28/06/2013

Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, có một yếu tố góp phần vào thành công hiển hách đó là cuộc chiến chống phong tỏa đường biển của Cục Vận tải đường biển (tiền thân của Cục Hàng hải Việt Nam hiện nay). Chống phong tỏa đường biển là một bộ phận của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam, là cuộc chiến đấu thực sự diễn ra vô cùng gay go ác liệt giữa một bên là những cán bộ công nhân viên ngành Đường biển Việt Nam, còn bên kia là kẻ thù xâm lược - một đội quân thiện chiến nhà nghề, tiến hành cuộc chiến tranh phong tỏa đường biển vô cùng dã man tàn bạo và phi nghĩa. Trong cuộc chiến đó, ngành Hàng hải nói riêng và ngành GTVT nói chung là đối tượng đối đầu trực diện. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, các đèn biển, cửa biển, luồng tàu đều là mục tiêu đánh phá của giặc nhằm cô lập Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời chặn đường chi viện của hậu phương lớn với chiến trường miền Nam. Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa” ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi ở miền Bắc Việt Nam với quy mô chưa từng có. Chúng coi đó là hành động quân sự có tính chất quyết định. Kẻ thù mở rộng âm mưu phong tỏa với ưu thế về số lượng phương tiện, hiện đại về kỹ thuật và hiệu quả cao về tính sát thương phá hoại với các loại bom từ trường phong tỏa dày đặc trên các tuyến giao thông thủy-bộ, cầu phà, sân bay, nhà ga, bến bãi, từ cửa biển đến dòng sông. Chúng phong tỏa từ phía Nam ra phía Bắc, từ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn cho đến các tuyến giao thông ven biển. Song song với phong tỏa thủy lôi, chúng tăng cường đánh phá bằng các loại bom phá, bom bi quả ổi, quả dưa, bom đinh, bom xuyên, rocket và pháo kích từ, pháo hạm ngoài biển vào… nhằm tạo thành một thế trận bao vây phá hoại ta rất ác liệt, dã man và tàn bạo. Ác liệt dã man đến nỗi bạn bè quốc tế và chính người Mỹ cũng không thể tưởng tượng nổi nhân dân Việt Nam sẽ chịu đựng như thế nào… Phong tỏa cửa sông, bến cảng Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao, đồng thời Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cũng bí mật cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc. Ngày 26/02/1967, những quả thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa các cảng sông miền Bắc. Mỹ sử dụng hỗn hợp nhiều loại thủy lôi: thủy lôi từ trường, thủy lôi âm thanh, thủy lôi chạm nổ, thủy lôi áp suất… nhằm mục tiêu đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải của ta, ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước XHCN đối với Việt Nam. Tiếp đến chúng chọn các cửa sông Mã, sông Gianh, cửa Hội, Nhật Lệ... là những đầu mối giao thông quan trọng của ta lúc bấy giờ để thả thủy lôi. Từ ngày 26/02 đến ngày 21/5/1967, liên tiếp nhiều đêm máy bay của Mỹ lẻn vào thả tổng cộng 160 quả. Từ tháng 6/1967, địch dùng bom từ trường thay thế thủy lôi. Đồng thời chúng mở chiến dịch đánh phá phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay, kết hợp rải hàng ngàn bom từ trường trên các luồng sông, cửa biển, bến phà... tạo thành vành đai ngăn chặn hoạt động các phương tiện vận chuyển đường thủy. Máy bay B52 và máy bay A6A ngày đêm ném bom và thả ngư lôi phong tỏa cửa sông, cảng biển ở nhiều tỉnh phía Bắc. Năm 1967-1968, Mỹ phong tỏa khu vực Hải Phòng gần 1.500 quả, các tuyến khác là 6.680 quả bom từ trường và thủy lôi các loại. Cuộc chiến tranh phong tỏa lần thứ 2, bắt đầu từ 09/5/1972, Mỹ phong tỏa tuyến duyên hải 5.431 quả, Quảng Ninh 1.142 quả và tại Hải Phòng 1.735 quả bom từ trường và thủy lôi các loại. Chúng phong tỏa nhiều lần, nhiều hướng chồng chất và liên tục bổ sung. Mỹ công khai tuyên bố:… làm tê liệt cảng Hải Phòng bằng việc ném bom và thả mìn, làm tiêu hao và mòn mỏi