15/01/2014

ĐỖ HỒNG THÁI Phó Cục trưởng Cục HHVN Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg, ngày 24/12/2009. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc lập, quản lý và thực hiện Quy hoạch. Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế. Đề án rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Công ty CP Tư vấn cảng-kỹ thuật biển (Portcoast) triển khai, với mục tiêu chung là phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa Việt Nam hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển của đất nước; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng; hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị-công nghiệp ven biển. Phác thảo về cảng biển Cả nước hiện có 44 cảng biển (14 cảng biển loại I, 17 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III) với 219 bến cảng có 373 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 43,6km, năng lực thông qua hơn 430 triệu tấn/năm; có 39 luồng vào cảng quốc gia và 10 luồng vào cảng chuyên dùng. Nhìn chung, hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng. Năm 2012, tổng lượng hàng qua các cảng biển nước ta đạt 294,7 triệu tấn, gấp 2,15 lần năm 2005 (riêng hàng container gấp 3,3 lần), bằng khoảng 60% lượng hàng qua cảng dự kiến cho năm 2015 tại Quy hoạch đã được duyệt (riêng hàng tổng hợp, hàng container đạt xấp xỉ 70-75%). Năm 2013, đã có trên 326 triệu tấn hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước, trong đó hàng container chiếm gần một phần ba. Cơ sở hạ tầng bến cảng từng bước được cải thiện. Nhiều bến cảng tổng hợp, container mới cho tàu trọng tải lớn với hạ tầng đồng bộ hiện đại đã và đang được xây dựng, khai thác tại Cái Lân - Quảng Ninh, Đình Vũ - Hải Phòng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Cái Mép Thị Vải - Vũng Tàu, Hiệp Phước - TP. Hồ Chí Minh và mới đây là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới đối với lĩnh vực cảng biển. Một số cảng, bến chuyên dùng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế và cơ sở công nghiệp tập trung cũng đang triển khai tại Nghi Sơn - Thanh Hóa, Sơn Dương - Hà Tĩnh, Vĩnh Tân - Bình Thuận, Duyên Hải - Trà Vinh phù hợp với tiến trình đầu tư chung của doanh nghiệp, địa phương và của Ngành. Cảng Đình Vũ Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Quy hoạch, một số bất cập đã bộc lộ đòi hỏi sửa đổi, chủ yếu trong công tác dự báo thị trường, tính đồng bộ giữa cảng biển và hệ thống hạ tầng sau cảng, bất cập trong cơ chế phối hợp, quản lý thực hiện Quy hoạch. Điều chỉnh các chỉ tiêu Dựa trên những cơ sở khoa học và dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong dài hạn, chỉ tiêu tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong Quy hoạch sau khi điều chỉnh hầu hết đều giảm so với Quy hoạch được phê duyệt trước đó. Con số cụ thể của từng giai đoạn như sau: Năm 2015: 400 ÷ 410 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp, container 275 ÷ 280 triệu tấn /năm), so với 498,5 ÷ 590 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp, container 260,5 ÷ 276,9 triệu tấn/năm). Năm 2020: 640 ÷ 680 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp, container 375 ÷ 400 triệu tấn /năm), so với 870,8 ÷ 1.082 (hàng tổng hợp, container 396,1 ÷ 438,5 triệu tấn/năm). Năm 2025: Các chỉ tiêu được giữ nguyên: 830 ÷ 905 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp, container 495 ÷ 540 triệu tấn/năm). Năm 2030:1.040 ÷ 1.160 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp, container 630 ÷ 715 triệu tấn/năm), so với 1.580 ÷ 2.100 (hàng tổng hợp, container 813,7 ÷ 1.083 triệu tấn/năm). Định hướng phát triển Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) Lượng hàng qua Nhóm dự kiến khoảng: Năm 2015: 112÷117 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 81÷83 triệu tấn/năm) Năm 2020: 153÷164 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 113÷120 triệu tấn/năm) Năm 2025: 200÷220 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 153÷167 triệu tấn/năm) Năm 2030: 260÷295 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 200÷225 triệu tấn/năm) Trong đó xác định cảng Hải Phòng là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA); cảng Hòn Gai - Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I). Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) Lượng hàng qua cảng dự kiến: Năm 2015: 46,7÷48 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 10,7÷11,0 triệu tấn/năm) Năm 2020: 101÷106 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 15,2÷16,0 triệu tấn/năm) Năm 2025: 139÷147,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 20,5÷22,7 triệu tấn/năm) Năm 2030: 171÷182 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 27,3÷30,8 triệu tấn/năm). Cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa, cảng Nghệ An được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I); cảng Hà Tĩnh là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) Lượng hàng qua cảng dự kiến: Năm 2015: 31÷32,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 15,8÷16,2 triệu tấn/năm) Năm 2020: 56,5÷70 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 22,3÷23,7 triệu tấn/năm) Năm 2025: 88,4÷103,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 30,4÷40,0 triệu tấn/năm) Năm 2030: 97,4÷115 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 40,0÷45,3 triệu tấn/năm) Trong đó, cảng Đà Nẵng được đầu tư là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), về lâu dài có thể phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung; cảng Dung Quất - Quảng Ngãi là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Cảng Chân Mây Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (Nhóm 4) Lượng hàng qua cảng dự kiến: Năm 2015: 24÷25 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 14,6÷15,0 triệu tấn/năm). Năm 2020: 61÷62,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 20,4÷21,6 triệu tấn/năm). Năm 2025: 71÷74,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 27,7÷30,3 triệu tấn/năm). Năm 2030: 85,4÷91,3 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 36,1÷41 triệu tấn/năm). Cảng Quy Nhơn - Bình Định, cảng Nha Trang, Ba Ngòi - Khánh Hòa được định hướng phát triển trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Trong quy hoạch trước đây, cảng Vân Phong được dự kiến đầu tư là cảng trung chuyển quốc tế. Hiện nay, cảng Cái Mép-Thị Vải đã tiếp nhận tàu đến 14.000 TEU (tàu lớn nhất thế giới hiện nay là 18.000 TEU), cho thấy cảng này hoàn toàn có thể đảm đương vai trò của một cảng trung chuyển container. Ngoài ra, thời gian qua đã xuất hiện nhu cầu cảng chuyên dùng, đặc biệt là cảng chuyên dùng bốc xếp than phục vụ ngành năng lượng (theo quy hoạch mới của ngành Điện đã bổ sung thêm một số nhà máy nhiệt điện). Vì vậy, cần phải cập nhật và điều chỉnh lại quy hoạch, trong đó kiến nghị Vân Phong trước mắt là cảng đa chức năng (hàng tổng hợp, container và hàng rời), không phải là cảng trung chuyển quốc tế. Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) Lượng hàng qua cảng dự kiến: Năm 2015: 172÷175 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 142÷145,5 triệu tấn/năm) Năm 2020: 238÷248 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 191÷200 triệu tấn/năm) Năm 2025: 294÷316,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 245,4÷267,5 triệu tấn/năm) Năm 2030: 358,5÷411,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 308÷345,8 triệu tấn/năm) Trong đó đầu tư cảng Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (loại IA); cảng TP. Hồ Chí Minh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Cảng Bến Nghé Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) Lượng hàng qua cảng dự kiến: Năm 2015: 10÷11,2 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 7,7÷8,4 triệu tấn/năm) Năm 2020: 25÷28 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 