23/12/2014

Ngày 22/12, tại Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị về phòng, chống cướp biển, trộm cắp có vũ trang đối với tàu biển nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như cung cấp các biện pháp phù hợp phòng chống cướp biển cho các chủ tàu, công ty quản lý, khai thác tàu và thuyền viên trên các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong công tác phòng, chống cướp biển. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng trực tiếp điều hành Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Chống khủng bố A67 – Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và nhiều cơ quan, đơn vị khác có liên quan cùng đại diện của gần 100 chủ tàu, công ty quản lý tàu biển và thuyền viên.

Tại Hội nghị, rất nhiều thông tin về tình hình cướp biển trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng; các hướng dẫn, kinh nghiệm về phòng, chống cướp biển và trộm cắp có vũ trang đã được các cơ quan, đơn vị tham dự trao đổi, thảo luận, chia sẻ.

Vận tải biển chuyển chở hơn 90% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu do đó vận tải biển có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên cùng với sự gia tăng không ngừng về hoạt động vận tải biển thì vấn đề cướp biển, trộm cắp có vũ trang đối với tàu biển hiện đang là một vấn đề nhức nhối toàn cầu. Trên thế giới hiện nay có 3 điểm nóng về nạn cướp biển là vùng biển Đông Nam Á, Tây Phi và vịnh Aden - nơi cướp biển Somalia hoành hành. Ngoài ra còn có một số vụ cướp có vũ trang chống lại tàu biển trong vùng vịnh Guinea. Ở vùng biển Đông Nam Á, ngoài eo biển Malacca, còn có một khu vực được Văn phòng thông tin chống cướp biển quốc tế (có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia) cảnh báo là nơi trú ngụ của những toán cướp biển – đó là cụm đảo Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia. Tình hình đó gây quan ngại sâu sắc cho tất cả các Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân cũng như các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, những vụ tàu chở hàng bị cướp biển tấn công liên tiếp xảy ra trong thời gian qua trên vùng biển Đông Nam Á khiến giới hàng hải trong nước và thế giới lo ngại. Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cho biết, Việt Nam là một quốc gia có đội tàu biển lớn với khoảng hơn 1,700 tàu hoạt động trên các tuyến vận tải biển quốc tế và thực tế là trong thời gian gần đây nhiều tàu biển của Việt Nam đã trở thành mục tiêu tấn công của của cướp biển và trộm cắp có vũ trang: - Ngày 03/10/2014, tàu Sunrise 689 của Công ty Công ty CP Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng bị nhóm cướp biển tấn công, khống chế ngay sau khi tàu rời khỏi luồng cảng biển Singapore. Cướp biển đã phá hủy tất cả thiết bị thông tin liên lạc, lấy đi khoảng 1.500 tấn dầu. Trong số 18 thuyền viên trên tàu có 2 người bị thương. - Gần đây nhất, sáng sớm ngày 07/12/2014, tàu VP Asphalt 2 của Công ty Vận tải hóa dầu VP (Hải Phòng) cũng bị cướp biển tấn công tại vùng biển gần Singapore. 01 thuyền viên của tàu bị cướp biển bắn trọng thương và sau đó đã tử vong tại bệnh viện ở Singapore. Để đối phó với tình hình này, cộng đồng quốc tế đã gia tăng đáng kể phạm vi phối hợp giữa lực lượng hải quân và các lực lượng khác của nhiều quốc gia tuần tra vùng biển Tây Ấn Độ Dương và vịnh Aden để làm công tác hộ tống những chuyến tàu chở hàng viện trợ nhân đạo đến Somalia cũng như để bảo vệ cho những con tàu thương mại dễ bị tấn công. Các nước ASEAN cũng đã có thỏa thuận hợp tác trong việc trao đổi thông tin, tuần tra kiểm soat phòng chống cướp biển tại eo biển Malacca và những vùng có nguy cơ cao khác. Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, là một cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc về hàng hải, cũng đã triển khai một dự án chống cướp biển trên toàn cầu. Giai đoạn 1 của dự án này gồm một số hội thảo và khóa đào tạo tổ chức cho các khu vực, với sự tham gia của đại diện của Chính phủ các nước nằm trong vùng thường xảy ra cướp biển. Giai đoạn 2 của dự án là những đoàn đánh giá của IMO đến làm việc tại các khu vực khác nhau để xem xét, đánh giá hiệu quả của dự án đối với khu vực đó. Mục đích của IMO là thúc đẩy việc xây dựng được những thỏa thuận khu vực về việc triển khai những biện pháp chống cướp biển. Chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn 2 này. Ngoài ra, để hỗ trợ cho các biện pháp chống cướp biển, IMO đã xuất bản các báo cáo về cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu biển. Các báo cáo này do Chính phủ các nước thành viên và các tổ chức quốc tế lập, trong đó nêu rõ tên và mô tả chi tiết các vụ việc tàu biển bị cướp, tấn công, thời gian và địa điểm tấn công, hậu quả của sự tấn công đó về con người, về tàu và hàng hóa cũng như những hành động mà thuyền viên và các cơ quan chính quyền quốc gia ven biển đã triển khai để chống lại hành động cướp biển hay cướp có vũ trang đó. Báo cáo này được xuất bản hàng tháng trên trang web của IMO và hàng năm thì có điểm lại những nét chính. Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng còn cho biết, kế hoạch hành động của IMO cũng nhấn mạnh vào việc cải tiến, nâng cấp những hướng dẫn của IMO đối với các cơ quan quản lý Nhà nước của các quốc gia thành viên, đối với chủ tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu, đồng thời cũng nhắc nhở các bên có liên quan tăng cường tuân thủ những biện pháp phòng ngừa, ứng phó và tự vệ đã khuyến nghị. Ủy ban An toàn hàng hải của IMO (MSC) tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp tự bảo vệ và coi đó là một nhân tố then chốt để phòng, chống cướp biển thành công. Trước tình hình cướp biển ngày càng gia tăng, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đang tiến hành các biện pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống cướp biển: - Rà soát, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan đến An ninh hàng hải trong đó có việc phòng, chống cướp biển, trộm cắp có vũ trang đối với tàu biển; - Ban hành các văn bản hướng dẫn chủ tàu, các công ty quản lý tàu, thuyền viên trong việc tiến hành các biện pháp phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang đối với tàu biển. - Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan như Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, BTL Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng, Cục Chống khủng bố - Bộ Công an, Cục Đăng kiểm Việt Nam để tiến hành các biện pháp trợ giúp chủ tàu, thuyền viên khi bị cướp biển tấn công. - Trong một số vụ cướp biển, ngoài việc liên lạc, phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để đề nghị hỗ trợ, tìm kiếm, cứu nạn tàu biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã cử cán bộ trực tiếp sang các nước bạn để trợ giúp cho chủ tàu, thuyền viên trong việc giải quyết, xử lý vụ việc. Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam cũng đã có một số giải pháp cụ thể để giúp thuyền viên, chủ tàu của Việt Nam trong việc phòng, chống cướp biển. Tuy nhiên cho đến nay có thể các giải pháp này chưa đủ mạnh để ngăn chặn, chấm dứt triệt để nạn cướp biển cho đội tàu biển của chúng ta. Kết thúc Hội nghị, các bên liên quan đều thống nhất vấn đề cướp biển, trộm cắp có vũ trang đối với tàu biển hiện này là hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ cùng nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu biển, góp phần hỗ trợ người đi biển, chủ tàu yên tâm hơn khi tàu hành trình qua những khu vực có nguy cơ cao về cướp biển; giảm tối đa các thiệt hại về người và tài sản khi tàu gặp cướp biển.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :22719947
    • Online: 486