Cần xây dựng hệ thống giao thông với các cảng biển, đặc biệt là đường sắt để phát huy hết tiềm lực của loại hình vận tải này.
Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đã trình Chính phủ xem xét dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. "Nếu Quốc hội thông qua chủ trương Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ cao, chúng ta sẽ hình thành một hệ thống đường sắt mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, Bộ GTVT kêu gọi các địa phương đầu tư kết nối tuyến đường sắt hiện nay sẽ được kết nối với các cảng biển và ưu tiên vận chuyển hàng hóa", Bộ trưởng GTVT nói. Bộ trưởng cũng Bộ GTVT cho hay, miền Trung có hệ thống cảng biển như: Cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá), cụm cảng Đà Nẵng, cảngQuy Nhơn, Dung Quất. Hệ thống cảng biển này hiện đang đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá nhưng cần phát huy để khai thác hiệu quả hơn. Về đường thuỷ nội địa, theo Bộ GTVT, đã có chủ trương phát triển với những con tàu có trọng tải tới 23.000 tấn chạy dọc theo bờ biển, hiện tại đội tàu mà Bộ GTVT quản lý là 3.000 tàu và đang phấn đấu để số lượng tàu tăng lên. Khi đó, hàng hoá sẽ được vận chuyển bằng đường biển giảm tải cho đường bộ và đường sắt. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vai trò của cảng biển rất quan trọng, nhưng không có kết nối hạ tầng kỹ thuật phía sau. Không chỉ miền Trung mà các cảng biển ở khu vực khác như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hay Lạch Huyện hiện nay không có đường sắt kết nối. "Chúng ta cũng vừa làm cảng Lạch Huyện, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản, với sự tư vấn của Nhật Bản nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối, đây là những vấn đề đang được đặt ra", ông Kiên nói. Trong tham luận tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cũng kiến nghị rằng, cần xây dựng hệ thống giao thông gắn với các cảng biển, sân bay quốc tế để hình thành hệ thống logistics của vùng. Theo ông Lịch, miền Trung hiện có 4 khu kinh tế ven biển, bao gồm: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định), 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp (nằm ngoài các khu kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, triển khai thực hiện và đang kêu gọi đầu tư. Như vậy, nhu cầu vận tải hàng hoá của các khu kinh tế, khu công nghiệp này là rất lớn đòi hỏi cấp bách phải có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển để tránh tình trạng xây dựng cảng biển nhưng thiếu hạ tầng kết nối./. Nguồn : BizLive