15/07/2013

Kỳ họp lần thứ 63 của Ủy ban Hợp tác kỹ thuật (TC63) được tổ chức từ ngày 10 – 12/7/2013 tại Trụ sở IMO tại Luân Đôn - Vương quốc Anh do bà Nancy Karigithu (Kenya) chủ trì. Có 72 đoàn thành viên chính thức, 01 đoàn thành viên liên kết quốc gia, 8 tổ chức liên chính phủ và 4 tổ chức phi chính phủ đã tham dự kỳ họp. Cục HHVN đã cử ông Phan Nguyễn Hải Hà – Trưởng Văn phòng IMO Việt Nam tham dự. TC63 bàn về các nội dung chính: Đề xuất chương trình hợp tác kỹ thuật của các cơ quan và tổ chức khác của IMO. Thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật tích hợp bao gồm: Báo cáo tạm thời của năm 2012-2013; Chương trình của năm 2014-2015; Các hoạt động tiếp theo đối với việc thực hiện Đánh giá tác động của năm 2008-2011 và Xem xét và cải cách Chương trình hợp tác kỹ thuật. Vấn đề tài chính của Chương trình Hợp tác kỹ thuật tích hợp bao gồm: Phân bổ kinh phí cho Chương trình Hợp tác kỹ thuật cho năm 2014-2015 và Tài chính bền vững. Mối liên hệ giữa Chương trình hợp tác kỹ thuật tích hợp và Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ bền vững. Quan hệ đối tác vì sự tiến bộ. Chương trình đánh giá tự nguyện các Công ước bắt buộc của IMO (VIMSAS). Vấn đề hội nhập của phụ nữ trong lĩnh vực hàng hải. Các cơ sở đào tạo hàng hải toàn cầu. Việc áp dụng các hướng dẫn của các Uỷ ban chuyên môn của IMO. Thông qua chương trình làm việc của Ủy ban Hợp tác kỹ thuật trong thới gian 2014 – 2017. Bầu cử Chủ tịch và Phó Chủ tịch cho năm 2014. Với nội dung trọng tâm về kế hoạch 2 năm tới, Ủy ban đã nghe, thảo luận, xem xét và phê duyệt Chương trình hợp tác kỹ thuật cho năm 2014 - 2015. Chương trình này bao gồm cả các mục tiêu trung hạn và ưu tiên theo chủ đề, và đưa ra các chương trình cho từng khu vực và cũng như trên toàn cầu, bao gồm cả các mục tiêu, kết quả đầu ra và yêu cầu dự toán kinh phí cho từng chương trình. Liên quan đến Việt Nam có các chương trình sau: 1. Chương trình cho khu vực châu Á: Theo đánh giá của IMO thì: hiện nay, châu Á, với 22 quốc gia thành viên chính thức và 02 thành viên liên kết. Do đây là nguồn cung cấp thuyền viên cho toàn thế giới nên cả 22 quốc gia thành viên đều là thành viên của Công ước STCW. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia thành viên đều chưa tham gia công ước Hongkong, mặc dù châu Á là nơi phá dỡ, tái chế khoảng 90% tàu biển trên thế giới. Do đó, IMO dự kiến đưa ra chương trình ưu tiên triển khai trong năm 2014-2015 như sau: - Các Chương trình hợp tác kỹ thuật sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính quyền hàng hải trong khu vực bằng cách tăng cường năng lực thể chế và nhân lực, và tập trung vào các hoạt động liên quan đến Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt tập trung cho các nước kém phát triển và đảo quốc để phát triển các chính sách hàng hải quốc gia, phê chuẩn và thực hiện các Công ước IMO. - Để đáp ứng các yêu cầu mới đối với việc tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải quốc tế, việc thực hiện các yêu cầu mới của Công ước STCW, việc tăng cường an toàn hàng hải, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và điều tra tai nạn, vận chuyển và xử lý an toàn hàng nguy hiểm, hàng hóa số lượng lớn, cũng như chương trình nâng cao nhận thức về an toàn hoạt động của các bến