Chiều ngày 08/11, tại Thành phố Antwerp, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã ký Ý định thư hợp tác lần thứ 9 giai đoạn 2020-2022 với Tổng thư ký Bộ Giao thông công chính vùng Flanders, Vương quốc Bỉ Filip Boelaert.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang và Ngài Filip Boelaert ký Ý định thư lần thứ 9 Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, bao gồm đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Thương mại Flanders - Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành của vùng Flanders tổ chức. Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, rất hân hạnh và vui mừng tham dự Diễn đàn Thương mại Flanders - Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành của vùng Flanders, Vương quốc Bỉ tổ chức và ký kết Ý định thư hợp tác giai đoạn 2020-2022 trên cơ sở Hiệp định hữu nghị giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính vùng Flanders, Vương quốc Bỉ được ký vào ngày 23/5/1995. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhân dịp này, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã gửi lời cảm ơn đến Ngài Peter Cabus - Tổng thư ký Bộ Môi trường và phát triển không gian và Ngài Fillip Boelaert - Tổng Thư ký Bộ Giao thông công chính vùng Flanders, Vương quốc Bỉ về những tình cảm hữu nghị tốt đẹp và mối quan hệ hợp tác song phương bền chặt giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ nói chung; Bộ Giao thông công chính vùng Flanders, Vương quốc Bỉ và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam nói riêng trong suốt 46 năm quan hệ ngoại giao giữa quốc gia và 24 năm quan hệ hợp tác giữa hai Bộ.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại buổi ký kết Diễn đàn Thương mại Flanders - Việt Nam được tổ chức với chủ đề "Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và kết cấu hạ tầng tại Việt Nam" cho thấy những hướng đi mới của khả năng hợp tác giữa hai bên trong tương lai không xa. Qua phần trình bày của đại biểu tham dự Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý và các Doanh nghiệp đã chia sẻ những ý kiến, kỳ vọng cũng như một số băn khoăn, trăn trở về việc hợp tác trong các lĩnh vực: môi trường, năng lượng và kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Liên quan đến lĩnh vực Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Vùng Flanders, Bỉ đã ký Hiệp định Hợp tác hữu nghị vào ngày 23/5/1995. Theo đó, hai quốc gia cam kết thực hiện hợp tác trên mọi phương diện nhằm củng cố và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như: quy hoạch, quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển; Đào tạo nguồn nhân lực; An ninh cảng biển; Thi hành công ước quốc tế về hàng hải và Ứng dụng khoa học công nghệ. Trong khuôn khổ Hiệp định này, định kỳ, các Nhóm làm việc hỗn hợp (các thành viên là đại diện của Việt Nam và Vùng Flanders - Vương quốc Bỉ) đã đánh giá hiệu quả của chương trình hợp tác Việt Nam - Vùng Flanders và lập kế hoạch hợp tác cho các năm tiếp theo. Hình thức hợp tác giữa hai bên được thể hiện bằng các Ý định thư. Tính đến nay, đã có 08 Ý định thư được ký kết và đây là Ý định thư hợp tác lần thứ 9, giai đoạn 2020-2022, đánh dấu mối quan hệ hợp tác song phương ngày càng bền chặt giữa hai Bộ. Việc thực hiện Ý định thư nêu trên đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam được giao lưu, học hỏi và hợp tác thông qua các Hội thảo chuyên ngành cũng như cơ hội xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các đối tác nhằm thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực Hàng hải và Đường thủy nội địa.
Ý định thư lần thứ 9 giai đoạn 2020-2022 Việc ký kết Ý định thư lần thứ 9 mở ra nhiều triển vọng trong việc quảng bá các cơ hội đầu tư cũng như tìm kiếm thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, các cơ hội tham quan, học tập cho cán bộ Việt Nam tại vùng Flanders, Vương quốc Bỉ. Tại Lễ ký kết, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự hỗ trợ của Vương quốc Bỉ trong chiến lược phát triển ngành Hàng hải Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa. Người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành Hàng hải của Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng, trong tương lai sự hợp tác này sẽ còn tiến xa hơn nữa. Được biết, 24 năm qua, Chính phủ Vùng Flander đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành Hàng hải và Đường thủy nội địa thông qua việc tài trợ học bổng cho cán bộ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành. Ngoài ra, Chính phủ vùng Flander còn cử các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hàng hải và Đường thủy nội địa sang Việt Nam giúp cán bộ Việt Nam hoàn thiện các chính sách trong quản lý cảng, quản lý logistic cũng như hoạt động vận tải thủy nội địa.
Lãnh đạo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa trong chuyến công tác tại Bỉ Thông tin bên lề, Vương quốc Bỉ là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973) cho đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Vương Quốc Bỉ không ngừng được củng cố và mở rộng. Mặc dù Bỉ không phải là một thị trường lớn đối với Việt Nam tuy nhiên quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu do hàng xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh Cảng Antwerp để sang các nước Tây Âu khác. Thống kê cho thấy, Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu như: giày dép, hàng dệt may, hải sản, cà phê, đồ du lịch. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý cũng là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, tân dược. Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về máy móc thiết bị và phụ tùng. Với 68 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) của Bỉ vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 912,5 triệu USD, hiện nay, Bỉ đang đứng thứ 25/129 quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi. Được biết, Bỉ đầu tư tại Việt Nam một số dự án có vốn trên 10 triệu USD, có thể kể đến như: Dự án Khu Công nghiệp Đình Vũ giai đoạn 1 trị giá 30 triệu USD; Mở rộng Dự án Khu Công nghiệp Cát Hải, dự kiến trị giá 290 triệu USD; Dự án sản xuất sản phầm từ plastic, kim loại và đóng gói sản phẩm nước tại Bắc Ninh (Asia Packaging Industries Vietnam), tổng vốn đầu tư là 24 triệu USD; Dự án sản xuất giấy dính cao cấp tại Bình Thuận (Vinateck) với tổng vốn là 19 triệu USD./. Phòng Hợp tác quốc tế