28/01/2015

Sáng 28/01, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chỉ thị 09/CT-BGTVT và Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014” đã được Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng tổ chức. Phó Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Hoàng và Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải điều hành Hội nghị. Tham dự họp, tại đầu cầu Hà Nội có đại diện: Vụ PC, Vụ ATGT (Bộ GTVT); đại diện một số phòng tham mưu của Cục HHVN, Cục ĐKVN; đại diện lãnh đạo 5 Cảng vụ Hàng hải (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa) và 5 Chi cục Đăng kiểm tại các địa phương trên. Cùng tham dự họp tại 20 điểm cầu trên cả nước là lãnh đạo các Cảng vụ Hàng hải và Chi cục Đăng kiểm khu vực. Riêng tại đầu cầu Hà Nội và đầu cầu Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh còn có sự tham dự của các chủ tàu có tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.
Theo báo cáo của Cục HHVN, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài và Quyết định số 1133/QĐ-BGTVT ngày 02/5/2013 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014”, Cục HHVN và Cục ĐKVN đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, nhờ đó đội tàu biển Việt Nam từ vị trí là một quốc gia có tỷ lệ tàu lưu giữ cao nhất hàng năm đã có sự cải thiện đáng kể về vị trí trong danh sách (từ vị trí thứ 3 năm 2000 xuống vị trí thứ 14 năm 2013); đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2014 (giai đoạn thực hiện Đề án), vị trí xếp hạng của đội tàu biển Việt Nam đã thực sự có sự chuyển biến rất tích cực với kết quả: năm 2012 có 53 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ qua kiểm tra PSC (tỷ lệ lưu giữ 6,76%), năm 2013 rút xuống còn 47 lượt tàu bị lưu giữ (6,13%) và năm 2014 chỉ còn 26 lượt tàu bị lưu giữ (3,55%). Với kết quả đạt được trong ba năm 2012, 2013, 2014, đội tàu biển Việt Nam đã ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU, bỏ qua danh sách xám và bước thẳng vào danh sách trắng, hoàn thành mục tiêu và Đề án đặt ra. Việc đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen có một ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo rất nhiều thuận lợi cho tàu Việt Nam khi đến cảng nước ngoài, tăng uy tín và vị thế của cộng đồng hàng hải Việt Nam…
Về công tác kiểm tra tàu Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, năm 2012 các Cảng vụ hàng hải kiểm tra 1.476 lượt, năm 2013 kiểm tra 975 lượt và năm 2014 là 924 lượt. Cũng trong khoảng thời gian tương ứng trên, đã có 938 lượt tàu Việt Nam bị chính quyền hàng hải các nước kiểm tra, lưu giữ 53 lượt (năm 2012), 923 lượt bị kiểm tra và bị lưu giữ 47 lượt (năm 2013) và 885 lượt bị kiểm tra và lưu giữ 26 lượt. Tại Hội nghị, Trưởng phòng AT-ANHH Cục HHVN Võ Duy Thắng cho biết, trong số 126 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trong ba năm 2012, 2013, 2014 thì có tới 93 lượt là do chính quyền hàng hải Trung Quốc thực hiện, 11 lượt do chính quyền hàng hải Indonesia thực hiện. Ông Thắng cũng thông báo, Trung Quốc là quốc gia nằm trong nhóm A của IMO, do đó những năm gần đây chính quyền Trung Quốc triển khai mạnh việc tuân thủ các cam kết về an toàn-an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển của IMO, do vậy họ siết chặt kiểm tra tàu biển Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong việc tuân thủ các quy định liên quan. Ông Thắng cũng khuyến cáo các chủ tàu cần có giải pháp hữu hiệu để đối phó với nạn cướp biển. Cũng tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải cung cấp thêm thông tin: tuy tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại khu vực Tokyo MOU giảm liên tục qua các năm, nhưng 3 năm qua số lượt tàu bị lưu giữ ở khu vực Indian MOU hầu như chưa được cải thiện, vẫn ở mức xấp xỉ 14%. Do đó, ông Hải đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các chủ tàu cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này. Ông Hải cũng cho biết, trong năm 2014, không có tàu biển Việt Nam nào bị lưu giữ do vi phạm thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên. Tuy nhiên, trong năm 2015, Chiến dịch kiểm tra tập trung của các chính quyền hàng hải sẽ tập trung kiểm tra sự thành thạo của thuyền viên khi vào không gian kín của tàu. Theo đó, từ 01/01/2015, cứ 2 tháng một lần, các thuyền viên phải được huấn luyện, làm quen khi vào không gian kín của tàu và huấn luyện sơ cứu thuyền viên; với các tàu có tổng dung tích trên 500 GT phải trang bị dụng cụ đo nồng độ khí. Vì vậy, ông Hải lưu ý các chủ tàu hàng tổng hợp phải rà soát lại đội tàu của mình để trang bị dụng cụ đo nồng độ khí; trước khi đưa người vào không gian kín làm việc phải đo nồng độ khí… Để duy trì tình trạng cho đội tàu biển Việt Nam nằm trong danh sách trắng lâu dài và bền vững, Cục ĐKVN đề xuất một số giải pháp cho chủ tàu: tiếp tục thực hiện quyết liệt và thực chất Chỉ thị số 09/CT-BGTVT của Bộ GTVT, quan tâm thỏa đáng đến an toàn của tàu và sinh mạng thuyền viên trên tàu; kết hợp và cương quyết đấu tranh khi PSCO nước ngoài lưu giữ tàu không đúng; cập nhật thường xuyên các quy định, công ước của IMO để tuân thủ triệt để. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại qua quá trình thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGTVT và Đề án. Qua đó, Cục HHVN, Cục ĐKVN phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục nhằm duy trì kết quả một cách lâu dài, bền vững; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ tàu, tạo mối quan hệ đồng thuận giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với chủ tàu, thuyền viên… Sau ý kiến của đại diện Vụ ATGT, Vụ PC (Bộ GTVT) và phần kiến nghị của các Cảng vụ hàng hải, chủ tàu, kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Hoàng biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2014 ngành Hàng hải đã hoàn thành mục tiêu Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014”, mà công đầu thuộc về các chủ tàu và thuyền viên. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ GTVT; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục ĐKVN, các Vụ của Bộ GTVT…) cùng với sự đồng thuận của các chủ tàu, thuyền viên, số lượng tàu Việt Nam bị lưu giữ giảm đáng kể, và thắng lợi bước đầu của đội tàu biển Việt Nam cũng minh chứng rõ là nhiều chủ tàu và thuyền viên Việt Nam đã thực sự quan tâm đến việc bảo đảm an toàn sinh mạng con người trên biển, ở đây là thuyền viên, và hướng tới mục tiêu của Tổ chức Hàng hải quốc tế: “Hành hải an toàn hơn, đại dương trong sạch hơn”. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng lưu ý, để duy trì kết quả bền vững, các chủ tàu và thuyền viên cần tiếp tục quan tâm đến tình trạng an toàn-kỹ thuật của tàu và có biện pháp ứng xử với PSCO nước ngoài. Các cơ quan quản lý vẫn phải duy trì chế độ kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng lưu ý các Cảng vụ hàng hải cần quán triệt quan điểm cho các PSCO là thông qua kiểm tra, giám sát để hỗ trợ chủ tàu chứ không phải lấy thành tích. Công tác phối hợp giữa Cục HHVN và Cục ĐKVN nói chung cũng như giữa các Cảng vụ hàng hải và các Chi cục Đăng kiểm với chủ tàu cần tiếp tục duy trì chặt chẽ…

BÙI MINH

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24908423
    • Online: 86