28/06/2013

Việt Nam chính thức là thành viên của Thỏa thuận kiểm tra nhà nước tại cảng biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TOKYO MOU) từ 01/01/1999. Từ đó đến nay Việt Nam đã nỗ lực hết mình thực thi đầy đủ nghĩa vụ thành viên của Tokyo MOU. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong Danh sách đen của Tokyo MOU về việc tàu biển Việt Nam có t lệ tàu bị lưu giữ cao ở nước ngoài. Điều này làm xấu hình ảnh về đội tàu biển Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong những năm tới, nếu Việt Nam không thoát khỏi Danh sách đen và t lệ lưu giữ tàu không giảm xuống Việt Nam có thể không đủ tư cách là thành viên đầy đủ của Tokyo MOU. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp thực sự quyết liệt để đưa tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014. Ngày 24/10/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BGTVT về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, trong đó giao cho Cục HHVN chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014. Theo thống kê của Đề án do Cục HHVN xây dựng, trong 3 năm (2010-2012), tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài tăng cao. Năm 2010, chính quyền cảng các nước khu vực Tokyo MOU đã kiểm tra 640 lượt tàu biển Việt Nam, lưu giữ 55 lượt tàu, 815 khiếm khuyết các loại được phát hiện trong quá trình kiểm tra với 149 khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ tàu. Năm 2011, kiểm tra 738 lượt tàu biển Việt Nam, lưu giữ 91 lượt tàu, 1432 khiếm khuyết các loại được phát hiện trong quá trình kiểm tra với 284 khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ tàu. Năm 2012, kiểm tra 785 lượt tàu biển Việt Nam, lưu giữ 54 lượt tàu, phát hiện 757 khiếm khuyết các loại trong quá trình kiểm tra với 155 khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ tàu. Những khiếm khuyết lưu giữ thường xuyên được kiểm tra của các tàu biển Việt Nam tập trung vào các khiếm khuyết cơ bản như trang thiết bị cứu sinh, bớm cứu hỏa sự cố, bảo dưỡng tàu, các biện pháp an toàn chống cháy, phương tiện liên lạc, giấy chứng nhận, tài liệu tàu... Nguyên nhân chính dẫn đến tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài là do đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế trong thời gian vừa qua phát triển quá nhanh chóng, ra đời thêm rất nhiều các chủ tàu khai thác tàu tuyến quốc tế, đặc biệt là các chủ tàu tư nhân. Việc thực hiện Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế ISM của chủ tàu và thuyền viên chưa tốt, một bộ phận không nhỏ các chủ tàu này chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác tàu tuyến quốc tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh tế, nhiều chủ tàu, đặc biệt là các chủ tàu nhỏ, chưa có sự quan tâm đầy đủ đến công tác sửa chữa, bảo dưỡng và trang bị cho tàu; công tác bảo dưỡng thường xuyên để duy trì trạng thái kỹ thuật tàu không được thực hiện một cách thỏa đáng. Do đội tàu phát triển quá nhanh, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ sỹ quan và thuyền viên, đặc biệt là sỹ quan và thuyền viên chạy tuyến quốc tế, trong khi các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư kịp thời và phù hợp cả về trang thiết bị và đội ngũ giảng viên… đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới, do đó chất lượng của đội ngũ thuyền viên bị ảnh hưởng. Một bộ phận không nhỏ sỹ quan, thuyền viên chưa thực sự có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tính mẫn cán đáp ứng các yêu cầu công việc trên các tàu chạy tuyến quốc tế. Đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế quá già cũ; tàu đóng tại các cơ sở đóng mới, hoán cải trong nước chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Một nguyên nhân khác, do đội tàu biển Việt Nam nằm trong Danh sách đen của Tokyo MOU, nên đội tàu Việt Nam được ưu tiên kiểm tra ở các cảng quốc gia thành viên Tokyo MOU. Ngày 02/5/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có Quyết định số 1130/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án đưa đội tàu Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014. Theo Đề án mà Bộ GTVT phê duyệt, mục tiêu phấn đấu hết năm 2014, đội tàu biển Việt Nam được đưa ra khỏi “Danh sách đen” của Tokyo MOU về kiểm tra nhà nước cảng biển; đồng thời, duy trì kết quả này ở các năm tiếp theo và hướng tới Danh sách trắng của Tokyo MOU trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, năm 2013, giảm tỷ lệ lưu giữ tàu biển đối với đội tàu biển Việt Nam xuống 6%; năm 2014 giảm tỷ lệ lưu giữ tàu biển đối với đội tàu biển Việt Nam xuống 5,5%. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần phải thực hiệu đầy đủ và nghiêm túc các điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong công tác thiết kế, đóng mới sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng tàu; công tác tự kiểm tra thường xuyên của chủ tàu, công ty quản lý tàu, thuyền viên; công tác giám sát kỹ thuật của đăng kiểm và công tác kiểm tra của các Cảng vụ hàng hải nhằm nâng cao khả năng hoạt động an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của đội tàu biển Việt Nam; chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của thuyền viên (nhất là ngoại ngữ); đổi mới công tác thi, cấp chứng chi chuyên môn sỹ quan thuyền viên đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu của Công ước STCW 78/95 mà Việt Nam là thành viên; chú trọng đầu tư cơ sờ vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đổi mới giáo trình và bổ sung đội ngũ giáo viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc Cục HHVN và Cục Đăng kiểm VN trong công tác kiểm tra và giám sát tàu biển. Giải pháp trong năm 2013 và 2014, các Cảng vụ hàng hải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế theo yêu cầu của Chỉ thị 09. Cục HHVN và Cục Đăng kiểm VN đẩy mạnh việc trao đổi và chia sẻ thông tin về tình trạng kỹ thuật và công tác quản lý đội tàu Việt Nam, thiết lập cơ chế hợp tác cần thiết giữa hai Cục; các Chi cục Đăng kiểm phối hợp chặt chẽ với các Cảng vụ hàng hải trong việc kiểm tra các tàu biển có nguy cơ cao về lưu giữ PSC và có khả năng mất an toàn; cương quyết yêu cầu các tàu liên quan khắc phục triệt để các khiếm khuyết trước khi rời cảng. Cục HHVN thông qua các mối quan hệ ngoại giao của mình, tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các chính quyền hàng hải trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với việc lưu giữ tàu của nhau. Thực tế, trong năm 2012, nhờ đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế thông qua các cuộc trao đổi, hội nghị, hội thảo, tiếp xúc cá nhân với chính quyền hàng hải một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines,… mà tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ bởi các chính quyền thành viên Tokyo MOU đã giảm còn 6,88% - tỷ lệ lưu giữ tàu thấp nhất kể từ khi Việt Nam tham gia Tokyo MOU. Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua các tổ chức phân cấp có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền hàng hải của nước sở tại nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đội tàu biển Việt Nam nâng cao chất lượng an toàn. Đối với các giải pháp dài hạn, Cục HHVN tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật hàng hải, các điều ước quốc tế liên quan đến chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và các cơ sở đào tạo, phổ biến hướng dẫn việc thực hiệu chiến dịch kiểm tra tập trung của Tokyo MOU cho các chủ tàu và sỹ quan kiểm tra tàu biển; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các Cảng vụ hàng hải trong việc thực hiện công tác kiểm tra tàu biển; triển khai các chiến dịch kiểm tra tàu biển tập trung đối với đội tàu biển Việt Nam với nội dung tương ứng với chiến dịch kiểm tra tập trung của Tokyo MOU và Paris MOU và các nội dung khác mà tàu biển Việt Nam còn yếu. Cục Đăng kiểm VN tăng cường công tác đánh giá năng lực các nhà máy đóng tàu; thanh tra, tổng kiểm tra tàu biển chạy tuyến quốc tế sau đóng mới; nâng cao chất lượng công tác giám sát kỹ thuật tàu. Các cơ sở đào tạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng thuyền viên. Đối với chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu thực thi nghiêm túc các quy định của Bộ luật ISM và duy trì tốt hệ thống quản lý an toàn đã xây dựng và được công nhận; có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bổ sung đội ngũ thuyền viên phù hợp với sự tăng trưởng của đội tàu; bố trí sỹ quan boong và máy có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh làm việc trên tàu. Ngay sau khi được Bộ GTVT phê duyệt, Cục HHVN bắt tay vào thực hiện các nội dung mà Đề án yêu cầu. Trong đó có Quyết định ngày 16/5/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Phó Cục trưởng Cục HHVN Đỗ Đức Tiến làm Trưởng ban với những nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các thành viên cũng như lộ trình thực hiện các nhiệm vụ. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp trực tuyến với các Cảng vụ hàng hải trong việc triển khai Đề án. Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của Cục HHVN, đội tàu biển Việt Nam sẽ sớm ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đội tàu Việt Nam trong mắt cộng đồng hàng hải quốc tế.
Thanh tra Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị kiểm tra thủ tục tàu nội địa vận chuyển tuyến quốc tế

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24851945
    • Online: 62