ý chí của dân chúng bằng cách phơi bày một khu vực rộng lớn của Bắc Việt Nam vào cảnh thương vong và tàn phá… Đầu năm 1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn vội vã huy động không quân, hải quân tổ chức Đội đặc nhiệm số 11, mở chiến dịch ném bom, rải mìn ồ ạt với trận mở màn lúc 7h30 ngày 09/5/1972. Rải mìn xong, Ních-xơn công bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để thúc giục tàu nước ngoài đang bốc dỡ hàng tại Hải Phòng phải nhanh chóng rời cảng. Ngày 11/5/1972, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn bịt luồng ra vào các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc nước ta. Từ ngày 09/5/1972 đến tháng 01/1973, địch đã thả hàng vạn quả bom từ trường, thủy lôi, mìn các loại ở 8 tỉnh-thành miền Bắc với 166 điểm; diện tích bị phong tỏa ở các khu vực trọng điểm gần 478km, suốt từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Cửa Tùng, Cửa Việt... Dùng từ trường phá bom từ trường Trong những ngày tháng nóng bỏng của năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc nước ta ngày càng quyết liệt. Việc chống phá các loại bom mìn, thủy lôi để giải phóng các bến cảng, cửa biển đang là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Được cấp trên giao nhiệm vụ phá bom từ trường, Cục Vận tải đường biển đã nhanh chóng thành lập tổ nghiên cứu và tìm giải pháp phá bom từ trường. Cục trưởng Cục Vận tải đường biển khi đó là ông Lê Văn Kỳ đã trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo tổ nghiên cứu phá bom từ trường. Các ông Nguyễn Thái Phong, Lê Gia Chửng, Hoàng Chương… là thành viên của tổ. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, tổ đã hoàn thành thiết bị tạo ra từ trường mạnh để gây nổ những quả bom từ trường, và trong lần thử nghiệm đầu tiên tại cảng Hải Phòng đã thành công vang dội. Kết quả, nhiều chuyến tàu vận tải lương thực, vũ khí vào các bến cảng ở Quân khu 4 và miền Nam xuất phát từ cảng Hải Phòng, vượt qua nhiều bãi bom từ trường địch rải dày đặc, vẫn an toàn và đi đến đích đúng thời gian quy định, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà... Chiến tranh bước vào những tháng ngày ác liệt, khó khăn thêm chồng chất. Với quyết tâm mở luồng, thông tuyến, chống phong tỏa bằng thủy lôi của địch đảm bảo an toàn cho công tác vận tải đường biển, công nhân quản đăng đều trở thành những chiến sỹ. Những khẩu hiệu thể hiện ý chí kiên cường, sắt đá của người công nhân gác đèn biển như: “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng”, hoặc “Ra đi mang nặng lời thề, thủy lôi chưa sạch chưa về quê hương”. Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể dũng cảm, bất khuất trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường biển. Có những người như công nhân Lê Văn Lợi đã 2 lần được tập thể làm “Lễ truy điệu sống” trước khi lái tàu đi phá thủy lôi để mở đường thông tuyến chống phong tỏa của giặc Mỹ. Ba cô gái: Huệ, Kim, Vây ở tổ trinh sát Hoàng Châu-Cát Hải đã hiên ngang dũng cảm đếm từng quả thủy lôi do do địch thả và đánh dấu chúng trên hải đồ để giao cho đồng đội đi rà phá đảm bảo thông luồng. Các phân đội rà phá thủy lôi của Ty bảo đảm hàng hải như phân đội Lê Mã Lương, phân đội Quyết Thắng đã ra quân là đánh thắng. Hàng đêm, công nhân bảo đảm dùng đèn pin biến mình thành “đăng tiêu sống” để dẫn luồng cho tàu tránh thủy lôi. Công nhân đảo đèn Long Châu (sống trên diện tích chưa đầy 1 km2) đã phải chiến đấu 238 trận với 5 nghìn tấn bom đạn dội xuống đảo nhưng vẫn bảo đảm đèn luôn sáng. Đảo đèn Hòn Dáu bị đánh 116 trận, đèn chính bị đánh sập, nhưng chỉ sau 24 giờ ngọn hải đăng tạm thời đã lại chớp sáng để chỉ dẫn tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Trong cuộc chiến khốc liệt đó, Bảo đảm ATHH Việt Nam đã có 2 liệt sỹ hy sinh trong lúc trực tiếp