20/10/2013

VIỆT HÀ Theo Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt ngày 02/5/2013, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ lưu giữ đối với đội tàu biển Việt Nam năm 2013 là 6% và năm 2014 là 5,5%. Thời gian từ nay đến cuối năm 2014 không còn bao xa, nếu chúng ta không có những biện pháp thật sự quyết liệt thì e rằng đội tàu nước nhà vẫn luôn trong tầm ngắm của Tokyo MOU và nếu tỷ lệ lưu giữ tàu không giảm, Việt Nam có thể không đủ tư cách là thành viên đầy đủ của Tokyo MOU. Theo số liệu thống kê, từ 01/01 đến hết ngày 15/9/2013, có 531 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra (lần đầu) tại các cảng của khu vực Tokyo MOU, lưu giữ 43 lượt tàu, chiếm 8,1% (tỷ lệ lưu giữ của cả năm 2012 là 6,88%). So sánh số liệu này với chỉ tiêu mà Đề án đặt ra trong năm 2013 giảm tỷ lệ lưu giữ tàu biển Việt Nam là 6% thực sự khiến cho các nhà quản lý “đau đầu” khi còn rất nhiều việc phải làm. Nỗ lực lấy lại hình ảnh của đội tàu biển Việt Nam Không phải chờ đến khi Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, mà trước đó, khi Bộ GTVT ban hành Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 về tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài, Cục HHVN và Cục ĐKVN đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện, lâu dài như kiểm tra nghiêm ngặt các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và kiên quyết không cho phép tàu biển Việt Nam rời cảng khi chưa khắc phục hết các khiếm khuyết; tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các sỹ quan kiểm tra tàu biển đáp ứng được các yêu cầu của Tokyo MOU và IMO. Cục HHVN cũng là cơ quan chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen vào cuối năm 2014. Cảng vụ HH Thanh Hóa phối hợp với Chi cục Đăng kiểm 12 kiểm tra tàu Sự ra đời của Đề án chính là sự cố gắng của Cục HHVN và Cục ĐKVN trong nỗ lực lấy lại hình ảnh của đội tàu biển Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ngay sau khi Bộ trưởng phê duyệt Đề án, Cục HHVN đã bắt tay ngay vào việc triển khai những nhiệm vụ mà Đề án đã phân công. Ngoài những nhiệm vụ mà mỗi đơn vị triển khai, một yếu tố quan trọng để Đề án thành công chính là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Vì vậy, trong các cuộc họp trực tuyến hàng tháng với các Cảng vụ Hàng hải, Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến – Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án của Cục HHVN đã đề nghị mời đại diện Cục ĐKVN và các Chi cục Đăng kiểm tham dự, để cùng thảo luận, bàn bạc những giải pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, phấn đấu đưa đội tàu Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014. Theo Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến, việc phối hợp giữa Cục HHVN và Cục ĐKVN cũng như các đơn vị trực thuộc của hai bên sẽ làm rõ những tồn tại, phân tích nguyên nhân dẫn đến tàu bị lưu giữ, qua đó có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong kiểm tra tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế và nội địa, tránh tình trạng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. Sự phối hợp giữa hai Cục sẽ góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm, sớm hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2014 phải đưa đội tàu Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU, nâng cao hình ảnh của đội tàu Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình gia nhập Hội đồng IMO, Nhóm C - Phó Cục trưởng nhấn mạnh. Cùng bắt tay vì mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước chuyên ngành Đó là nhận định của Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật và Cục trưởng Cục ĐKVN Trịnh Ngọc Giao tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục HHVN và Cục ĐKVN thực hiện Chỉ thị 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 của Bộ GTVT về tăng cường biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài và Đề án “Đưa đội tàu biển VN ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” được tổ chức ngày 12/9/2013. Mục đích của việc hợp tác nhằm tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế. Thực hiện mục tiêu giảm số lượng các tàu biển Việt Nam bị lưu giữ qua kiểm tra PSC ở nước ngoài và trước mắt là thực hiện tốt Chỉ thị số 09 và mục tiêu của Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014”. Theo Quy chế đã ký kết, việc phối hợp phải kịp thời, chặt chẽ và thống nhất trên cơ sở tuân thủ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Cục. Hoạt động phối hợp, đặc biệt là hoạt động kiểm tra, giám sát phải không được làm cản trở, gián đoạn hoạt động của tàu biển và phải tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển. Các nội dung phối hợp của Quy chế bao gồm trao đổi thông tin, xử lý tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, kiểm tra tàu biển Việt Nam trước khi chạy quốc tế, hỗ trợ hợp tác quốc tế và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực. Về phương thức trao đổi thông tin, phòng An toàn-An ninh hàng hải, Cục HHVN và phòng Tàu biển, Cục ĐKVN làm đầu mối tiếp nhận và trao đổi thông tin liên quan đến những khiếm khuyến cũng như tình trạng tàu bị bắt giữ. Khi có các thông tin về tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, thông tin về các khiếm khuyết có thể dẫn đến lưu giữ PSC được phát hiện trong quá trình kiểm tra tàu biển Việt Nam trước khi chạy quốc tế, hai Cục thông báo cho nhau sớm nhất có thể, để phối hợp xử lý. Khi ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của mỗi bên có ảnh hưởng đến nội dung phối hợp, khi có những thông tin về các Chiến dịch kiểm tra tập trung của các MOU, hai Cục thông báo cho nhau để cùng tổ chức thực hiện. Cảng vụ Hàng hải và Chi cục Đăng kiểm cần chủ động trong việc trao đổi thông tin phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi khu vực, trong đó cần có những thông tin về khiếm khuyết có thể dẫn đến lưu giữ PSC phát hiện được trong quá trình kiểm tra tàu biển Việt Nam trước khi chạy quốc tế; tăng cường công tác trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật cần thiết cho việc kiểm tra tàu biển. Khi có báo cáo về việc tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, hai Cục khẩn trương xử lý theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đối với mỗi trường hợp tàu bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, hai Cục phối hợp tổ chức họp với công ty quản lý tàu/chủ tàu để phân tích các khiếm khuyết và bàn biện pháp khắc phục. Trong trường hợp có khiếm khuyết do PSC đưa ra không thỏa đáng, hai Cục trao cần đổi để có kiến nghị chính thức với các cơ quan liên quan theo trình tự thủ tục và chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Trường hợp cần thiết phải có can thiệp bằng đường ngoại giao, Cục HHVN báo cáo Bộ GTVT để xử lý. Trong từng trường hợp cụ thể, hai Cục sử dụng tối đa các mối quan hệ quốc tế để phối hợp, trợ giúp và xử lý việc tàu bị lưu giữ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của những vụ việc này đến uy tín của đội tàu quốc gia… Định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có yêu cầu, lãnh đạo hai Cục sẽ tiến hành họp kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế phối hợp, và bổ sung, điều chỉnh các nội dung phối hợp nếu cần. Thông qua Lễ ký kết, hai Cục trưởng mong muốn giữa Cục HHVN và Cục ĐKVN có sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho đội tàu biển Việt Nam và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như chung tay xây dựng và phát triển ngành Hàng hải Việt Nam.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24900949
    • Online: 94