31/12/2019

Một tin mừng cho ngành Hàng hải trước thềm năm mới 2020, Chủ tịch nước mới đây đã ký Lệnh ban hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đó người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải được xếp vào nhóm các ngành nghề đặc biệt, được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi... theo quy định của Chính phủ (Điều 166 - Bộ luật Lao động).
  Hình ảnh minh họa

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, đến cuối năm 2019, tổng số Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) còn hạn sử dụng là trên 41 nghìn, với số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là khoảng 1.500 chiếc. Nếu tính toán số học đơn thuần thì số lượng sỹ quan, thuyền viên này vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu (kể cả số lượng khoảng trên 2.000 thuyền viên đi làm việc cho đội tàu treo cờ nước ngoài).

Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ tàu ngày càng khó khăn trong khâu tuyển dụng thuyền viên, đặc biệt là những người có kinh nghiệm, tay nghề cao. Một số chủ tàu phải sử dụng thuyền viên nước ngoài, kể cả những chức danh thấp như AB, OS, kinh nghiệm đi biển chưa nhiều để duy trì hoạt động của đội tàu. Thực tế này cho thấy, nhiều thuyền viên có GCNKNCM đã đã không còn theo nghề, chuyển sang các công việc khác trên bờ. Giới trẻ ngày càng ít quan tâm theo học tại các cơ sở đào tạo thuyền viên. Hay nói cách khác, ngành hàng hải nói chung và nghề làm việc trên tàu biển nói riêng đã không còn sức hấp dẫn người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song một số nguyên nhân chủ yếu được đúc kết như sau: Một là, cùng với sự phát triển của nền kinh tế cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, người lao động (nhất là giới trẻ) có nhiều sự lựa chọn công việc phù hợp, trong khi đặc thù nghề đi biển vẫn được đánh giá là công việc nặng nhọc, vất vả, thường xuyên xa nhà, lênh đênh trên biển... Tuy vậy, thu nhập không cạnh tranh được với các công việc trên bờ. Hai là, các gia đình Việt ngày càng có ít con và tâm lý chung không muốn con cái học và làm nghề đi biển vất vả, thường xuyên xa nhà. Ba là, tình trạng nợ lương, thậm chí "chạy làng" lương, phương thức quản lý hoạt động manh mún, thiếu chuyên nghiệp của một số chủ tàu, dẫn đến người lao động chán nản, bất mãn, mất niềm tin của xã hội đối với nghề đi biển (gần đây, hiện tượng này đã hạn chế nhiều, tuy nhiên dư âm chưa thể chấm dứt ngày một, ngày hai). Bốn là, các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện nay hầu như chưa có ưu đãi đặc biệt gì để thu hút lao động vào môi trường làm việc hết sức quan trọng, kể cả về an ninh, quốc phòng và kinh tế - xã hội, nhưng lại nhiều thiệt thòi này. Nhận thức rõ thực trạng trên, trong những năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam xác định công tác nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ thuyền viên là một nội dung chiến lược, là yếu tố sống còn cho ngành vận tải biển Việt Nam, đặc biệt, là trong bối cảnh cả nước đang tập trung triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: hiệp hội chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển, cung ứng thuyền viên, cơ sở đào tạo... nhằm tìm ra các giải pháp để thu hút trở lại nguồn nhân lực thuyền viên tàu biển. Tuy vậy, do vướng về cơ chế, chính sách và nhiều yếu tố khác nên hiệu quả đạt được chưa cao, các chủ tàu (kể cả Việt Nam và nước ngoài) vẫn hàng ngày tìm kiếm, ăn đong từng thuyền viên. Một tin mừng cho ngành Hàng hải trước thềm năm mới 2020, ngày 03/12/2019 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký Lệnh ban hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ hợp thứ 8, ngày20/11/2019.

Theo đó, người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải được xếp vào nhóm các ngành nghề đặc biệt (bao gồm: nghệ thuật, thể dục thể thao, hàng hải, hàng không), được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi... theo quy định của Chính phủ (Điều 166 - Bộ luật Lao động). Phải khẳng định rằng, đây là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với những người đã, đang và sẽ làm việc trong ngành hàng hải. Lần đầu tiên, một văn bản Luật quy định người lao động trong lĩnh vực hàng hải được xếp vào nhóm ngành nghề đặc biệt.

Song song với đó, đây cũng là tiền đề để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo... cùng phối hợp, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp (như: công tác tuyển dụng, đào tạo, thực tập trên tàu biển; chế độ làm việc, tiền lương, tiền thưởng,...) để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện hữu, tạo động lực thu hút trở lại nguồn nhân lực hàng hải nói chung, thuyền viên làm việc trên tàu biển nói riêng./.

Vũ Khang Cường - Phòng ĐKTB&TV

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25320378
    • Online: 85