28/12/2020

Cứu nạn trên đất liền đã khó, nhưng cứu nạn giữa trùng khơi còn khó khăn gấp trăm ngàn lần, đặc biệt trước sóng to, bão lớn. Với hàng triệu ngư dân đã từng được cứu sống, các cán bộ cứu nạn hàng hải thực sự là những “vị thần hộ mệnh” trên biển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang lên tàu SAR 413 và kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Ông Bùi Văn Minh, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải (TKCNHH) tâm sự, do đặc thù công việc nên tất cả anh em đơn vị luôn ứng trực 24/24h để sẵn sàng cứu tàu bị nạn. Mỗi lần nhận được “tin dữ”, trong bất kể mọi điều kiện, toàn bộ anh em lại vượt muôn trùng hải lý để cứu người. Riêng năm 2020, chúng tôi đã cứu được hàng trăm người và hàng chục tàu thuyền gặp nạn trên biển. 

Ăn ở... cùng tử thi

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCNHH khu vực III cho biết: Trung tâm khu vực III phụ trách một vùng biển khá rộng từ Cà Mau, Kiên Giang tới Trường Sa, vì thế, việc điều động tàu cứu nạn nhiều lúc khá khó khăn do phụ trách bờ biển quá dài.

“Trước đây, chúng tôi luôn phải cắt cử anh em trực ngay tại Kiên Giang, mới đây, đã chuyển về cảng An Thới (Phú Quốc), còn riêng tại Trường Sa, hiện luôn có tàu chốt trực 24/24. Cứ 1 tháng, chúng tôi lại cử một đoàn thay nhau trực. Thế nhưng, do địa bàn quản lý rộng, nên mỗi chuyến cứu hộ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tàu nhỏ, chỉ chịu được sóng cấp 7, cấp 8, còn tốc độ cũng chỉ đạt 16 hải lý/giờ, trong khi cứu người như cứu hoả”, ông Cẩm nói.

Kể về những câu chuyện quên mình cứu người trên biển, ông Nguyễn Văn Cẩm chia sẻ: Mới đây nhất là việc cứu hộ tàu Xin Hong, quốc tịch Panama để lại nhiều kỷ niệm vui buồn sâu sắc. Vì dù đã cứu được 11/15 thuyền viên, nhưng đã có 2 ra đi mãi mãi và còn 2 người không tìm thấy xác.

Sự việc xảy ra vào lúc 16 giờ 30 ngày 17/12, Trung tâm Phối hợp TKCNHH Việt Nam nhận được thông tin tàu Xin Hong, quốc tịch Panama gặp nạn, trên tàu có 15 thuyền viên (trong đó,11 thuyền viên Trung Quốc và 4 thuyền viên Việt Nam). Tàu phát tín hiệu lần cuối tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), nhưng sau đó, tàu bất ngờ mất tín hiệu, lúc này, gió Đông Bắc cấp 7-8, sóng cao tới 4-5 mét.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt nam, Trung tâm Phối hợp TKCNHH điều tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực III) tại Vũng Tàu khẩn trương ứng cứu.

“Bất chấp sóng to, gió lớn ngay trong đêm ngày 17/12 chúng tôi vượt biển xuyên đêm, đến đảo Phú Quý thời tiết rất xấu, gió Đông Bắc cấp 7-8, giật cấp 9, sóng cao trên 5 mét. Nhưng bất chấp nguy hiểm, các cán bộ tìm kiếm cứu nạn tàu SAR 413 vật lộn với sóng dữ cứu được 11 người. Tuy nhiên, có 2 người chết và 2 vẫn người mất tích".

"Đến sáng ngày 18/12, tàu SAR 413 đã cứu vớt được 13 thuyền viên của tàu bị nạn. Trong đó, 11 thuyền viên còn sống được đưa lên tàu CSB 6007 để chăm sóc y tế, thi thể 2 thuyền viên được đưa lên tàu SAR 413 để bảo quản. Tuy nhiên, lúc này các xác chết bắt đầu bị phân hủy, bốc mùi trong không gian chật hẹp. Tuy nhiên, đó là những kỷ niệm đáng buồn mà những cán bộ tìm kiếm cứu nạn nhiều lần “sống” trong hoàn cảnh như thế”, ông Cẩm hồi tưởng.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang trao thư khen của IMO cho Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường tàu SAR 413

Khi được hỏi về thành tích Tổ chức Hàng hải thế giới vừa gửi thư khen tàu thuyền trưởng tàu SAR 413, vẫn rất khiêm tốn, ông Nguyễn Văn Cẩm nhỏ nhẹ chia sẻ: Đây cũng là một kỷ niệm khó quên khi chúng tôi giải cứu 11 người đi trên tàu Đại Hải Phát 17 giữa lằn ranh sống chết khi họ bị mắc cạn tại Trà Vinh.

