Sáng 18/11, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 18 Diễn đàn các trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á (AMFUF) 2019 do Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề "Những thách thức và đáp ứng của đào tạo, huấn luyện hàng hải: Thúc đẩy toàn cầu hóa, khuyến khích sự đổi mới và hợp tác giữa các bên".
Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Hội nghị AMFUF diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 18/11 -20/11) với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 14 trường Đại học, Học viện của 09 quốc gia khu vực Châu Á. Đây là cơ hội để các đại biểu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục, học thuật và các nghiên cứu khoa học ngành hàng hải và kinh tế biển vì sự phát triển bền vững, hiệu quả của ngành Hàng hải thế giới nói chung và Châu Á nói riêng. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến ngành Hàng hải xuất hiện; tuy nhiên các cơ sở đào tạo, tổ chức và quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết một cách toàn diện, thấu đáo. Đồng chí Phó Cục trưởng tin tưởng rằng, Hội nghị AMFUF thường niên được tổ chức sẽ mang đến nhiều thông tin khoa học hữu ích, mở rộng tầm hiểu biết, đồng thời góp phần tìm ra những giải pháp mang tính đột phá trong việc phát triển ngành Hàng hải thế giới nói chung và Châu Á nói riêng. Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu tại Hội nghị Theo Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu, muốn thành công trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. "Tại Việt Nam, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chúng ta cần triển khai đa dạng hóa các giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá về nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực ngành hàng hải, chú trọng đến các thuyền viên đi biển..." - Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhấn mạnh. Được biết, Hội nghị AMFUF bao gồm 05 phiên khoa học với hơn 30 bài báo của các nhà nghiên cứu. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Tàu không người lái; Tăng cường bảo vệ và bền vững môi trường hàng hải; Quản lý hiệu quả năng lượng hàng hải; Chuỗi cung ứng, vận hành cảng; Kiểm soát chất lượng trong đào tạo cán bộ và sinh viên ngành Thủy sản; Hợp tác nghiên cứu và giáo dục giữa các thành viên AMFUF. Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á là Hội nghị lãnh đạo cấp cao của 27 Trường thành viên trong khu vực Châu Á. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong những thành viên chính thức đầu tiên tham gia Hiệp hội từ năm 2002 và vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên năm 2006. Hội nghị lần này, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam một lần nữa được lựa chọn đăng cai tổ chức, khẳng định uy tín và trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hàng hải, thủy sản, môi trường biển và khoa học đại dương./.
Văn phòng Cục