30/06/2011

KỶ NIỆM “NGÀY CỦA THUYỀN VIÊN” 25/6 Tôn vinh người đi biểnThuyền trưởng, ThS. NGUYỄN QUẾ DƯƠNG Trưởng ban Quản lý tàu Vinalines Hội nghị Manila 2010 của các bên Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và trực ca cho thuyền viên, 1978 đã nhất trí thông qua Nghị quyết 18 lấy năm 2010 là Năm của thuyền viên (Year of the Seafarer) và Nghị quyết 19 về Ngày của thuyền viên (lấy ngày 25 tháng 6 hàng năm làm "Ngày của thuyền viên") nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của thuyền viên trong sự phát triển của thế giới. Nhân "Ngày của thuyền viên" năm 2011, xin gửi đến độc giả Tạp chí Hàng hải Việt Nam tình cảm và sự sẻ chia với những người đi biển. Có lẽ không khó để hình dung thế giới hôm nay sẽ như thế nào nếu không có vận tải đường biển và các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản từ biển - Và những hoạt động đó do ai thực hiện nếu không phải là những người đi biển khắp nơi trên thế giới từ thế hệ này nối tiếp qua thế hệ kia. Chắc chắn sẽ là một thế giới với dung mạo hoàn toàn khác, kém huy hoàng và phát triển hơn nhiều so với thực tại. Vận tải biển và khai thác tài nguyên khoáng sản từ biển mãi là lĩnh vực vô cùng quan trọng của hoạt động kinh tế toàn cầu. Vậy mà, những con người đảm nhận phần khối lượng công việc khổng lồ đầy ý nghĩa ấy từ bao lâu nay chưa được nhìn nhận xứng đáng. Những con người, để theo đuổi nghề đi biển của mình, luôn phải chấp nhận rủi ro nghề nghiệp, đe dọa an toàn tính mạng của bản thân và cuộc sống của gia đình, nhưng dưới góc nhìn của một bộ phận xã hội thì hình ảnh về họ thường gắn liền với những vấn đề pháp luật, đạo đức như buôn lậu, sống buông thả, phóng túng… Thực tế đó là một sự nhìn nhận sai lầm, phiến diện và thiếu công tâm. Cần phải thấy rằng, với môi trường làm việc của mình, những người đi biển là những người sống và làm việc có kỷ luật rất cao và chặt chẽ. Nhân sự của các tàu thường được bố trí với mức thấp nhất có thể. Vì thế, mỗi thành viên trong cơ cấu tổ chức đó đều đảm nhận nhiệm vụ rất cụ thể và đều giữ vai trò quan trọng với toàn bộ tổ chức. Trong điều kiện sống và làm việc như vậy, những người đi biển phải có tinh thần đoàn kết và tương trợ một cách tự giác vì an toàn của mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào an toàn chung của cả con tàu. Trong thế giới như vậy, những người đi biển thực sự là những người sống rất tình cảm và có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, vì thường xuyên phải xa nhà, họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và không ít những bi kịch đáng buồn của cuộc sống. Lịch sử phát triển của ngành Hàng hải cũng là lịch sử phát triển không ngừng của người đi biển về năng lực, trình độ và nhận thức. Cùng với đó, việc giáo dục, đào tạo, huấn luyện và tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên ngày một đòi hỏi cao hơn. Xa xưa, các bậc tiền bối của ngành Hàng hải đi biển chỉ với kinh nghiệm đúc kết được từ thực tế thông qua quan sát chuyển động của mặt trời và các vì sao. Đến thế kỷ XVI bắt đầu phổ biến sử dụng la bàn từ để xác định hướng đi trên biển. Giai đoạn sau tiếp nối sự phát triển từng bước của toán học và thiên văn, loài người đã chế tạo các dụng cụ đo độ cao và phương vị thiên thể đơn giản với độ chính xác cần thiết, là sự ra đời các cuốn lịch thiên văn đầu tiên và các bảng tính độ cao và phương vị các ngôi sao có thể sử dụng trong hàng hải với sự giúp đỡ của các nhà thiên văn và sự ứng dụng phép chiếu Mercator và các phép chiếu khác để xây dựng các hải đồ đi biển cho phép ứng dụng thiên văn có bài bản hơn vào việc xác định vị trí tàu trên biển với độ chính xác cao hơn. Để trở thành những người điều khiển tàu tinh thông nghề nghiệp, người đi biển không thể chỉ trông đợi vào học hỏi kinh nghiệm từ những người có thâm niên và kinh nghiệm nghề nghiệp cao hơn qua quá trình làm việc trên tàu cùng với họ mà buộc phải có nền tảng kiến thức cao hơn làm cơ sở để được đào tạo tại các cơ sở đào