Lúc này thời tiết xấu, gió Đông Bắc cấp 6 giật cấp 7-8, biển động mạnh, sóng cao từ 3-4m nên các tàu cứu hộ không thể tiếp cận tàu bị nạn. Đến ngày tối 20/11, nước tràn vào hầm máy, tàu không còn khả năng điều động cũng như hư hỏng hết phương tiện liên lạc. Quá trình tàu bị chao đảo đã làm một số người đã bị thương. Lúc này, tinh thần các thuyền viên đã hoảng loạn.

Vị thuyền trưởng tàu Đại Hải Phát kể: “Đến chiều tối 20/11, tàu chúng tôi đã bị chìm gần như hoàn toàn, mọi người phải đeo bám trên những giàn đèn. Và tàu chúng tôi liên tục phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Giữa lúc sống chết đó, tàu SAR 413 đã xuất hiện cứu toàn bộ 11 người trên tàu. Đến sáng ngày 21/11, chúng tôi đã về Vũng Tàu an toàn”.

Tuy nhiên, không phải vụ nào cũng may mắn như vậy, nhất là vào mùa biển động, có bão hoặc áp thấp thì việc cứu nạn biển hết sức gian nan. Ông Nguyễn Văn Cẩm cho hay, Trước những cơn thịnh nộ từ biển cả, con người trở nên thật nhỏ bé. Ngay cả những thủy thủ “cứng nghề” nhưng đứng trên tàu còn khó vững.

"Giữa giông bão, những chiếc tàu chỉ nhỏ nhoi như chiếc lá, nhiều trường hợp tìm được thuyền thì tiếp cận cũng không hề dễ, nhiều lúc phải phải đu dây qua tàu bị nạn nguy hiểm vô cùng. Thế nhưng, vượt trên tất cả, chúng tôi luôn cố gắng hết sức, thậm chí trên cả sức mình. Mỗi lần cứu nạn thành công, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản và lâng lâng vô cùng”, ông Cẩm chia sẻ.

“Chiến công” tàu VIETSHIP 01

Một trong những cuộc giải cứu ấn tượng nhất trong năm 2020 của Trung tâm phối hợp TKCNHH Việt Nam đó là giải cứu thành công tàu VIETSHIP 01.

Trao đổi với VietnamFinance, thuyền viên Đặng Văn Nghị (33 tuổi, trú tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) hồi tưởng: Rạng sáng 8/10, do gặp vùng nước xoáy quá mạnh tại Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) nên tàu VIETSHIP 01 - đang làm việc gần bờ bất ngờ bị cuốn trôi ra biển và mắc cạn. Lúc này, trên tàu có thực phẩm, nhưng do bị chìm quá bất ngờ, thuyền viên trên tàu không kịp lấy.

“Lúc này, đang có 10 thuyền viên trên tàu. Mọi người chia nhau bám vào những phần nổi của chiếc tàu như ống khói, mui tàu. Tuy nhiên, có 2 người đã bị sóng đánh rơi xuống biển, nhưng may mắn bơi được vào bờ. Những người còn lại trên tàu vừa vật lộn với sóng dữ, vừa phải động viên nhau là sẽ được sớm có cứu hộ để mọi người có tinh thần chống cự".

“8 anh em chúng tôi hướng mắt từng giây về phía bờ trông ngóng, chờ lực lượng chức năng cứu giúp. Vị trí mà thuyền viên đeo bám luôn bị sóng dập cực mạnh, sóng đánh thành cuộn, nhấc bổng các thuyền viên lên, nếu không bám chắc vào ống khói của tàu là sẽ bị cuốn trôi. Tất cả 8 thuyền viên chúng tôi đều vừa đói, vừa rét và dần kiệt sức”, anh Nghị bàng hoàng kể lại.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đang trao đổi với ông Bùi Văn Minh, Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp TKCNHH về phương án giải cứu tàu VIETSHIP 01

Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin chúng tôi lập tức triển khai các phương án cứu hộ khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Lê Đình Thọ và lãnh đạo Cục hàng hải Việt Nam đã lập tức có mặt phối hợp với bộ đội biên phòng, trung tâm TKCNHH lên phương án giải cứu tàu VIETSHIP 01.

Lúc này, phương án đưa ra là cho 4 ngư dân dày dạn kinh nghiệm đi trên tàu cá, vượt sóng dữ ra tiếp cận tài bị nạn. Tuy nhiên, khi tiếp cận tàu VIETSHIP 01 do sóng to tàu cá bị lật chìm, 3 thuyền viên kịp bám lên tàu còn 1 người bơi được về bờ. Lúc này trên tàu còn 11 người bao gồm 8 thuyền viên và 3 ngư dân, tình hình hết sức căng thẳng.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, anh Trần Văn Khôi và 3 đồng nghiệp tại Trung tâm Phối hợp TKCNHH khu vực II quyết xung phong xin xuống tàu cao su để cứu nạn bất chấp nguy hiểm với chính bản thân mình. Lúc này, sóng và gió rất to, ngay cả lực lượng biên phòng cũng không dám mạo hiểm đưa trực thăng ra ứng cứu.

