02/10/2017

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải và Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29/9/2017, Đoàn công tác Cục Hàng hải Việt Nam do Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang chủ trì, phối hợp với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đông Nam bộ - Tây Nam bộ nhằm nghiên cứu, đề xuất các phương án kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, phương án phân luồng điều tiết hàng hoá cho bến cảng Cát Lái, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển bến cảng Cái Mép - Thị Vải bảo đảm hợp lý, hiệu quả nhằm điều tiết hàng hóa, nâng cao năng lực kết nối giao thông vận tải giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh khu vực phía Nam; Tham dự Hội nghị có đại diện đến từ Bộ Công Thương, Cục Cửa Khẩu, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các Cảng vụ, các Hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa. Đoàn chủ tịch chỉ đạo hội nghị kết nối các phương thức vận tải Với hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều cảng biển lớn là một trong những yếu tố giúp vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ có nhiều cơ hội giao thương. Tuy nhiên lợi thế này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức khiến giao thông thuỷ chưa phát huy được thế mạnh vốn có. Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết: Hiện nay các cảng biển tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do có lợi thế về vị trí địa lý, mạng lưới sông ngòi dày đặc với độ sâu luồng thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu. Khu vực này cũng tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và logistics.   Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đối thoại cùng đại biểu tham dự hội nghị   Tuy nhiên lợi thế này vẫn chưa được khai thác hết do sự phát triển mạnh của vận tải container trong khi đa số chiều cao tĩnh không thông thuyền của các cầu trên các tuyến đường thuỷ nội địa thấp, cần được đầu tư, nâng cấp. Sau khi hoàn thành sẽ giúp hàng hoá lưu thông bằng đường thuỷ từ cảng Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Cát Lái (quận 2) lên thẳng Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và ngược lại. Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải dịch vụ hàng hải – Cục Hàng hải Việt Nam, Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải, tập trung các cảng chính như cảng Sài Gòn, Cái Mép – Thị Vải, nhóm cảng biển số 5 tại Cát Lái. Tuy nhiên hiện nay, một số bãi biển bị sa bồi, các tuyến vận tải sông pha biển chưa được quan tâm phát triển, kết cấu hạ tầng và logistics của vùng kém phát triển, thiếu các trục giao thông chính kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Thu hút đầu tư hạ tầng chưa tạo được bước đột phá, nhất là giao thông đường thuỷ, đường biển nên mức tăng trưởng của loại hình giao thông này có xu hướng giảm và thấp hơn so với vận tải đường bộ nên ảnh hưởng đến khả năng khai thác vận tải đường biển. Đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) cho biết: Khu vực phía Nam có tới 3.200 km đường thuỷ, cho phép tàu có trọng tải từ 500 - 5.000 tấn hoạt động và có hai tuyến trục ngang nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong khu vực. Trong vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực I gồm các khu cảng chính như khu cảng trên sông Sài Gòn, khu cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu cảng trên sông Nhà Bè, khu cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp Các mặt hàng chính vận chuyển từ cảng biển Cần Thơ về cảng biển thành phố Hồ Chí Minh như lương thực, thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng, hàng hoá chế tạo, tiêu dùng, hàng container và hàng hoá khác. Mặt khác có tới 70 - 80% hàng nông sản vùng Tây Nam Bộ xuất khẩu đều trung chuyển qua khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ có tới 2.500 bến cảng đường thuỷ nội địa nhưng chỉ có 5 bến cảng có khả năng bốc xếp container do thiếu bến cảng chuyên dụng, yếu về cơ sở hạ tầng, hiện có tới 70% lượng hàng hoá của vùng Tây Nam Bộ phải vận chuyển về các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ, khiến chi phí vận tải phát sinh thêm từ 10 - 60%. Kết nối tuyến luồng đường thuỷ nội địa từ cảng biển Cần Thơ đến cảng biển thành phố Hồ Chí Minh thông qua 4 luồng tuyến chính gồm kênh Măng Thít, kênh Trà Vinh, kênh Lấp Vò và kênh Quan Chánh Bố hoặc cửa Định An. Tuy nhiên khẩu độ tĩnh không thông thuyền của các cầu trên các tuyến luồng đường thuỷ nói trên đều thấp, khó khăn cho tàu, thuyền trọng tải lớn chuyên chở hàng hoá xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tắc nghẽn giao thông đường thuỷ diễn ra ngày càng nhiều như trên kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) khi mỗi ngày có tới 1.300 lượt tàu thuyền qua lại. Những hạn chế này khiến nhu cầu vận chuyển hàng hoá toàn vùng Tây Nam Bộ phải vận chuyển sang bằng đường bộ về cụm cảng Đông Nam Bộ, làm tăng chi phí vận chuyển. Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai giải pháp tạm ngưng sản lượng hàng hoá về cảng Cát Lái, không cho tăng tải trọng tàu đồng thời làm việc với các chủ hàng phân bổ hàng hoá về các cảng cạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và về cảng Cái Mép Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để không tăng giá thành, nâng cao khả năng kết nối giao thông thuỷ, giảm áp lực cho cảng Cát Lái. Theo Đại tá Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Để giảm ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái và phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Cát Lái khuyến khích khách hàng giao nhận hàng trực tiếp container tại cảng Hiệp Phước, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Tổng Công ty Tân Cảng cũng sẽ triển khai giải pháp chuyển hàng xuất nhập khẩu về khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) và về phía Nam thành phố Hồ Chí Minh để đi về trực tiếp tại cảng Cái Mép – Thị Vải; xây dựng các depot dọc Quốc lộ 51 để phục vụ hành khách lấy và trả container rỗng. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Sở đang lập điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới đường thuỷ nội địa và bến thuỷ nội địa đến năm 2030 nhằm hình thành mạng lưới vận tải thuỷ liên kết giữa các khu vực của thành phố với các tỉnh lân cận. Đồng thời phục vụ trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong nội thành đến các khu cảng biển nhóm 5, qua đó giảm áp lực cho giao thông đường bộ, phát triển vận tải công cộng, phát triển du lịch đường thuỷ. Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh trình bày về các phương án nâng cao năng lực kết nối giao thông vận tải Kết thúc hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang và Giám đốc Sở GTVT - Bùi Xuân Cường đã tổng kết lại những khó khăn, bất cập trong công tác kết nối các phương thức vận tải, giá thành vận chuyển. Đồng thời, đề nghị giảm phí, lệ phí tác động đến quá trình vận chuyển, đưa ra các giải pháp mang tính khả thi nhằm giải quyết các tồn tại bất cập nhưng không làm gia tăng giá thành vận tải và ko gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, hình thành các tuyến vận tải mẫu và nhân rộng trên toàn tuyến để kết nối vùng, cần có đầu tư để kết nối nhanh kênh Chợ Gạo đi tiếp tới sông Thị Vải thuộc cảng Cái Mép – Thị Vải để phát huy lợi thế vận tải biển, đường thuỷ nội địa; kết nối sông Đồng Nai tới sông Thị Vải mà không cần đi vòng theo luồng Nhà Bè – Lòng Tàu – Quan Đồng Tranh. Mặt khác, cần phát triển mạnh hệ thống cảng sông ICD để tiếp cận nguồn hàng vận chuyển./. Toàn cảnh Hội nghị Nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :22709351
    • Online: 366