rà phá thủy lôi của địch, 10 liệt sỹ hy sinh trong lúc đang quan sát thủy lôi, 13 thương binh trong rà phá; 3 ca-nô bị đánh chìm, 10 tàu phá lôi bị hư hỏng. Tiêu biểu trong thời kỳ này là Trạm đèn biển Long Châu Anh hùng Lao động và Tiểu đoàn tự vệ Ty Bảo đảm hàng hải Anh hùng đã được Nhà nước phong tặng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau này, Bảo đảm ATHH Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông (1967-1972) do Chủ tịch nước trao tặng cùng với một số cá nhân được tặng bằng khen. Thời kỳ 1965-1975, hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường do không quân Mỹ thả xuống các cửa sông, cửa biển từ Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận đã được họ phá hủy, đảm bảo an toàn cho tàu vận chuyển hàng hóa, lương thực cho miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ. Chiến công của họ đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với trí thông minh sáng tạo, dũng cảm kiên cường, chúng ta đã kịp thời giải tỏa Hải Phòng, giải tỏa giao thông vận tải, chưa bao giờ để Hải Phòng bị phong tỏa quá 30 ngày. Thậm chí, ban ngày địch phong tỏa thì chiều tối các lực lượng đã giải tỏa xong. Luồng vận tải này bị phong tỏa chưa phá được thì chúng ta có luồng dự bị thay thế, đã góp phần để Hải Phòng tiếp nhận đầy đủ hàng hóa, lương thực và vũ khí vận chuyển tiếp tế ra chiến trường và phục vụ dân sinh… góp phần vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta. 9 năm chống phong tỏa, các kỹ sư, công nhân đường biển đã phá hủy gần 1.430 thủy lôi và bom từ trường, giải tỏa trên 80km luồng vận tải không còn bom mìn, rà quét trên 24 km2 bến bãi, đầu mối giao thông đưa vào khai thác an toàn. Ngoài việc kích nổ phá hủy dưới nước, đội ngũ tự vệ của ngành Vận tải đường biển còn tham gia cùng hải hải quân hoặc độc lập tháo gỡ thành công 23 quả thủy lôi và bom từ trường. Trong đó có 2 quả thủy lôi hiện đại nhất của Mỹ là MK52, đưa về nghiên cứu, làm dụng cụ trực quan cho việc tập huấn, chế tạo thiết bị phá thủy lôi cho công binh. Không một ngày mặc áo lính, nhưng những người công tác trong ngành Đường biển đã làm nên bao kỳ tích trong cuộc chiến không cân sức chống lại chiến tranh phong tỏa của đế quốc Mỹ. Chín năm chống phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ, biết bao khó khăn, hy sinh mất mát. Nhưng với tinh thần quả cảm, thông minh, sáng tạo, bên cạnh Quân chủng Hải quân, những kỹ sư, công nhân ngành Đường biển đã đồng lòng vượt qua thử thách, bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải thủy phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất nước nhà. Cuộc chiến chống phong tỏa đường biển đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Chúng khiến cho âm mưu của kẻ thù “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” bị thất bại thảm hại và không ngăn được bước chân giải phóng miền Nam của quân đội ta, nhân dân ta. Trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp ấy có đội ngũ những người con ngành Hàng hải. Họ có thể tự hào, ngẩng cao đầu bước tiếp vì những năm tháng đầy thử thách cam go họ đã cống hiến hết mình cho Ngành, cho đất nước. Trong lịch sử nước nhà đã có một “Điện Biên Phủ trên không”, bẻ gãy ý chí chiến lược chiến tranh phá hoạt bằng không lực của kẻ địch, thì ngành Hàng hải cũng tự hào đã có một “Điện Biên Phủ dưới nước”, bẻ gãy ý chí chiến lược phong tỏa đường biển bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi tại Hội nghị đàm phán Paris. Đây cũng là một bài học có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc và kho tàng kỹ thuật quân sự nước nhà.
Cục trưởng Nguyễn Nhật trao đổi với Ban liên lạc cựu chiến sỹ chống phong tỏa đường biển, rà phá thủy lôi

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24851846
    • Online: 95