TRỊNH THỊ THƯƠNG THƯƠNG Trong hai ngày 18 và 19/3/2013, tại Yangon (Myanmar) đã diễn ra Hội thảo khu vực về nâng cao nhận thức giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển quốc tế. Tham dự Hội thảo có đại diện các quốc gia trong khu vực: Brunei, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và nước chủ nhà Myanmar. Mục tiêu chính của Hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức về giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển quốc tế và giới thiệu chi tiết về Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra MARPOL 73/78. Hiện tượng hiệu ứng nhà kính trong những năm gần đây được nhắc đến nhiều, như là một trong những nguyên nhân chính gây nên vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Có 6 loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính, trong đó CO2 là thành phần có khả năng gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nóng lên của trái đất mạnh mẽ nhất. Trước tình hình ngày một nóng lên của trái đất, Liên hiệp quốc đã đưa ra Công ước khung Liên hiệp ước về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đưa ra những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại hiện tượng BĐKH. Vận tải biển là một trong những hoạt động phát sinh lượng lớn khí CO2 vào không khí, chủ yếu qua hoạt động sử dụng năng lượng trên tàu. Do vậy, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển đã tổ chức nhiều phiên họp nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Kết quả đã chỉ ra rằng, nếu không có các quy định cụ thể, sự gia tăng về hoạt động vận tải biển sẽ dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính từ tàu. Vậy làm thế nào để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển quốc tế? IMO đã đưa ra các khuyến cáo: 1) Các phương pháp dựa trên thị trường (MBMs) là các công cụ chính sách có hiệu quả về mặt chi phí, với mức độ hiệu quả môi trường cao; 2) đưa ra chỉ số thiết kế năng lượng hiệu quả (Energy Efficiency Design Index – EEDI) bắt buộc đối với các tàu mới như giải pháp hiệu quả về chi phí. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ bắt buộc thực hiện với các tàu đóng mới hoặc có hoán cải lớn đến mức được xem như đóng mới; và 3) Thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ liên quan đến việc cải tiến hiệu quả năng lượng của tàu. Hội thảo đã giới thiệu phương pháp tính toán EEDI cho tàu. Theo đó, để xác định được chỉ số EEDI đạt được, cần có các thông số cơ bản như: các chỉ số thiết kế cơ bản của động cơ chính, động cơ phụ, tiêu thụ nhiên liệu... và một loạt các chỉ số khác như: hàm lượng các-bon trong nhiên liệu, tốc độ của động cơ, chỉ số về thời tiết (sóng, gió...)... Hội thảo cũng đưa ra hướng dẫn về điều tra và xác nhận EEDI đạt được, cũng như giới thiệu một số phương án nhằm giảm EEDI của tàu, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Bên cạnh hướng dẫn tính toán EEDI, Hội thảo cũng đã đưa ra hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả của tàu (Ship Energy Efficiency Management Plan – SEEMP). Nội dung chính của bản kế hoạch bao gồm 4 bước: lập kế hoạch, thực thi kế hoạch, quan trắc-kiểm tra và tự đánh giá, trong đó khâu lập kế hoạch là khâu quan trọng nhất của nội dung bản kế hoạch, bởi vì tại khâu này đưa ra tình trạng sử dụng năng lượng hiện tại của tàu cũng như những dự kiến cải thiện trong tương lai. Hiện nay, chỉ số vận hành năng lượng hiệu quả của tàu EEOI là chỉ số tình nguyện, chưa bắt buộc phải có đối với các tàu. Tuy nhiên, IMO khuyến khích các tàu xác định chỉ số này. Để xác định được chỉ số này, cần phải có các thông số: loại nhiên liệu sử dụng, khoảng cách của hành trình, lượng nhiên liệu tiêu thụ cho hành trình đó, dung tích của tàu,... Bên cạnh đó, Hội thảo đã giới thiệu tổng thể việc thi hành Phụ lục VI MARPOL 73/78 (bao gồm cả Chương 4). Theo đó, đã đưa ra trách nhiệm của các đơn vị: của chính quyền hàng hải trong việc đảm bảo các tàu treo cờ phù hợp với các quy định, cấp giấy xác nhận ngăn ngừa ô nhiễm không khí và trong việc thực hiện kiểm tra nhà nước cảng biển đối với các tàu đến cảng; trách nhiệm của chủ tàu trong việc thực hiện các quy định trên tàu và trách nhiệm của các cảng biển đối với các vấn đề như thiết bị tiếp nhận chất thải...