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên quá trình thực hiện quy hoạch, đầu tư cảng biển chịu sự chi phối, quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, cụ thể: - Địa phương (UBND tỉnh hoặc Ban quản lý KKT tại địa phương) cấp giấy chứng nhận đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý đất đai; - Bộ GTVT giao Cục HHVN quản lý, giám sát quá trình đầu tư đảm bảo đúng quy hoạch và an toàn, an ninh hàng hải trong phạm vi vùng nước thuộc thẩm quyền được giao quản lý; - Hạ tầng kết nối cảng biển như đường sắt, đường bộ do các cục chức năng của Bộ GTVT và địa phương đầu tư xây dựng; - Cung cấp điện, cấp thoát nước, quản lý môi trường do các sở ban ngành của địa phương đảm nhiệm… Hiện có nhiều cơ quan, tổ chức đồng thời tham gia quản lý hoạt động tại cảng biển, vì vậy, cần có cơ quan chịu trách nhiệm điều phối chung tạo sự đồng bộ trong đầu tư khai thác hạ tầng cảng biển và hạ tầng kết nối cảng biển. Vấn đề này, trong quá trình nghiên cứu Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cục HHVN đã kiến nghị Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất (hay chính quyền cảng), đồng thời cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hàng hải để đảm bảo thực hiện phát triển hệ thống cảng biển đúng quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Sau thời gian thí điểm đưa tàu trọng tải lớn vào các cảng trên sông Cái Mép-Thị Vải và cho tàu Panamax vào cầu cảng số 5, 6 cảng Cái Lân, ông đánh giá thế nào về hiệu quả mang lại? Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 và quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển Việt Nam đến năm 2020 được Bộ GTVT phê duyệt ngày 03/8/2009, đã xác định, phát triển cảng cửa ngõ quốc tế cho tàu trọng tải lớn tại Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số khu vực khác khi có điều kiện. Nằm trong khu vực hoạt động hàng hải năng động nhất thế giới, Việt Nam hiện đang thu hút được sự quan tâm của các hãng tàu lớn, các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đến đầu tư và hoạt động vận tải biển. Bằng những thay đổi có tính chiến lược trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta đang đứng trước vận hội mới để phát triển hệ thống cảng biển xứng tầm quốc tế thúc đẩy sự phát triển hàng hải phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH đất nước. Việc thí điểm tiếp nhận thành công dẫn tàu trọng tải trên 100.000 DWT cập cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và tàu Panamax cập bến cảng Cái Lân an toàn trong điều kiện hạn chế là yêu cầu thực tế. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ tàu, chủ hàng, các doanh nghiệp dịch vụ, còn khẳng định tính chiến lược trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, khẳng định năng lực và vị thế của ngành Hàng hải Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng cho việc thiết lập những tuyến hàng hải mới từ Việt Nam thẳng đến châu Âu và châu Mỹ, mở ra một thời kỳ mới cho hội nhập kinh tế thế giới. Xin cảm ơn ông! Kính chúc ông cùng gia đình bước sang năm mới tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc! HỒNG MINH (Thực hiện)