Trong các ngày từ 26/11 đến 05/12 năm 2017, Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) lần thứ 30 (A30) đã diễn ra tại trụ sở IMO, London, Vương quốc Anh. Phiên họp có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ 172 quốc gia thành viên, 03 thành viên liên kết cùng các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các vụ có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc và Miền Nam. Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký IMO Kitak Lim đã điểm lại những kết quả chính mà IMO thực hiện được trong nhiệm kỳ hai năm từ 2015 đến hết 2017, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như các thách thức ngày càng tăng của ngành hàng hải thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường. Chương trình nghị sự của Phiên họp tập trung vào các nội dung: kế hoạch hoạt động và dự kiến ngân sách của IMO giai đoạn 2017 - 2019, sửa đổi, bổ sung một số công ước quan trọng của IMO, chương trình đánh giá bắt buộc việc thực hiện các văn kiện của IMO đối với các quốc gia thành viên, quan hệ của IMO với các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, bầu Hội đồng IMO nhiệm kỳ 2017 - 2019.
Chiều 28/11/2017, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã có bài tham luận trước Đại hội đồng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tóm tắt các công việc Việt Nam đã thực hiện trong 2 năm qua trong lĩnh vực hàng hải, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 với việc bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới nhất của IMO và công tác chuẩn bị cho việc đánh giá bắt buộc thực hiện các công ước của IMO mà Việt Nam là thành viên (IMSAS). “Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm để thực hiện mục tiêu IMO đề ra đó là - vận tải biển được an toàn hơn, môi trường biển được sạch hơn – đồng thời duy trì an ninh, an toàn hàng hải”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh. Hội đồng IMO được Đại hội đồng IMO bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Các thành viên hết nhiệm kỳ sẽ được bầu lại tại từng kỳ họp Đại hội đồng. Hội đồng IMO có 40 thành viên bao gồm 10 thành viên nhóm A, 10 thành viên nhóm B và 20 thành viên nhóm C. Hội đồng là cơ quan chấp hành của Tổ chức Hàng hải quốc tế và chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ các công việc của Tổ chức bao gồm cả việc xem xét các báo cáo, các khuyến nghị của các ủy ban, xét duyệt chương trình ngân sách, chuẩn bị các báo cáo lên Đại hội đồng.
Ngày 01/12/2017, 162/171 thành viên Đại hội đồng IMO lần thứ 30 đủ quyền bỏ phiếu đã bầu ra 40 thành viên Hội đồng cho nhiệm kỳ 2017 – 2019 với kết quả cụ thể như sau: - Đối với Nhóm A: Tổng số phiếu phát ra là 162 phiếu, tổng số phiếu thu về là 161 phiếu, trong đó có 01 phiếu không hợp lệ; Trung Quốc (155 phiếu), Hy Lạp (151 phiếu), Ý (152 phiếu), Nhật Bản (155 phiếu), Nauy (143 phiếu), Panama (152 phiếu), Hàn Quốc (148 phiếu), Liên bang Nga (147 phiếu), Vương quốc Anh (144 phiếu), Hoa Kỳ (142 phiếu). - Đối với Nhóm B: Tổng số phiếu phát ra là 162 phiếu, tổng số phiếu thu về là 162 phiếu; Argentina (113 phiếu), Australia (143 phiếu), Bangladesh (84 phiếu), Brazil (131 phiếu), Canada (138 phiếu), Pháp (140 phiếu), Đức (146 phiếu), Ấn Độ (144 phiếu), Hà Lan (124 phiếu), Tây Ban Nha (137 phiếu), Thụy Điển (129 phiếu), Các Tiểu vương quốc Ả-rập (115 phiếu). - Đối với Nhóm C: Tổng số phiếu phát ra là 162 phiếu, tổng số phiếu thu về là 160 phiếu, trong đó có 01 phiếu không hợp lệ; Algeria (94 phiếu), Antigua và Barbuda (103 phiếu), Bahamas (110 phiếu), Bỉ (128 phiếu), Chile (126 phiếu), Cộng hòa Síp (136 phiếu), Đan Mạch (123 phiếu), Ai Cập (133 phiếu), Indonesia (132 phiếu), Jamaica (120 phiếu), Kenya (120 phiếu), Liberia (116 phiếu), Malaysia (131 phiếu), Malta (136 phiếu), Mexico (133 phiếu), Ma Rốc (134 phiếu), Nigeria (98 phiếu), Peru (129 phiếu), Philippines (124 phiếu), Saudi Arabia (105 phiếu), Singapore (142 phiếu), Nam Phi (121 phiếu), Thái Lan (120 phiếu), Thổ Nhĩ Kỳ (138 phiếu). Với kết quả bỏ phiếu như trên, 40 thành viên của Hội đồng IMO nhiệm kỳ 2017 – 2019 như sau: Nhóm A gồm 10 quốc gia: Trung Quốc, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Nauy, Panama, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ Nhóm B gồm 10 quốc gia: Australia, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả-rập. Nhóm C gồm 20 quốc gia: Bahamas, Bỉ, Chile, Cộng hòa Síp, Đan Mạch, Ai Cập, Indonesia, Jamaica, Kenya, Liberia, Malaysia, Malta, Mexico, Ma Rốc, Peru, Philippines, Singapore, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong Chương trình công tác, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc làm việc riêng với Ngài Kitak Lim, Tổng thư ký IMO và Ngài John Hayes, Quốc vụ khanh phụ trách GTVT của Vương quốc Anh. Đoàn cũng đã có chuyến thăm, làm việc tại Học viện Hàng hải Southampton và thăm Cảng Southampton về các nội dung: Các hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển (VTS) cho các cảng mới và cảng nâng cấp; Hệ thống mô phỏng buồng lái phục vụ đào tạo; Thiết kế kiến trúc tàu thủy (cho tàu cao tốc, tàu chuyên dụng); Quản lý dự án từ thiết kế, đóng đến hoàn thiện tàu phức hợp; Tư vấn quản lý và khai thác cảng; Tàu đệm khí phục vụ tuần tra ven bờ.
Bên lề Phiên họp Đại hội đồng, ngày 27/11/2017, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã ký chính thức Thỏa thuận song phương về việc công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định I/10 của Công ước STCW (MOU) giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng hải Panama. Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam đã trao đổi văn kiện về việc đàm phán, ký MOU với Chính quyền Hàng hải Cộng hòa Palau.