phà trong nước và các tàu dưới tiêu chuẩn công ước. - Về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường biển: sẽ tập trung hỗ trợ các quốc gia thành viên phê chuẩn, thực hiện và tuân thủ các MARPOL (Phụ lục V), AFS, BWM, Công ước Hồng Kông và Nghị định thư London với mục đích tăng cường sự hợp tác giữa các chính phủ và ngành công nghiệp trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu và xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của ASEAN. Tổng kinh phí cho các chương trình hợp tác kỹ thuật trên khoảng 2.510.000 USD với 18 Hội thảo, tập huấn cấp khu vực và 40 Hội thảo, tập huấn cấp quốc gia. 2. Chương trình toàn cầu: Chương trình toàn cầu nhắm đến mục tiêu hỗ trợ các nước kém phát triển và đảo quốc, Chương trình đánh giá tự nguyện các Công ước bắt buộc của IMO (VIMSAS), biến đổi khí hậu và các Mục tiêu thiên niên kỷ 3: Tăng cường phát triển nguồn tài nguyên biển thông qua các khóa đào tạo, học bổng và các chương trình tư vấn kỹ thuật để đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng hàng hải. Chương trình toàn cầu cho năm 2014-2015 được tập trung cho 8 lĩnh vực sau: - Dịch vụ tư vấn kỹ thuật; - Hỗ trợ nước kém phát triển và đảo quốc về vận chuyển; - Mục tiêu thiên niên kỷ: Tăng cường phát triển nguồn tài nguyên biển; - Xây dựng năng lực và đào tạo; - Quan hệ đối tác và các vấn đề đang nổi lên; - Tăng cường an ninh hàng hải; - Chương trình VIMSAS; và - Giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổng kinh phí cho các chương trình hợp tác kỹ thuật trên khoảng 8.661.000 USD với khoảng 30 Hội thảo, tập huấn cấp khu vực và 15 Hội thảo, tập huấn cấp quốc gia, đồng thời tài trợ 12 học bổng cho Trường WMU, 12 học bổng cho Học viện IMLI, 30 học bổng cho Học viện IMSSEA và 10 học bổng cho Học viện IPER. Trong các giai đoạn trước đây, thông thường hằng năm Việt Nam cũng phối hợp với IMO tổ chức khoảng 1-2 Hội thảo, tập huấn, ít hơn rất nhiều so với khả năng của Chương trình hợp tác kỹ thuật. Theo dự kiến trong giai đoạn 2014-2015, có khoảng 48 Hội thảo, tập huấn cấp khu vực và 55 Hội thảo, tập huấn cấp quốc gia sẽ được triển khai theo chương trình hợp tác kỹ thuật, do đó Việt Nam đã đề xuất Ủy ban Hợp tác kỹ thuật chỉ đạo các cơ quan của mình ủng hộ Việt Nam thông qua các chương trình sau: - 01 Hội thảo cấp quốc gia về Điều tra tai nạn hàng hải; - 01 Hội thảo cấp quốc gia về việc thực hiện Công ước SAR; - 01 Hội thảo cấp khu vực về đánh giá và sát hạch thuyền viên theo STCW; - 01 Hội thảo cấp quốc gia về Hệ thống VTS; - 01 Hội thảo cấp quốc gia về việc phê chuẩn, thực thi MARPOL - phụ lục V; - 01 Đợt chuyên gia IMO sang hỗ trợ việc đánh giá, chuẩn bị cho VIMSAS TC63 cũng đã thống nhất bầu bà Nancy tiếp tục làm chủ và bầu ông Zulkurnain Ayub, Tùy viên hàng hải của Malaysia làm phó chủ tịch các phiên họp của Ủy ban Hợp tác kỹ thuật trong năm 2014. TC63 cũng đã thông qua khoảng ngân sách khoảng 15,5 triệu USD từ Quỹ Hợp tác kỹ thuật để thực hiện các chương trình trong hai năm 2014 - 2015. Ngoài ra, nhân dịp Kỳ họp TC63, Tổng Thư ký IMO cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Đại học Thế giới (WMU).
Chủ tịch TC63 đang điều hành cuộc họpLễ Kỷ niệm 30 năm thành lập WMU

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24905848
    • Online: 795