26/10/2013

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được thực hiện tập trung vào 4 lĩnh vực chính: đóng mới tàu; sửa chữa tàu; công nghiệp phụ trợ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Trong Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình Bộ GTVT, ở lĩnh vực đóng tàu, Cục HHVN đề xuất thiết lập 3 trung tâm đóng tàu tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Theo đó, Trung tâm đóng tàu được xây dựng trên cơ sở 10 nhà máy, trong đó có 04 nhà máy phía Bắc, 04 nhà máy miền Trung và 02 nhà máy phía Nam. Trung tâm đóng tàu phía Bắc, được xây dựng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, trên cơ sở 04 nhà máy lớn hiện có thuộc Tập đoàn CNTT Việt Nam: Hạ Long, Nam Triệu, Phà Rừng, Bạch Đằng. Nhà máy đóng tàu - Công ty CNTT Hạ Long, trong giai đoạn từ nay đến 2015, chỉ tập trung hoàn chỉnh phần mềm (công nghệ, thiết bị, năng lực thiết kế, marketing, quản lý...) để chuyên môn hóa đóng mới loại tàu vận tải phức tạp, có yêu cầu công nghệ cao như tàu chở ô-tô, tàu container, tàu tổng hợp đến 50.000 DWT; công suất thiết kế 8 - 10 tàu/năm (400.000 DWT/năm); giai đoạn 2015-2020, cải tạo đà bán triền để kết hợp sửa chữa tàu 50.000 DWT; định hướng giai đoạn sau 2020, Công ty tập trung phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; tham gia đóng mới tàu khách cỡ lớn có giá trị xuất khẩu cao và tìm kiếm thị trường xuất khẩu công nghệ đóng tàu vận tải. Nhà máy đóng tàu - Tổng công ty CNTT Nam Triệu, giai đoạn từ nay đến năm 2020, đơn vị chỉ tập trung hoàn chỉnh phần mềm để chuyên môn hóa đóng mới các loại tàu, thiết bị nổi phức tạp, có yêu cầu công nghệ cao như: ụ nổi, tàu dầu, tàu chở ô-tô, tàu tổng hợp đến 70.000 DWT với công suất thiết kế 8 - 10 sản phẩm/năm (400.000 DWT/năm); định hướng sau năm 2020, Tổng công ty mở rộng cơ sở bằng việc di dời các cơ sở đóng tàu lớn từ nội thành ra Bến Kiền; hình thành trung tâm đóng tàu lớn nối tiếp từ Phà Rừng đến Bạch Đằng có tổng công suất khoảng 2.000.000 – 3.000.000 DWT/năm. Nhà máy đóng tàu - Tổng công ty CNTT Phà Rừng, từ nay đến năm 2020 chưa đầu tư mở rộng nhà máy ra phía sông Bạch Đằng (như dự án đã được phê duyệt), chỉ tập trung hoàn chỉnh phần mềm để chuyên môn hóa đóng mới các loại tàu cỡ trung bình (10.000 - 30.000 DWT), gồm tàu hóa chất, tàu dầu, tàu hàng rời với công suất thiết kế 6 tàu/năm (120.000 DWT/năm); định hướng sau năm 2020, Nhà máy đầu tư chiều sâu để đóng tàu hóa chất, tàu hàng lỏng và LPG phục vụ trong nước, xuất khẩu; mở rộng cơ sở sản xuất bằng việc di dời các cơ sở đóng tàu lớn từ nội thành ra hình thành trung tâm đóng tàu lớn nối tiếp từ Phà Rừng đến Nam Triệu có quy mô khoảng 400ha, chiều dài đường bờ 4,5km, tổng công suất khoảng 2.000.000 – 3.000.000 DWT/năm. Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, từ nay đến 2020, cơ sở chỉ tập trung hoàn chỉnh phần mềm để chuyên môn hóa đóng mới các loại tàu, thiết bị nổi phức tạp, có yêu cầu công nghệ cao như: tàu chở khí, tàu container đến 20.000 DWT với công suất thiết kế 10 - 12 tàu/năm (150.000 DWT/năm); sau 2020 Nhà máy di dời ra sông Bạch Đằng để hình thành trung tâm đóng tàu lớn nối tiếp từ Phà Rừng đến Bạch Đằng, tổng công suất khoảng 2.000.000 – 3.000.000 DWT/năm. Các nhà máy còn lại (chỉ tính các nhà máy đóng tàu >5.000 DWT) thực hiện đóng các gam tàu vận tải thông thường hoặc trở thành cơ sở vệ tinh cho 4 nhà máy trên.
Trung tâm đóng tàu miền Trung, được xây dựng tại Dung Quất (Quảng Ngãi), Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa) trên cơ sở 3 nhà máy lớn hiện có: Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (Petro Việt Nam), Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin, Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (Vinashin) và một nhà máy được đầu tư mới là Nhà máy Đóng tàu Hòn Khói. Nhà máy đóng tàu Dung Quất - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đến năm 2015 sẽ đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, trang thiết bị công nghệ và đưa vào khai thác 2 ụ khô 100.000 DWT và 300.000 DWT để phục vụ đóng tàu dầu cỡ lớn, kho chứa dầu và kết cấu giàn khoan phục vụ ngành Dầu khí, công suất thiết kế 450.000 DWT/năm; sau năm 2015, mở rộng liên doanh liên kết, đầu tư chiều sâu trang thiết bị công nghệ để thực hiện đóng đơn hàng xuất khẩu theo gam tàu ổn định, với năng suất lao động tại Nhà máy giai đoạn 2020–2030 tương đương các nhà máy đóng tàu tiên tiến trong khu vực để nâng dần công suất Nhà máy lên khoảng 800.000 - 1.000.000 DWT/năm. Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin, từ năm 2008 nhà máy chuyển dần sang thực hiện các đơn hàng đóng mới từ công ty mẹ, chuyên đóng các gam tàu tổng hợp 37.000 DWT và 56.000 DWT với kế hoạch sản xuất năm 2013 đạt công suất thiết kế ổn định khoảng 1 triệu DWT/năm. Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (Vinashin), giai đoạn từ nay đến năm 2015 tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng để giai đoạn 2015 - 2020 Nhà máy đi vào hoạt động ổn định, tập trung cho đóng mới các gam tàu hàng rời, hàng tổng hợp và tàu dầu đến 50.000 DWT; công suất thiết kế 250.000 DWT/năm. Nhà máy Đóng tàu Hòn Khói (Khánh Hòa): Liên doanh nước ngoài đầu tư xây dựng mới Nhà máy trong căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong; đóng tàu dầu, tàu hàng rời, tổng hợp đến 100.000 DWT. Các nhà máy đóng tàu vận tải khác như Thanh Hóa, cơ khí tàu Nghệ An, Nhà máy Đóng tàu Bến Thủy, Nhà máy Đóng tàu Nhật Lệ, các nhà máy đóng tàu khu vực Đà Nẵng sẽ tập trung đóng các loại tàu du lịch, tàu chuyên dụng: nghiên cứu biển, TKCN, tàu khách và làm vệ tinh cho 3 nhà máy trên. Nhà máy sửa chữa tàu biển Vũng Áng-Sơn Dương (Khu kinh tế Vũng Áng-Hà Tĩnh); Nhà máy Đóng mới và Sửa chữa tàu Mỹ Thủy (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị); Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vũng Rô (Phú Yên)... là các cơ sở tiềm năng, Cục HHVN phối hợp với UBND tỉnh, thành phố liên quan nghiên cứu trình Bộ GTVT xem xét thỏa thuận quy hoạch chi tiết vào thời điểm thích hợp với quy mô phù hợp nhu cầu thị trường, quy hoạch luồng tàu và tĩnh không cầu đường bộ khác. Ưu tiên dành quỹ đất trong các khu công nghiệp thuộc Phú Yên, Khánh Hòa để xây dựng các nhà máy vệ tinh, công nghiệp phụ trợ hỗ trợ trung tâm đóng, sửa chữa tàu biển miền Trung. Trung tâm đóng tàu phía Nam, do hạn chế bởi quỹ đất, đường bờ và điều kiện địa chất yếu, khu vực phía Nam không xây dựng thành trung tâm đóng tàu cỡ lớn mà chỉ khai thác hiệu quả các cơ sở hiện có: Công ty CNTT Sài Gòn và Nhà máy Tàu biển Long Sơn (Wonil Vina). Công ty CNTT Sài Gòn, đến năm 2015 sẽ đầu tư hoàn chỉnh ụ khô; tập trung nâng cao năng lực sửa chữa và tham gia đóng mới các gam tàu tổng hợp, tàu container 10.000 DWT với năng lực đóng mới 2 - 3 tàu/năm (30.000 DWT/năm). Nhà máy Tàu biển Long Sơn (100% vốn nước ngoài), quy hoạch từ nay đến năm 2015 tập trung đầu tư hoàn chỉnh theo giấy phép, đóng tàu vận tải dưới 50.000 DWT, công suất khoảng 200.000 DWT/năm. Các nhà máy đóng tàu vận tải khác như Xí nghiệp liên hợp Ba Son, An Phú, PTSC Shipyard, Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch-Đồng Nai, Caric, X51, Đóng tàu 76, Bảo Tín, Saigon Shipyard (Singapore), các công ty đóng tàu trong Khu công nghiệp Đông Xuyên… là các cơ sở đóng tàu chuyên dụng, tập trung đóng tàu du lịch, tàu nghiên cứu biển, tàu dịch vụ dầu khí, tàu khách và làm vệ tinh cho 02 nhà máy trên phát triển phù hợp với quy hoạch địa phương, nhu cầu thị trường và quy hoạch hệ thống luồng tàu ra vào nhà máy. Các khu, cụm công nghiệp phục vụ CNTT và công nghiệp phụ trợ đã quy hoạch trên địa bàn tỉnh Long An gồm: cụm công nghiệp Caric - Hồng Lĩnh, cụm công nghiệp LILAMA, cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông, cụm công nghiệp Phước Đông... là các cơ sở tiềm năng, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh nghiên cứu trình Bộ GTVT xem xét thỏa thuận quy hoạch chi tiết vào thời điểm thích hợp với quy mô phù hợp nhu cầu thị trường, quy hoạch luồng tàu và tĩnh không cầu đường bộ khác. Dành quỹ đất khu vực hai lưu sông Soài Rạp (Tiền Giang) theo quy hoạch được duyệt để phát triển trung tâm đóng, sửa chữa tàu biển 50.000-100.000 DWT. H.M (Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNTTVN đến 2020, định hướng đến 2030)  

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24849277
    • Online: 101