15/01/2014

Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014 mà Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt ngày 02/5/2013 đã được Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) khởi động khẩn trương và quyết liệt với nhiều biện pháp tổng thể và đồng bộ - Đó là nhận định của Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến tại Hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng hải (ATHH) năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 13/12/2013. Thưa ông, nếu phải lựa chọn màu cho bức tranh toàn cảnh trật tự ATHH năm 2013, màu nào là thích hợp hơn cả? Màu hồng chắc là chưa thích hợp cho lắm, bởi trong năm qua trên cả nước (từ 16/12/2012 đến 15/11/2013) vẫn để xảy ra 30 vụ TNHH. So với cùng kỳ năm ngoái, tuy số vụ tai nạn giảm 04 vụ, nhưng số người chết và mất tích lại tăng 03 người (kể cả 09 người chết trong vụ chìm ca-nô biên phòng BP 12.04.02 tại vùng biển Cần Giờ-TP. Hồ Chí Minh). Trong tổng số 30 vụ tai nạn, có 16 vụ xảy ra trong vùng nước cảng biển, 14 vụ xảy ra ngoài biển (có 7 vụ liên quan đến tàu cá); liên quan đến 08 tàu nước ngoài, 14 tàu biển Việt Nam, 01 ca-nô biên phòng, 07 tàu cá, 03 sà lan. Nguyên nhân chính gây ra TNHH là do sỹ quan, thuyền viên của tàu biển cũng như tàu cá chưa thực hiện mẫn cán công tác cảnh giới khi tàu đang hành trình; thực hiện điều động tránh va chưa phù hợp nên đã dẫn tới đâm va; tàu cá khi hoạt động đánh bắt trên biển không thực hiện đúng quy tắc tránh va trên biển về đèn tín hiệu, hành trình và tránh va. Ý thức, trách nhiệm của thuyền viên trong việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc của tàu chưa được coi trọng thích đáng nên thường xảy ra các sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn. Thanh tra Cảng vụ HH Quy Nhơn kiểm tra an toàn cầu cảng Mặc dù các ngành, các cấp đã có sự vào cuộc rất tích cực, nhưng chưa tạo được bước “đột phá” về giảm thiểu tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài. Lý do là gì, thưa ông? Trong năm 2013, chính quyền cảng các nước đã kiểm tra 970 lượt tàu biển Việt Nam, lưu giữ 53 lượt tàu với 650 khiếm khuyết các loại được phát hiện trong quá trình kiểm tra (có 128 khiếm khuyết nghiêm trọng dẫn đến lưu giữ tàu), trong đó các khiếm khuyết lưu giữ chủ yếu liên quan đến trang thiết bị của tàu (78%), và chỉ có 1% liên quan đến an ninh tàu biển. Chỉ tính riêng trong khu vực Tokyo MOU, từ ngày 01/01 đến 15/12/2013 đã có 723 lượt tàu biển Việt Nam được kiểm tra tại các cảng trong khu vực, trong đó 45 lượt tàu (6,21%) bị lưu giữ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, nhưng tựu trung lại có 4 nguyên nhân chính: - Do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp khai thác, quản lý vận tải biển ngày càng khó khăn gấp bội, do đó không có kinh phí để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng tàu theo đúng quy định. Chất lượng kỹ thuật của tàu ngày càng xuống cấp trầm trọng. - Cũng do khó khăn về kinh tế, chế độ lương và đãi ngộ thuyền viên làm việc dưới tàu chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ giao tiếp ngoại ngữ của thuyền viên còn hạn chế. - Việc thực thi Bộ luật quản lý an toàn quốc tế của nhiều chủ tàu còn mang tính đối phó, chưa đi vào thực chất, năng lực quản lý của nhiều chủ tàu không đáp ứng được do quy mô quá nhỏ (nhiều chủ tàu chỉ có 1-2 tàu). - Chất lượng đóng tàu kém; một số tàu có lỗi kỹ thuật do thiết kế hay được châm chước trong quá trình giám sát kiểm tra. Mục tiêu đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014 liệu có khả thi không, thưa ông? Với tỷ lệ tàu bị lưu giữ trong năm 2013 là 6,21%, trong khi tỷ lệ lưu giữ của năm trước là 6,88%, cho phép chúng ta hy vọng sẽ đạt được mục tiêu 6% đề ra trong Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014”. Tuy