07/12/2021

 

Ngày 24/11/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1977/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến họat động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Nỗ lực hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện dự thảo phương án đề xuấy cắt giảm, đơn giản hóa 165 quy định của 17 ngành nghề kinh doanh trong tổng số 1.044 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020, đạt tỷ lệ 15,8%. Cụ thể là dự kiến cắt giảm 57 quy định (bao gồm: 20 yêu cầu điều kiện kinh doanh, 37 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành); sửa đổi, đơn giản hóa 108 quy định (bao gồm: 17 yêu cầu điều kiện kinh doanh, 76 thủ tục hành chính, 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 14 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành), trong đó có 24 thủ tục hành chính đề xuất phương án tái cấu trúc quy trình, sửa đổi, bổ sung quy định để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trên cơ sở dự thảo phương án, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 38 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm: 02 luật và bộ luật, 10 nghị định, 26 thông tư).
Với tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa trên, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 10-15% được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Như vậy, tuy mới là năm đầu tiên của giai đoạn 2020 – 2025 thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh do Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, phương án ban hành tại Quyết định số 1977/QĐ-TTg đã tiệm cận với chỉ tiêu tối thiểu 20% của Nghị quyết. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Giao thông vận tải trong việc hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 67,36% điều kiện đầu tư, kinh doanh và 59,7% sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, vượt chỉ tiêu 50% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018.
Đồng thời, toàn bộ quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải cùng với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định đã được Bộ thống kê, cập nhật đầy đủ trên phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh do Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng.


Bãi container cảng Hải Phòng  

Mạnh dạn “cởi trói” các yêu cầu, điều kiện

Sau thành công của việc cắt giảm, đơn giản hóa 384/570 điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tiếp 37 điều kiện kinh doanh, bao gồm 24 điều kiện thuộc lĩnh vực đường bộ, 02 điều kiện thuộc lĩnh vực hàng không, 11 điều kiện thuộc lĩnh vực hàng hải.
Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, phương án đề xuất sửa đổi quy định điều kiện sở hữu về xe tập lái theo hướng “Xe tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo” và bãi bỏ quy định “Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng”. Theo đó, không bắt buộc cơ sở đào tạo phải sở hữu xe tập lái theo tỷ lệ cụ thể mà có thể chủ động, linh hoạt thuê phương tiện, giúp tiết kiệm được một khoản rất lớn chi phí đầu tư, chi phí tuân thủ quy định. 
Đối với ngành nghề kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phương án đề xuất bãi bỏ một loạt quy định không còn phù hợp như: “Bảo đảm số lượng phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh”; “Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường”; “Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật”; “Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai”. Theo đó, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, phương án đề xuất sửa đổi quy định về thời gian kinh nghiệm của nhân sự trong từng lĩnh vực con theo hướng giảm số năm kinh nghiệm từ “tối thiểu 05 năm” xuống “tối thiểu 03 năm”. Như vậy, vừa mở thêm cơ hội nghề nghiệp cho cá nhân tham gia kinh doanh, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn để lựa chọn nhân sự phù hợp với yêu cầu kinh doanh.

Kiểm tra phương tiện tại Trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của phương án, Bộ Giao thông vận tải xác định rõ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải gắn với tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ. Theo đó, phương án giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính hướng tới giảm số bộ hồ sơ, bãi bỏ những giấy tờ đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu của cơ quan giải quyết thủ tục, hoặc những giấy tờ có thể khai thác, chia sẻ từ bộ, ngành khác; sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu bản sao đối với những giấy tờ phải nộp bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu; đồng thời, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân điền và nộp trực tuyến. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tiếp nhận hồ sơ theo hình thức trực tuyến và cung cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính dạng điện tử, làm giàu thêm cho cơ sở dữ liệu văn bản điện tử chia sẻ, dùng chung giữa các bộ, ngành. Nhờ đó, đối tượng thực hiện thủ tục không phải cung cấp thông tin, hồ sơ nhiều lần cho cùng một cơ quan hoặc nhiều cơ quan khác nhau có cùng yêu cầu đối với thông tin, giấy tờ đó. Chi phí tuân thủ bao gồm chi phí ngày công, in ấn, phí gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc chi phí đi lại trực tiếp thực hiện thủ tục… theo đó được tiết kiệm đáng kể, tạo nhiều thuận lợi cho đối tượng thực hiện.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi thông quan.
Không chỉ cắt giảm, đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, Bộ Giao thông vận tải còn mở rộng rà soát đối với cả sản phẩm hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể là trong số 51 sản phẩm, hàng hóa được đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cắt giảm 02 sản phẩm, hàng hóa (“xe đạp điện”, “xe đạp máy”) khỏi danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước khi thông quan (đối với hàng nhập khẩu) và trước khi đưa ra thị trường (đối với hàng sản xuất, lắp ráp); chuyển 14 sản phẩm, hàng hóa từ danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước thông quan sang danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn, hợp quy; cắt giảm 35 sản phẩm, hàng hóa khỏi danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy.
Bên cạnh việc thống kê, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kinh doanh theo nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải vẫn chủ động nâng mức cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4 đối với 25 thủ tục hành chính thuộc nhóm vận tải đường bộ qua biên giới; đơn giản hóa 17 thủ tục hành chính lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng; nâng chu kỳ kiểm định đối với xe ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải (loại không cải tạo, sản xuất đến 05 năm) từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 06 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo (Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT). Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế thực hiện tái cấu trúc quy trình để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với dịch vụ Đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân có thể hoàn toàn thực hiện thủ tục trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.

17 thủ tục hành chính lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung trong năm 2020, 2021 bao gồm:
- 09 thủ tục hành chính tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
- 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được đơn giản hóa tại Thông tư số 41/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/03/2019 quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.
- 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường sắt được đơn giản hóa tại Thông tư số 13/2021/TT-BGTVT ngày 26/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BGTVT ngày 27/4/2018 quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt; Thông tư 05/2021/TT-BGTVT ngày 01/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.

 

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chắc chắn sẽ tạo thêm cú hích giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh trên thế giới và trong nước đang chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 suốt gần 2 năm thì phương án này càng có ý nghĩa hơn rất nhiều, giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, đồng thời giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, phòng tránh lây lan dịch bệnh./.

 

                                                                                                                                                                                                     Nguồn: Thủ tục hành chính

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25184496
    • Online: 36