27/10/2022

Ngày 25 đến 27 tháng 10 năm 2022 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tổ chức Hàng hải quốc tế và Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Dự án bảo vệ môi trường biển các nước Đông Nam Á (MEPSEAS). Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng và Tiến sĩ Jose Matheickal - Trưởng Ban Dự án và quan hệ đối tác, Tổ chức Hàng hải quốc tế đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị về phía Việt Nam có đại diện Vụ  Hợp tác quốc tế - Bộ GTVT; các phòng ban thuộc Cục HHVN như: Phòng KHCN&MT, HTQT-IMO, AT-ANHH, VTDVHH, Thanh tra Hàng hải; các Cảng vụ Hàng hải: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu; Trung tâm PH TKCN HHVN; Trường Cao đẳng hàng hải I; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội cảng biển Việt Nam; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;  các doanh nghiệp vận tải biển khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng; một số đơn vị phát triển ứng dụng một số Công ước quốc tế như: Công ty TNHH phát triển công nghệ hàng hải Thảo Linh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Công ty TNHH sơn Thế hệ mới. Về phía nước ngoài có đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo-MoU), Hiệp hội phụ nữ hàng hải ASEAN (WIMA Asia), Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad); Chính quyền cảng và hàng hải Singapore và các đại biểu quốc tế từ 06 quốc gia hưởng lợi từ dự án gồm: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Khu vực Đông Nam Á bao gồm các đường bờ biển rộng lớn và khoảng 30% không gian biển trên thế giới thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, do vậy, các quốc gia trong khu vực ASEAN có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển trong khu vực và thế giới. Các hệ sinh thái biển và ven biển của khu vực này rất dồi dào và có năng suất cao, có tầm quan trọng lớn đối với kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, hoạt động vận tải trên biển đang ngày càng phát triển rộng lớn về quy mô và số lượng đồng nghĩa với những mối nguy hại tới môi trường biển cũng gia tăng theo.

Trong 04 năm qua, các hoạt động trong dự án MEPSEAS đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong việc quản lý và thực thi các Công ước quốc tế của IMO về bảo vệ môi trường biển tại 06 quốc gia tham gia dự án, trong đó có việc triển khai có hiệu quả Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển từ tàu (Công ước MARPOL); Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu (Công ước AFS); Công ước London và Nghị định thư London về phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác; và Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004).

Ngoài pháp luật quốc gia, hoạt động hàng hải của mỗi nước còn bị điều chỉnh bởi các điều ước, thỏa thuận quốc tế, do đó việc ký kết, gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải cũng như vận dụng một cách hợp lý các tập quán, thông lệ hàng hải quốc tế giữ vai trò không kém phần quan trọng trong hoàng thiện pháp luật hàng hải của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam,  Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và một loạt các văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, theo đó các quy định của các Công ước quốc tế cũng được Việt Nam nội luật hóa vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống quản lý hoạt động hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hàng hải hoạt động và tàu thuyền xuất nhập cảnh vào các cảng biển Việt Nam, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải Việt Nam; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở Việt Nam.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã hoàn thiện và trình Bộ Giao thông vận tải hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004), dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng đã nhấn mạnh: “Với những kết quả to lớn thu được từ Dự án MEPSEAS, các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục duy trì động lực để phát triển hệ thống pháp lý quốc gia tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của luật pháp quốc tế và ngày càng theo hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ môi trường biển.”

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó bao gồm cam kết của các quốc gia ASEAN là thành viên dự án trong việc tiếp tục triển khai các công tác nhằm thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các Công ước ưu tiên về môi trường của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Dự án đã đem lại sự hỗ trợ rất lớn trong việc phát triển khung pháp lý cho các quốc gia cũng như xây dựng năng lực kiểm tra quốc gia tàu mang cờ, quốc gia có cảng nhằm bổ trợ cho việc thực thi các Công ước đã lựa chọn.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Phòng Khoa học – Công nghệ và Môi trường.

 

 

 

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24847910
    • Online: 104