09/05/2011

IMO hành động đối phó nạn cướp biển Thuyền trưởng NGUYỄN VIỆT ANH Thực trạng cướp biển Somalia đáng báo động Thống kê ở thời điểm 14/02/2011, có 685 thuyền viên nhiều quốc tịch đã bị bắt giữ đòi tiền chuộc trên 30 con tàu treo nhiều cờ khác nhau tại nhiều địa điểm ngoài khơi bờ biển Somalia. Thực trạng đó phản ánh tình hình tiến triển ngày càng xấu đi trong 12 tháng qua. Các con tàu đã bị cướp biển xâm nhập, bắt giữ và tính mạng thuyền viên bị đe dọa trong khoảng thời gian dài ở một khu vực rộng lớn, kéo dài từ các vùng nước gần kề bờ biển Somalia tới tận vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Các cuộc tấn công của cướp biển trở nên tàn bạo hơn và thủ đoạn của bọn chúng bao gồm cả việc sử dụng tàu nạn nhân làm căn cứ (“tàu mẹ”) để thực hiện những vụ tấn công khác, và thuyền viên bị bắt giữ tại tàu trở thành những “tấm lá chắn”. Hơn nữa, các cuộc tấn công mới đây trên tàu buồm cách xa bờ biển Somalia ở phía Bắc và Đông Sừng Châu Phi tới nay vẫn được xem như tương đối an toàn, đã tạo ra một vấn đề thực sự phức tạp thậm chí khó khăn hơn nữa. Diễn biến tình hình làm cho can thiệp quân sự khó khăn hơn và tàu phải tiến hành biện pháp cần thiết nhằm phòng tránh ngay từ thời khắc ban đầu. Thông tri số 3164, ngày 14/02/2011 Việc không thực hiện đầy đủ hướng dẫn của IMO, ngay cả khi đã có kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất, đã làm gia tăng đáng kể rủi ro từ các cuộc tấn công thành công của cướp biển. Thực trạng trên được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) nêu ra trong một thông điệp gửi các quốc gia thành viên, sau khi phát động kế hoạch hành động chống cướp biển vào ngày 03/02/2011, với chủ đề của Ngày Hàng hải quốc tế 2011 “Cướp biển: Cùng hợp sức đáp trả”. Trong Thông tri số 3164, ngày 14/02/2011, IMO thông báo tới các quốc gia thành viên, Liên hiệp quốc, các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ về tình trạng một số lượng lớn tàu hành trình qua vịnh Aden và Tây Ấn Độ Dương đã không đăng ký với Trung tâm An ninh hàng hải vùng Sừng Châu Phi[1], không báo cáo với Cơ quan hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO[2]) ở Dubai, cũng như không hề có biện pháp phòng ngừa và hành động theo cảnh báo hàng hải về các vụ tấn công của cướp biển và tàu bè khả nghi. Khi lưu ý đến rủi ro cao của các vụ tấn công thành công của cướp biển, IMO thúc giục mạnh mẽ “tất cả các bên liên quan, đặc biệt các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan đại diện ngành Hàng hải, Hiệp hội Thuyền viên, chủ tàu và công ty cần hành động để đảm bảo rằng thuyền trưởng luôn nhận được đầy đủ thông tin cập nhật và cả những biện pháp phòng ngừa, lẩn tránh và phòng vệ hiệu quả”. “Đáng tiếc, chứng cứ cho thấy rằng, trong quá nhiều trường hợp, những hướng dẫn hoặc đã không đến được các công ty vận tải biển hay tàu, hoặc đã không được tuân theo”, Thông tri nêu rõ. Thông tri cũng động viên các Chính phủ thành viên (cùng với nỗ lực ở các diễn đàn và tổ chức khác) tích cực tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải, hàng không và tăng cường nguồn lực trợ giúp bằng mọi cách có thể. Thông tri cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin LRIT[3] cho các đơn vị an ninh hoạt động ở vịnh Aden và Tây Ấn Độ Dương. Trung tâm chia sẻ thông tin được thiết lập nhằm hỗ trợ các lực lượng an ninh hoạt động ở vịnh Aden và Tây Ấn Độ Dương nắm bắt chính xác số lượng tàu thuyền đang hoạt động, neo đậu để đưa ra cảnh báo kịp thời hơn nếu có cướp biển và cướp có vũ trang thông qua việc triển khai lực lượng hải quân và quân sự sẵn có hạn chế. Kế hoạch hành động chống cướp biển Thông qua kế hoạch hành động chống cướp biển, IMO muốn duy trì và củng cố mối quan tâm cho mọi nỗ lực chống cướp biển và tạo thuận lợi cho những nỗ lực này được mở rộng hơn và mang