Chia sẻ với VietnamFinance, anh Trần Văn Khôi cho biết: Lúc đó, trong tôi chỉ có một mục tiêu "cứu người là trên hết", lần đầu tiên tôi cùng với 3 ngư dân đưa được 2 thuyền viên về bờ. Trong lần vượt sóng thứ 2, tôi trực tiếp lái xuồng chuyên dụng cùng 3 đồng nghiệp tiếp tục đi cứu nạn, nhưng không thành công do xuồng bị sóng đánh trùm lên và bị hỏng máy.

"Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục xin ra biển để cứu người, vì chúng tôi là những hy vọng duy nhất đối với các thuyền viên trên tàu, đã 2 ngày qua, tất cả họ đều đói, rét và dần kiệt sức… Với quyết tâm đó, tôi sẵn sàng đổi mạng vì nhiệm vụ cứu người”, anh Khôi chia sẻ.

Ông Bùi Văn Minh kể, “Cuộc chiến giành giật sự sống tiếp tục căng thẳng, đến chập tối ngày 10/10, vì kiệt sức không trụ nổi, một thuyền viên tên C đã nhảy khỏi vị trí ống khói để bơi qua vị trí mũi tàu, nhưng bị sóng đánh, cuốn mất tích.

Tối cùng ngày, trực thăng đã buộc phải huy động tham gia cứu hộ, nhưng vì điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chỉ thả được dây neo và lương thực cho những thuyền viên mắc nạn trên tàu. Sau đó, lực lượng chức năng buộc phải tạm dừng việc cứu hộ.

“Đến sáng nay (11/10), với nỗ lực của đội cứu hộ bằng trực thăng, 6 thuyền viên đang đeo bám trên tàu Vietship 01 đã được cứu hộ, đưa vào bờ an toàn. Ngoài ra, có 2 thuyền viên đã tự bơi vào bờ và được đặc công hải quân tiếp cận đưa vào bờ thành công. Đây thực sự là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi”, ông Minh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau hành động dũng cảm này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư biểu dương, khen ngợi tinh thần dũng cảm, không quản ngại hiểm nguy của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và nhân dân địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi gặp sự cố trên biển.

Vượt trên khó khăn

Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chia sẻ, sự động viên của Thủ tướng là động lực lớn cho toàn bộ cán bộ của ngành giao thông, cục hàng hải và trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, tuy nhiên, việc cứu hộ cứu nạn trên biển còn nhiều gian nạn. Bởi vùng biển nước ta trải dài trên 1 triệu km2 mặt biển, với chiều dài hơn 3.260km bờ biển, vì thế, công tác cứu nạn rất khó khăn.

Ví dụ như tại Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn khu vực I (tại Hải Phòng), thời gian chạy tàu từ Trung tâm ra vịnh Bắc bộ phải mất từ 2 đến 3 giờ, còn nếu tai nạn xảy ra từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế (nơi Trung tâm đảm trách) thì quá xa, phải hết ngày mới ứng cứu kịp.

Hoặc như Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn khu vực III (đặt tại Vũng Tàu), nhưng nếu tai nạn xảy ra tại Kiên Giang, Phú Quốc, cách xa trên 250 hải lý, thì thời gian chạy tàu mất hơn 10 giờ, việc cứu nạn sẽ không kịp thời. Đây thực sự là những “khoảng trống” trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ông Bùi Văn Minh cho biết thêm: Hiện các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Trung tâm có tầm hoạt động hạn chế. Trung tâm chỉ có 7 tàu (trong đó 3 tàu SAR 41 có bán kính 250 hải lý, 4 tàu SAR 27 với bán kính 150 hải lý), mức độ chịu đựng sóng gió nhỏ (SAR 41 dưới cấp 8; SAR 27 dưới cấp 7) và thời gian hoạt động dài ngày trên biển cũng rất hạn chế.

Với chiếc xuồng cao su như chiếc lá nhưng anh Trần Văn Khôi và 3 đồng nghiệp tại Trung tâm Phối hợp TKCNHH khu vực II xung phong xin ra biển cứu người

Tính đến năm 2015, toàn bộ 7 tàu tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm hết khấu hao, vì thế, Thủ tướng đã đồng ý cho phép đóng mới thêm 1 tàu 62 m có thể cứu hộ, cứu nạn ngay trong điều kiện sóng gió cấp 9 (tuy nhiên, dự án vẫn chưa được bố trí vốn). Còn 3 tàu loại 47m vẫn đang trong quá trình đề xuất.

“Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm khá hạn chế, đặc biệt là các nhiệm vụ chi như: sửa chữa tàu tìm kiếm cứu nạn, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần thiếu”, ông Minh chia sẻ.

Thế nhưng, vượt trên những khó khăn từ thực tiễn, những “vị thần hộ mệnh” trên biển luôn sẵn sàng mục tiêu “tàu là nhà, biển cả là quê hương”,  24/24h không quản ngày đêm ứng trực, lắng nghe những tín hiệu cấp cứu từ phía biển khơi. Để ngoài xa kia, hàng ngàn chiếc tàu hàng, tàu cá yên tâm ra khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Một số hình ảnh tìm kiếm cứu nạn:

Nguồn: Tạp chí Nhà đầu tư

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24125677
    • Online: 18