11,5÷14,0 triệu tấn/năm) Năm 2025: 41÷45 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 17÷20 triệu tấn/năm) Năm 2030: 66,5÷71,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 21,7÷26,2 triệu tấn/năm) Cảng Cần Thơ (TP. Cần Thơ) hướng tới mục tiêu trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) trong hệ thống cảng biển Việt Nam, còn lại là các cảng địa phương loại II. Riêng An Thới, Vịnh Đầm tại Phú Quốc sẽ xây dựng cầu cảng đủ năng lực tiếp nhận tàu 2.000÷3.000 DWT. Đối với cảng chuyên dùng nhập than cho nhiệt điện, giai đoạn trước mắt đầu mối tiếp nhận than cho nhiệt điện tập trung tại khu bến Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh. Về lâu dài (khoảng sau năm 2018), sẽ xây dựng 2 đầu mối trung chuyển tiếp nhận than nhập ngoại cho tàu trọng tải 100.000 ÷200.000 DWT. Về cảng cho tàu biển lớn ngoài cửa sông Hậu, tận dụng vùng nước được bảo vệ bởi đê ngăn sóng thuộc Dự án Nhiệt điện Duyên Hải và luồng kênh Quan Chánh Bố, xây dựng khu bến Định An - Trà Vinh cho tàu 30.000÷50.000 DWT làm hàng tổng hợp, container xuất nhập khẩu cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khi có điều kiện) tiếp nhận được tàu trọng tải trên 100.000 DWT, tàu container sức chở 9.000 TEU hoặc lớn hơn, đủ năng lực để có thể kết hợp đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế; các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các khu liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện tiếp nhận được tàu trọng tải 100.000 ÷ 300.000 DWT hoặc lớn hơn. Chú trọng cải tạo, nâng cấp các cảng đầu mối hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và khả năng huy động vốn. Phát triển bến cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội để tiếp nhận hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Nâng cấp, phát triển có chiều sâu trang thiết bị, dây chuyền công nghệ bốc xếp và quản lý để nhanh chóng khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật-công nghệ, yếu kém về chất lượng phục vụ, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế về cảng biển. Nghiên cứu kết hợp chỉnh trị với nạo vét để cải tạo nâng cấp luồng tàu vào cảng, đảm bảo cho tàu lớn ra vào thuận lợi, an toàn và đồng bộ với quy mô cầu bến và phù hợp với chức năng, vai trò của cảng. Riêng với các luồng vào cảng chính cần tập trung cải tạo nâng cấp như luồng vào cảng Hải Phòng qua Lạch Huyện, kênh Hà Nam, sông Bạch Đằng, sông Cấm, với trọng điểm là đoạn luồng ngoài vào khu bến Lạch Huyện và kênh Hà Nam, sông Bạch Đằng vào khu bến Đình Vũ. Luồng Vũng Tàu-Cái Mép-Thị Vải đến Gò Dầu, giai đoạn trước mắt tập trung giải quyết các đoạn cạn, hẹp, cong gấp cục bộ tương ứng với chuẩn tắc kỹ thuật hiện nay. Việc cải tạo nâng cấp toàn tuyến sẽ thực hiện khi thực sự có nhu cầu trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề án tổng thể toàn diện. Luồng vào cảng TP. Hồ Chí Minh theo sông Soài Rạp, hiện đang triển khai thực hiện cải tạo nâng cấp giai đoạn 2 (cao độ đáy luồng -9,5m). Luồng vào cảng Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt là luồng sông Hậu theo kênh Quan Chánh Bố cho tàu 10.000 ÷ 20.000 DWT (vơi mớn) và qua cửa Định An cho tàu 3.000 ÷ 5.000 DWT ra vào khi triều cao. Dự kiến tổng kinh phí cần huy động để đầu tư phát triển cảng biển giai đoạn đến năm 2020 khoảng 220.000 - 280.000 tỷ đồng. Trong đó, gồm nguồn vốn ngân sách, vốn huy động từ các nguồn lực trong và ngoài nước; thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án cảng biển có quy mô lớn, đầu tư mới có tính chất khởi động như cảng Vân Phong, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện… Với tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở đánh giá tình hình và những luận cứ khoa học, Cục Hàng hải Việt Nam đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam tiệm cận gần hơn với nhu cầu thực tế.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24127275
    • Online: 54