Ngày 15/11, tại Thành phố Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về "Các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải tại vùng biển đặc biệt nhạy cảm môi trường ở Việt Nam (khu vực Hạ Long - Cát Bà) và Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam". Đồng chí Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã tham dự và chủ trì Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo, chuyên viên các phòng tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam, các Cảng vụ: Quảng Ninh, Hải Phòng; đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch; Ban quản lý: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà; Cơ quan nghiên cứu về biển, hàng hải; một số doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp vận tải biển và doanh nghiệp đóng tàu. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam được Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) tại Việt Nam từ năm 2015. Trong quá trình triển khai thực hiện, Cục đã nhiều lần tổ chức họp và hội thảo để xin ý kiến các nội dung liên quan. Đến nay, nhiệm vụ nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành, Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành rà soát các biện pháp bảo vệ và đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm tại khu vực Hạ Long - Cát Bà. "Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo ngày hôm nay nhằm xin ý kiến về nội dung dự thảo Tờ trình Đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm tại khu vực Hạ Long - Cát Bà và Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam trước khi chính thức trình Bộ GTVT" - Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cho biết. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng phát biểu tại Hội thảo Thông tin tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cho biết thêm, khái niệm vùng biển đặc biệt nhạy cảm "Particularly Sensitivity Sea Area" (PSSAs) được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) xây dựng và công bố năm 1990 nhằm thúc đẩy sự quản lý chặt chẽ các hoạt động Hàng hải quốc tế đối với những vùng biển có giá trị về sinh thái, kinh tế xã hội, văn hóa, lịch sử ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc công nhận vùng biển nhạy cảm, cơ chế vận hành và các đề xuất liên quan được thực hiện trên cơ sở các quy định của IMO. Liên quan đến Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam, bà Trần Thị Tú Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho hay, việc xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động của môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong phát triển cảng biển trên thế giới.
Bà Trần Thị Tú Anh trình bày tại Hội thảo Theo đó, cảng xanh là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, còn giúp các cảng biển hội nhập với quốc tế. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực đóng góp ý kiến và đưa ra các đề xuất hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình Đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm tại khu vực Hạ Long - Cát Bà và Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam trước khi chính thức trình Bộ GTVT./. Văn phòng - Phòng KHCNMT