Hàng hải là ngành hội nhập quốc tế rất sớm và ở mức độ cao, do đó từ nhiều năm nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam luôn tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính để thực hiện hiệu quả các mặt hoạt động.
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM khai trương áp dụng biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử
Xây dựng hệ thống thủ tục hành chính hiệu quả
Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, từng bước xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, đồng thời xây dựng hệ thống TTHC trong lĩnh vực hàng hải hiệu quả. Đặc biệt, một trong những bước đi mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ của ngành Hàng hải là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số TTHC của Cục Hàng hải Việt Nam là 95 thủ tục, trong đó 51 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 35 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 9 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (mức độ cao nhất). Cục cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và kết nối với trục liên thông văn bản của Bộ GTVT.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những kết quả tích cực, giúp công tác giải quyết TTHC của Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ hàng hải được công khai, minh bạch, rút gọn thời gian, tạo thuận lợi cho đại lý, chủ tàu và doanh nghiệp vận tải biển trong thực hiện TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Cục.
Đại diện Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong phạm vi chuyên môn nghiệp vụ, Cảng vụ thường xuyên thực hiện 30 TTHC về hoạt động hàng hải. Quy trình làm thủ tục cho tàu ra, vào cảng ở khu vực TP. Hồ Chí Minh ngày càng được cải tiến, rút gọn. Các chủ tàu, chủ hàng có thể làm thủ tục trực tuyến trước khi tàu rời cảng. Quy trình hoàn thiện TTHC, giấy tờ liên quan đều được niêm yết giá công khai tại Cảng vụ và website. Nếu người dân và doanh nghiệp đã nộp các giấy tờ qua thủ tục điện tử thì chỉ mất 10 - 15 phút hoặc thậm chí nhanh hơn, cán bộ Cảng vụ đã hoàn tất cấp phép cho tàu cập hoặc rời cảng. Việc làm thủ tục cho tàu thuyền được Cảng vụ triển khai nghiêm túc 24/24h, đảm bảo giải quyết kịp thời, nhanh chóng và thông suốt.
“Nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn và triển khai đồng bộ giữa các bộ phận, thời gian qua, việc xử lý các TTHC thu được kết quả khả quan, thời gian doanh nghiệp làm thủ tục tại cảng biển TP. Hồ Chí Minh được rút ngắn tối đa, giúp tiết kiệm sức người, sức của, đẩy nhanh thời gian thực hiện so với các TTHC cồng kềnh trước đây, được người dân, doanh nghiệp hoan nghênh và ghi nhận”, đại diện Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19; được các cấp có thẩm quyền, các doanh nghiệp đánh giá cao.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin
Những năm qua, hàng hải luôn được Chính phủ và các cấp chức năng đánh giá là một trong những ngành thực hiện cải cách TTHC sớm nhất và tốt nhất. Với chủ trương chuyển từ quản lý sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhất là sau khi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 được Quốc hội thông qua, Cục Hàng hải Việt Nam luôn nỗ lực rà soát các TTHC, quy định phương thức thực hiện thủ tục điện tử đối với các TTHC.
Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm thủ tục theo phương thức điện tử, Cục đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tàu biển, thuyền viên và đề xuất Bộ GTVT quy định việc liên thông sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu điện tử của các đơn vị liên quan như Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm tra, đối chiếu khi xử lý thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam.
Theo ông Trần Tuấn Hải - Trưởng ban Chiến lược và Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, ngành Hàng hải cần chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tích hợp cơ sở dữ liệu, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng, đặc biệt là phát triển hệ thống quản lý, giám sát hành trình tàu thuyền, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam trên nền tảng công nghệ số để hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, điều tra tai nạn, tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường lĩnh vực hàng hải.
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC để hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết TTHC, bảo đảm không thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ giao thực hiện. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục rà soát các TTHC đã ban hành, kiểm soát chặt chẽ TTHC trong quá trình dự thảo và điều kiện kinh doanh tại các văn bản QPPL để có phương án đề xuất đơn giản hóa hoặc bãi bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; đề xuất Bộ GTVT công bố bãi bỏ hoặc sửa đổi theo quy định.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Cục đã xây dựng chương trình tổ chức kiểm tra việc hiện cải cách TTHC tại các đơn vị trực thuộc; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) để xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC về hàng hải trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia./.
Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải