02/11/2021

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định ra đời với một số điểm mới nhằm góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ hơn, tránh thất thoát tài sản công. Đặc biệt quy định mới của Nghị định giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Hình ảnh minh họa

Bài viết sau đây, trình bày khái quát về một số điểm mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, thay thế của Nghị định số 67/2021/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67) so với Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 167) có liên quan đến việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, cụ thể như sau:

Nghị định 67 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2021, trong đó quy định về phạm vi điều chỉnh được sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký là 15/7/2021.

- Về phạm vi điều chỉnh, chủ yếu quy định thêm và rõ hơn đối tượng không sắp xếp nhà, đất theo Nghị định 67, gồm: Khẳng định tài sản khác gắn liền với đất nhưng không phải là công trình gắn liền với đất thì không coi là nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng quy định tại Nghị định gồm: Nhà, đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và nhà, đất khác không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; Đất, tài sản gắn liền với đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này quản lý, sử dụng đã có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai; Đất (bao gồm cả đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình), nhà, công trình gắn liền với đất là tài sản kết cấu hạ tầng: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện (bao gồm cả các trạm điện), hệ thống dẫn xăng dầu, hệ thống dẫn khí, thông tin liên lạc, chợ; Đất, công trình gắn liền với đất thuộc đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất có mặt nước nội địa; đất có mặt nước ven biển; đất bãi bồi ven sông, ven biển; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng và đất công trình công cộng khác do Nhà nước quản lý…

- Về đối tượng sắp xếp nhà, đất: đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Cục không có thay đổi, chỉ làm rõ hơn các loại hình doanh nghiệp có sử dụng nhà, đất;

- Quy định rõ hơn về trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bằng tiền (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước;

- Quy định rõ hơn về trách nhiệm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức … thay vì chỉ quy định là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cơ quan khác ở trung ương như Nghị định 167 trước đây;

- Quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý theo quy định để gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục);

- Quy định về trình tự việc tổ chức kiểm tra hiện trạng, lập phương án, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc thuộc trung ương quản lý (trừ nhà, đất tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và tại các địa phương khác;

- Điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Thủ tướng Chính phủ (gồm Nhà, đất đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định; Nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao…), của Bộ trưởng Bộ Tài chính (nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc trung ương quản lý và nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp I thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác..). Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III thuộc phạm vi quản lý;

- Quy định về việc thu hồi tài sản là nhà, đất, trong đó có Nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng (trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật); Việc thu hồi được thực hiện sau khi trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mới được bàn giao, đưa vào sử dụng… Bên cạnh đó, còn có quy định về Thẩm quyền thu hồi nhà, đất trong các trường hợp;

- Quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản điều chuyển thuộc đối tượng quy định. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất và thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà, đất theo quy định, không phải kê khai, báo cáo để phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản điều chuyển là nhà, đất;

- Quy định về việc phê duyệt phương án và ban hành Quyết định khi Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh thẩm quyền từ Bộ trưởng Bộ Tài chính sang Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương ban hành Quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;

- Quy định về việc chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý: Nhà, đất đã sử dụng làm nhà ở trước ngày 19/01/2007 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước) đáp ứng một số điều kiện: có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên, có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng; Nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc các trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Quy định về trường hợp nhà, đất đã có quyết định cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp giữ lại tiếp tục sử dụng; trong quá trình sử dụng nếu có các thay đổi dưới đây thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin theo dõi tài sản trên hồ sơ, sổ kế toán theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện thủ tục thay đổi phương án sắp xếp như: Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ tại cơ sở nhà, đất đã được giữ lại tiếp tục sử dụng; Thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất mà việc quản lý, sử dụng nhà, đất không có thay đổi so với phương án đã được phê duyệt; Thay đổi diện tích nhà, đất do đo đạc lại….

- Sửa đổi về quy định quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Quy định về xử lý chuyển tiếp, trong đó có hướng dẫn về trường hợp nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý có ý kiến bằng văn bản về phương án xử lý nhà, đất) theo quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, quy định về cơ chế di dời do ô nhiễm môi trường, di dời theo quy hoạch trước ngày 01/01/2018 nhưng chưa hoàn thành việc thực hiện;

- Ngoài ra, Nghị định 67 còn sửa đổi, thay thế Biểu mẫu số 02 về Biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất của các đơn vị đã quy định tại Nghị định 167 trước đây.

Tóm lại, việc Chính phủ ban hành Nghị định 67 được các cơ quan chuyên môn đánh giá là phù hợp với thực tế, giúp tháo gỡ một số điểm nghẽn làm chậm tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trước đây, đặc biệt, trao quyền cho các bộ, ngành, địa phương cũng là nâng cao trách nhiệm của các cấp này trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể; góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định 167 có hiệu lực.

Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, việc sắp xếp cơ sở nhà đất của các đơn vị cần tiếp tục được các đồng chí Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nghiêm túc quan tâm, nghiên cứu kỹ để tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ sắp xếp được duyệt, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công là nhà, đất theo các quy định của pháp luật. Hơn thế nữa, đây còn là một chỉ tiêu quan trọng trong công tác tự đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan có thẩm quyền đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT./.

                                                       TS. Trần Quang Huy, Phòng TC

 

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21360459
    • Online: 89