15/09/2020

Sáng nay (14/9), Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật Quốc hội do bà Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam về khảo sát thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Pháp luật Quốc hội tại Cục Hàng hải Việt Nam 

Tham dự buổi làm việc, về phía Ủy ban Pháp luật Quốc hội, có các đồng chí: Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội - Trưởng đoàn; Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực; Nguyễn Duy Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội. Về phía Bộ GTVT, có các đồng chí: Trần Văn Trường - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT; Nguyễn Cao Hiến - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Nguyễn Hồng Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Về phía Cục Hàng hải Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Xuân Sang - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; các đồng chí Phó Cục trưởng: Nguyễn Hoàng, Hoàng Hồng Giang; Thủ trưởng các cơ quan và một số đơn vị trực thuộc Cục.

Báo cáo về công tác thanh tra chuyên ngành, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải. Cụ thể, lĩnh vực vận tải biển: tính đến thời điểm này, đội tàu biển Việt Nam có trên 1.500 tàu với tổng dung tích khoảng 5,06 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,9 triệu DWT. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Về cảng biển, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 06 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động. Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 284 bến cảng với tổng chiều dài khoảng 85,5km; tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, hàng hóa qua cảng biển Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt khoảng 485,3 triệu tấn, trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 13,9 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019…

Về thực trạng tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại Cục Hàng hải Việt Nam, căn cứ Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải, Thông tư số 34/2013/TT-BGTVT ngày 15/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam và Thông tư số 64/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 quy định bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam có 02 cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là Thanh tra Cục Hàng hải và các Cảng vụ Hàng hải trực thuộc. Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã bố trí 28 biên chế thanh tra trong tổng số gần 160 biên chế hành chính được giao.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang trình bày báo cáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội 

Liên quan đến kết quả hoạt động thanh tra chuyên ngành, tính từ thời điểm Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực thi hành đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam và các Cảng vụ Hàng hải đã thực hiện trên 57.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật với trên 2.500 vụ việc vi phạm hành chính. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các thiết sót, tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được phát hiện kịp thời. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổng hợp, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách liên quan. Đặc biệt, từ kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen, vào thẳng Danh sách trắng của Tokyo MOU từ năm 2014 và duy trì cho đến nay.

Đối với hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của công tác tranh tra, kiểm tra và đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào sự nghiệp quản lý chuyên ngành hàng hải. Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập vẫn tồn tại như: Các Cảng vụ hàng hải là cơ quan hành chính nhưng chưa được giao biên chế hành chính; Khó khăn trong việc cân đối, bố trí kinh phí để đảm bảo hoạt động cho lực lượng thanh tra chuyên ngành; Chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và duy trì lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải; Định mức xe và các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành chưa được trang bị đầy đủ…

Theo đó, Cục hàng hải Việt Nam đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét một số nội dung sau. Một là, sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng một số cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đặc thù được thành lập bộ phận độc lập để thực hiện quyền thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý. Hai là, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 Nghị định số 57/2013 NĐ-CP ngày 31/5/2013 cho phù hợp chức năng nhiệm vụ của Cảng vụ hàng hải. Ba là, giao biên chế hành chính cho các Cảng vụ hàng hải để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải. Bốn là, quan tâm, tạo điều kiện nhằm đảm bảo hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành; đồng thời thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn, phẩm chất chính trị vào lực lượng thanh tra.

Các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan theo đề xuất, kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đồng chí lãnh đạo Cục và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã thực hiện giải trình một số nội dung theo yêu cầu của các thành viên Đoàn khảo sát. Theo ông Trần Văn Trường - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước có hoạt động thanh tra truyền thống từ năm 1991-1992 cho đến nay. Hoạt động của Thanh tra Hàng hải căn cứ theo Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh Luật thanh tra, hoạt động được điều chỉnh bởi hệ thống điều ước quốc tế. Do đó, buổi làm việc ngày hôm nay là một cơ hội quý báu để Cục Hàng hải Việt Nam được trao đổi, ý kiến, góp phần hoàn thiện hơn công tác tổ chức thanh tra chuyên ngành hàng hải.

“Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng; đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu của Đoàn khảo sát. Bên cạnh đó, nội dung báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập hiện nay tại các văn bản dưới luật cũng như thực tiễn thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành. Qua trao đổi, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành, tiếp tục hoàn thiện báo cáo và gửi Đoàn khảo sát” - Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng đoàn đánh giá.

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Thị Dung cũng đề nghị, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) tiếp thu các nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính để có những kiến nghị phù hợp đến cơ quan có thẩm quyền; Thanh tra Bộ GTVT tiếp thu một số nội dung còn bất cập, chuẩn bị cho việc sửa Luật Thanh tra trong thời gian tới./.

Ngọc Hân 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24127158
    • Online: 43