14/10/2014

Sáng 14/10, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý nhiệm vụ môi trường: Đề án xác định vùng thải nước dằn tàu cho khu vực cảng biển từ Ninh Bình đến Thừa Thiên-Huế và từ Vũng Tàu đến Phú Quốc, Giai đoạn 2 – mã số MT 133006. Tham dự Hội nghị, tại đầu cầu Hà Nội có đại diện Viện Nghiên cứu quản lý tài nguyên biển và hải đảo, Viện Tài nguyên&Môi trường biển, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ bảo vệ môi trường thủy (Đại học HHVN); đại diện các phòng tham mưu của Cục, Văn phòng IMO Việt Nam; và 9 điểm cầu tại các Cảng vụ Hàng hải: An Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cà Mau. Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo Nhằm phục vụ công tác quản lý, chuẩn bị năng lực gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn lắng của tàu (Công ước BWM 2004), thực thi Điều 50 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì thực hiện nghiên cứu, xác định vùng thải nước dằn tàu cho các khu vực cảng biển từ Vũng Tàu đến Phú Quốc, với mục tiêu là góp phần xây dựng chiến lược quốc gia và quản lý môi trường biển, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ các hoạt động hàng hải, thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Phó trưởng phòng KHCN&MT, Chủ nhiệm Đề án Trần Thị Tú Anh trình bày nội dung nghiên cứu
Nội dung chính đề cập trong nghiên cứu bao gồm đánh giá sơ bộ hiện trạng hoạt động vận tải biển trong khu vực nghiên cứu; đặc điểm chung về điều kiện tự nhiên, khí hậu thủy văn; hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế liên quan đến kiểm soát và quản lý nước dằn tàu; nghiên cứu xác định vị trí cho phép thải nước dằn tàu và cơ chế kiểm soát, quản lý hoạt động thải nước dằn tàu trong hoạt động vận tải biển từ Vũng Tàu đến Phú Quốc. Theo đó, trên cơ sở chạy mô hình lan truyền chất ô nhiễm từ các vị trí sơ bộ, để đảm bảo nước dằn không lan tỏa vào bờ, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 vị trí cho phép thải nước dằn tàu tại khu vực Phan Thiết đến Vũng Tàu (A1) và khu vực Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau (A2), khu vực Phú Quốc, Kiên Giang (A3). Theo đánh giá, các vị trí này đều thuận lợi cho việc hành hải của tàu thuyền. Cũng trên cơ sở xác định các vị trí trên, Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra cơ chế kiểm soát, quản lý nước dằn tàu. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tú Anh – Phó trưởng phòng KHCN&MT, Chủ nhiệm Đề án - việc quản lý thải nước dằn tàu cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm, thiếu công cụ và trang thiết bị đồng bộ để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm… Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quá trình nghiên cứu cần lưu ý đến một số khu dự trữ sinh quyền thế giới, vùng nhạy cảm PSSA của Việt Nam đã được thế giới công nhận; đề xuất điều chỉnh lại tỏa độ vị trí thải nước dằn tàu, nối các điểm A1, A2, A3 để tạo thuận lợi cho tàu khi thực hiện xả thải cũng như kiểm soát thải nước dằn của các cơ quan quản lý Nhà nước; tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia lân cận trong việc xác định khu vực cho phép xả thải nước dằn tàu sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí tượng thủy văn của từng vùng nước ta; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và số liệu mới vào nghiên cứu…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Đề án Trần Thị Tú Anh mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp cụ thể và chi tiết hơn để làm cơ sở cho Nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài vào cuối tháng 10/2014 và trình Bộ GTVT. Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến giao Nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Đề án; đồng thời, đặt ra một số vấn đề cần làm rõ thêm để việc khoanh vùng và xác định vị trí xả thải đáp ứng mục tiêu đặt ra của Đề án và Công ước BWM 2004... Trước đó, Đề án xác định vùng thải nước dằn tàu cho khu vực cảng biển từ Ninh Bình đến Thừa Thiên- Huế đã được Hội đồng KH&CN cấp cơ sở Cục HHVN tổ chức nghiệm thu ngày 23/9/2013, và được đánh giá đạt yêu cầu. Bộ GTVT cũng đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu này trong năm 2013. Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội tham dự Hội thảo
BÙI MINH

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :22722690
    • Online: 309