Ngày 3/8/2012, tại Batam, Indonesia, Tổng Thư ký IMO, ông Koji Sekimizu đã chính thức bàn giao Hệ thống công nghệ thông tin xa lộ điện tử hàng hải (MEH) của eo biển Malacca và Singapore do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) quản lý cho ông Leo Muhamad, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giao thông vận tải biển (DGST) Indonesia, đánh dấu giai đoạn thực hiện cuối cùng của dự án thử nghiệm và khả năng hướng tới một dự án MEH quy mô đủ tầm ở eo biển thuộc sở hữu của các quốc gia ven biển. Cùng tham dự lễ bàn giao còn có đại diện đến từ các Bộ và các cơ quan của Indonesia, Chính quyền địa phương của Batam, Cục Hàng hải Malaysia, Chính quyền Hàng hải Singapore, Bộ Giao thông vận tải, Đất đai và Hàng hải của Hàn Quốc, Tổ chức Thủy đạc quốc tế, Trung tâm Hàng hải Nippon và các hãng vận tải biển. Hệ thống Batam MEH là một trong những bước chuyển giao chính của dự án thử nghiệm MEH đã được thực hiện từ năm 2006, được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF)/Ngân hàng Quốc Tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) (Ngân hàng Thế giới) tài trợ, IMO là cơ quan thực hiện. Hàn Quốc thông qua Bộ Giao thông vận tải, Đất đai và Hàng hải (MLTM) cũng tài trợ một khoản tiền lên tới 850,000 USD được sử dụng để phát triển và thiết lập hệ thống. Mục tiêu tổng thể của dự án thử nghiệm là xác định được quy mô MEH tại eo biển Malacca và Singapore mang tính khả thi về mặt kinh tế và tài chính. Dự án này là một thỏa thuận hợp tác với 3 quốc gia ven biển là Indonesia, Malaysia và Singapore, trong quan hệ đối tác với Hàn Quốc, Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Hiệp hội các chủ tàu dầu độc lập quốc tế (INTERTANKO) và Phòng Thương mại vận tải biển quốc tế (ICS). Ranh giới địa lý của dự án thử nghiệm MEH kéo dài từ One Fathom Bank eo biển Malacca tới ngọn hải đăng Horburgh tại eo biển Singapore, bao gồm cả các tỉnh/bang lân cận ven biển của Indonesia, bán đảo Malaysja và Singapore. Dự án thử nghiệm MEH kéo dài đến cuối năm 2012 để tất cả các hạng mục có thể được hoàn thành việc đánh giá kĩ thuật và tài chính của cơ sở Batam. Indonesia có trách nhiệm bảo trì, vận hành và quản lý hệ thống công nghệ thông tin MEH tại Batam, phối hợp chặt chẽ với Malaysia và Singapore để vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Kinh phí từ Ngân hàng Thế giới đã được cấp cho Indonesia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hoạt động an toàn hàng hải dọc theo bờ biền Sumatra của eo biển Malacca và Singapore bằng việc đưa ra cơ sở hạ tầng an toàn hàng hải có liên quan, không chỉ cung cấp dữ liệu cho hệ thống công nghệ thông tin MEH mà còn tăng cường giám sát và quản lý bờ biển của Indonesia, eo biển Malacca và Singapore.
Tại buổi lễ bàn giao ông Sekimizu phát biểu rằng: “Những gì chúng tôi đang bàn giao ngày hôm nay là một cơ sở hoạt động khai thác sức mạnh của công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ an toàn hàng hải. Việc bàn giao hệ thống công nghệ thông tin MEH cho DGST là một cơ hội lớn cho Indonesia trở thành một trong những đối tác quan trọng trong việc thành lập hệ thống MEH khu vực cùng với Malaysia và Singapore. Chúng tôi đứng đây ngày hôm nay, không phải là kết thúc một sáng kiến mà để bắt đầu một cơ hội tuyệt vời để giúp việc vận chuyển bằng đường biển bước vào một kỷ nguyên mới của sự an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đối với tôi, sự phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải và việc hướng tới các cách thức cải tiến mới để tăng cường kiểm soát giao thông hàng hải là nhân tố chính của việc phát triển ngành hàng hải bền vững. Tôi tin chắc rằng Xa lộ Điện tử Hàng hải có thể là một thành công lớn thực sự, nó có thể cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các chương trình tương tự và nhìn chung những chương trình này mang lại lợi ích to lớn đối với xã hội toàn cầu...” Các bước tiếp theo của MEH sẽ liên quan đến việc Malaysia và Singapore thiết lập Trung tâm dữ liệu MEH để lưu giữ và vận hành hệ thống công nghệ thông tin MEH tương tự như hệ thống công nghệ thông tin MEH Batam. Xa lộ điện tử hàng hải của eo biển Malacca và Singapore: Eo biển Malacca và Singapore nằm giữa Sumatra và bán bảo Malaysia, dài khoảng 1000km, rộng 300km ở lối vào phía Tây và chỉ rộng 12km tại lối vào phía Đông Nam giữa Singapore và quần đảo Riau của Indonesia. Eo biển cạn với các kênh hẹp, thủy triều không đều và địa hình đáy thay đổi, do đó nguy hiểm đến việc hành hải của các tàu lớn. Mặc dù các tính năng định vị tại eo biển này rất khó khăn nhưng đây là tuyến đường hàng hải ngắn nhất giữa Ấn Độ Dương và biển Đông, nó cũng là tuyến đường hàng hải thích hợp cho các tàu chở dầu giữa vùng vịnh Ba Tư và Đông Á. Hệ thống MEH có cả 2 mô đun về an toàn hàng hải và môi trường. Mô đun về môi trường của hệ thống này có thể được sử dụng để đối phó và kiểm soát ô nhiễm biển, ví dụ, dự đoán hướng, tốc độ của sự cố tràn dầu, hỗ trợ các hoạt động đối phó và làm sạch. Hệ thống này cũng có thể sử dụng để xác định và theo dõi các tàu xả nước bẩn ở đáy tàu hoặc đổ các chất thải dầu khác một cách trái phép. Cổng thông tin MEH: http://www.mehsoms.com/ giúp người dùng có thể truy cập dữ liệu về giao thông hàng hải ở eo biển, dữ liệu về gió, thủy triều và dòng chảy. Cơ sở dữ liệu sử dụng dữ liệu lưu trữ Oracle nhận được bằng hệ thống công nghệ thông tin MEH bao gồm thông tin về sự cố tai nạn, các điều kiện giao thông hàng hải và thời tiết. Việc cung cấp và trao đổi dữ liệu được thực hiện giữa các Trung tâm dữ liệu MEH Batam, Cục Hàng hải Malaysia và Chính quyền Hàng hải Singapore. Tú Anh (theo IMO)