nhiên, đội tàu biển Việt Nam vẫn là đối tượng kiểm tra được “ưu tiên” tại các cảng của Trung Quốc (các sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển của Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra 163 lượt tàu biển Việt Nam và lưu giữ 39 lượt tàu trong năm qua). Điều này đòi hỏi chúng ta không được phép thỏa mãn, “ngủ quên trên chiến thắng”, mà cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa để đảm bảo giảm được cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn hàng hải, số người chết và bị thương) một cách bền vững. Cụ thể: - Tăng cường công tác kiểm tra các tàu biển ra vào hoạt động trong vùng nước cảng biển, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng đối với những tàu xuất cảng gây ra tai nạn hay bị lưu giữ ở nước ngoài có lỗi liên quan đến cán bộ của Cảng vụ hàng hải; đảm bảo các tàu biển tuân thủ các quy định quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Kiên quyết yêu cầu các tàu khắc phục các khiếm khuyết trước khi rời cảng; không cho các tàu chất hàng quá tải, xếp hàng trên boong không đúng quy trình rời cảng để đảm bảo an toàn cho tàu trong suốt chuyến hành trình; từng bước thiết lập trật tự hoạt động trong vùng nước cảng biển đối với tất cả các phương tiện; việc kiểm tra được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của chủ tàu để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của tàu.Thanh tra Cảng vụ HH Quảng Trị kiểm tra tàu hoạt động tuyến quốc tế trước khi xuất bến - Triển khai thực hiện quyết liệt Đề án đưa đội tàu biển ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt ngày 02/5/2013: Cục HHVN đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và phân công công việc cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong năm 2013 và 2014 để thực hiện xuyên suốt từ Cục xuống các đơn vị trực thuộc; phối hợp cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai Cục trong công tác kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; chỉ đạo các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu và các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện Quyết định 1133/QĐ-BGTVT, ngày 02/5/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT. - Tổng hợp, thống kê và phân tích các khiếm khuyết nghiêm trọng dẫn đến lưu giữ tàu biển Việt Nam; yêu cầu các chủ tàu rà soát, đánh giá và đề ra các biện pháp khắc phục để tránh tàu bị lưu giữ tiếp khi hoạt động ở nước ngoài. Tăng cường kiểm tra và hướng dẫn thuyền viên trên tàu về những nội dung mà PSCO thường hay kiểm tra và lưu giữ tàu. - Tiến hành điều tra đối với những tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài khi tàu về cảng biển Việt Nam để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan; yêu cầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ GTVT đối với tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài. - Tiếp tục hợp tác tốt với các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hong Kong… trong công tác kiểm tra nhà nước cảng biển. Có thể nói đây là giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. - Triển khai Chiến dịch kiểm tra tập trung đối với tàu biển Việt Nam theo chủ đề của Tokyo MOU trong vòng 02 tháng trước khi Tokyo MOU áp dụng Chiến dịch kiểm tra tập trung để phổ biến và hướng dẫn cho các chủ tàu Việt Nam thực hiện Chiến dịch kiểm tra tập trung hàng năm của Tokyo MOU nhằm nâng cao chất lượng an toàn của tàu, góp phần giảm thiểu TNHH và tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. Việc này được áp dụng từ năm 2012, được các chủ tàu đánh giá cao và thực tế chất lượng của đội tàu Việt Nam được nâng lên rõ rệt và số lượt tàu bị lưu giữ cũng giảm đáng kể. Xin cảm ơn Ông! HỒNG MINH (Thực hiện)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21237802
    • Online: 83