tính toàn cầu. Kế hoạch có 6 mục tiêu cơ bản cho năm 2011 và các năm sau đó: - Tăng cường áp lực thông qua con đường chính trị để bảo đảm thả tất cả các con tin bị cướp biển bắt giữ; - Xem xét và phát triển hướng dẫn của IMO đối với cơ quan quản lý Nhà nước và đối với thuyền viên, tăng cường tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng ngừa, lẩn tránh và phòng vệ cướp biển được khuyến nghị; - Tăng cường sự trợ giúp và hợp tác với các lực lượng hải quân; - Củng cố quy trình phối hợp và hợp tác chống cướp biển giữa các quốc gia, các khu vực, các tổ chức và ngành Hàng hải; - Giúp đỡ các quốc gia xây dựng năng lực trong khu vực ảnh hưởng bởi cướp biển và bất cứ nơi nào khác để làm nản lòng, ngăn chặn và đưa ra xét xử bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu; và - Quan tâm chăm sóc, trong thời kỳ hậu sự cố, đối với những người bị cướp biển tấn công, bắt làm con tin và với người thân của họ. IMO và “bàn tròn” duy trì sức ép chống cướp biển Ngày 17/02/2011, một hội nghị đã diễn ra tại trụ sở IMO, London, giữa Tổng thư ký IMO và đại diện ngành Hàng hải và thuyền viên. Tất cả đều nhắc tới đòi hỏi hành động khẩn cấp và sự phối hợp của các Chính phủ, ngành Vận tải biển và cộng đồng hàng hải đối phó với khủng hoảng bắt cóc đòi tiền chuộc thuyền viên đang leo thang ở khu vực duyên hải Somalia, vịnh Aden và Tây Đại Tây Dương. Đại diện của BIMCO, ICS, INTERCARGO, INTERTANKO, OCIMF và ITF đều nhất trí cho rằng tình hình vùng duyên hải Somalia đã cực kỳ căng thẳng với mức độ khốc liệt leo thang, sinh mạng thuyền viên bị đe dọa, phá hoại nghiêm trọng thương mại toàn cầu và kinh tế thế giới. Hội nghị nhất trí yêu cầu chấp hành hướng dẫn của IMO, tăng cường hợp tác, liên lạc, triển khai lực lượng hải quân ở khu vực, đồng thời tìm các biện pháp nhằm phòng tránh việc tàu trở thành nạn nhân hoạt động tội phạm trên biển. Ghi nhận việc một số chủ tàu sử dụng các nhân viên có vũ trang để đối phó với đe dọa tấn công của cướp biển gia tăng, Hội nghị giữ nguyên quan điểm đã được IMO khuyến nghị (nghĩa là, điều này cần được quyết định bởi các công ty liên quan, có tham khảo ý kiến của quốc gia có tàu treo cờ) và, cho dù thừa nhận rằng một số công ty vận tải biển buộc phải sử dụng nhân viên vũ trang, nhưng vẫn nhấn mạnh phải bảo đảm rằng các biện pháp phòng ngừa, lẩn trốn và tự vệ, bao gồm cả báo cáo, được thực thi hiệu quả. Hội nghị hoan ngênh sáng kiến của IMO đối với phát triển năng lực khu vực thông qua Bộ nguyên tắc ứng xử Djibouti[4] và thừa nhận cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của lực lượng hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển. Đóng góp của các lực lượng hải quân hoạt động tại khu vực nhằm bảo vệ các tàu hàng viện trợ nhân đạo cho Somalia, do Chương trình lương thực thế giới (WFP) điều hành, và vận tải biển thương mại, đồng thời cũng duy trì các tuyến hành hải sống còn của vịnh Aden và các tuyến nối vịnh Péc-xích với Mũi Hảo Vọng, được đánh giá cao. Tổng thư ký IMO đã báo cáo về những cố gắng nhằm khích lệ các hoạt động quân sự và hải quân trong khu vực và lên tiếng kêu gọi các Chính phủ và quốc gia, bao gồm cả các nước ven biển, nhận thức mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm tàng của vấn đề để triển khai thêm nguồn lực quân sự một cách thích đáng. [1] Maritime Security Centre Horn of Africa 2 United Kingdom Maritime Trade Operations 3 Long range identification and tracking of ships (LRIT): Hệ thống nhận biết và lần tìm dấu vết tầm xa 4 Djibouti Code of Conduct
[1] Maritime Security Centre Horn of Africa [2] United Kingdom Maritime Trade Operations [3] Long range identification and tracking of ships (LRIT): Hệ thống Nhận biết và Lần tìm Tàu Tầm Xa [4] Djibouti Code of Conduct

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25184197
    • Online: 41