tạo chính quy. Không chỉ có sự phát triển về phương tiện chỉ báo hướng đi, xác định vị trí tàu, mà việc sử dụng năng lượng dùng để chạy tàu biển cũng liên tục thay đổi cùng với những phát kiến của loài người. Từ chỗ sử dụng sức gió thông qua hệ thống buồm, cuối thế kỷ XVIII bắt đầu phổ biến sử dụng động cơ hơi nước và thế kỷ XX là động cơ diesel, turbine và bước đầu ứng dụng năng lượng nguyên tử. Sự phát triển và ứng dụng hệ động lực mới đòi hỏi trình độ chuyên môn của người quản lý, khai thác và vận hành hệ thống nâng lên cao hơn nhiều so với trước. Mặt khác, cùng với hệ động lực luôn được cải tiến, các thiết bị điều khiển, kiểm tra, kiểm soát cũng ngày một hiện đại hơn theo thời gian và vì thế cũng yêu cầu người vận hành phải có trình độ kiến thức rộng hơn và chuyên sâu hơn về điện, điện tử,... Với sự phát triển vũ bão của khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong vài thập niên trở lại đây, những thay đổi trong ngành Hàng hải cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt. Người đi biển chỉ vài năm "xa biển" trở lại với Ngành như đã đến với một thế giới mới với rất nhiều bỡ ngỡ. Vì thế, để theo kịp những tiến bộ kỹ thuật, họ khải không ngừng được cập nhật những kiến thức mới, những đổi mới về trang thiết bị, công nghệ. Trong hoàn cảnh ngày càng khó khăn hơn trong việc đảm bảo bố trí định biên an toàn tối thiểu và có chất lượng theo yêu cầu cho các tàu, có một số nhà quản lý, chủ tàu có suy nghĩ rằng để điều khiển tàu không nhất thiết phải đào tạo trình độ đại học cho những sỹ quan vận hành, quản lý tàu mà có thể sử dụng cả trình độ trung cấp, cao đẳng để gia tăng số lượng thuyền viên đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu. Cần phải nghiêm túc nhìn nhận quan điểm này. Không cần phải trình bày nhiều, với những gì nêu trên cũng có thể thấy, ngày nay, sỹ quan vận hành, quản lý trên các tàu đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm rất cao mới có thể làm chủ được những trang thiết bị, máy móc trên tàu. Hơn thế, họ còn luôn phải được tổ chức đào tạo, đào tạo lại để cập nhật kịp thời những kiến thức mới. Không phải như quan niệm trước đây, sỹ quan, thuyền viên trên tàu biển ngày nay là những người thực sự phải có trình độ học vấn cao, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng. Hội nghị Manila 2010 quan tâm đến thống nhất nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và trực ca cho thuyền viên nhưng đồng thời cũng quan tâm đến điều kiện sống, sinh hoạt và tinh thần của thuyền viên. Hội nghị đề cập đến vấn đề làm sao để thuyền viên tiếp cận được những nguồn thông tin, tin tức để họ không bị tách ra khỏi đời sống xã hội trên bờ, quan tâm đến chế độ, quyền lợi của họ. Hội nghị cũng xem xét đến việc khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nghề hàng hải. Đất nước ta sở hữu một dải bờ biển dài 3.260km và trên một triệu kilômét vuông mặt biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Bảo vệ chủ quyền biển đảo, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản biển phục vụ công đồng, phát triển đất nước, không ai khác là những người vẫn ngày đêm bám biển. Nhân Ngày của thuyền viên năm 2011, chúng ta hãy ghi nhận, tôn vinh và dành nhiều hơn nữa những tình cảm chân thành và sự quan tâm đến thuyền viên, gia đình và người thân của họ để mọi người yên tâm gắn bó lâu dài với nghề đi biển. Đội tàu biển Việt Nam ngày một phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhưng chúng ta cần có giải pháp giải quyết một nghịch lý vẫn đang tồn tại là dẫu đội tàu ngày càng đông nhưng số tàu Việt Nam hiện diện trên vùng biển Việt Nam không tăng tương ứng vì tàu Việt Nam rất ít được vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của chính quốc gia mình mà phải đi chở thuê khắp nơi trên thế giới. Giải được nghịch lý này cũng là một phần trong thể hiện ưu thế của chúng ta trên vùng biển của Tổ quốc.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21285854
    • Online: 184