Ngày 06/11, Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp cơ sở của Cục Hàng hải Việt Nam do Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng làm Chủ tịch, đã tổ chức Hội nghị đánh giá cấp cơ sở đối với Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2019 "Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất ngành hàng hải đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" - Tiến sĩ Trần Quang Huy - Phó Trưởng phòng Tài chính, Chủ nhiệm Đề tài.
Hội nghị đánh giá cấp cơ sở của Cục Hàng hải Việt Nam Theo Quyết định số 1700/QĐ-CHHVN ngày 30/10/2019 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc thành lập Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp cơ sở đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, danh sách Hội đồng gồm 07 đồng chí, là những chuyên gia, nhà khoa học, am hiểu sâu đối với lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài. Tại Hội nghị đánh giá cấp cơ sở, Chủ tịch Hội đồng và các Ủy viên đã được nghe Tiến sĩ Trần Quang Huy - Chủ nhiệm Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu Đề tài, bao gồm một số nội dung như: Tính cấp thiết của Đề tài; Các phương pháp sử dụng nghiên cứu; Giá trị khoa học và những đóng góp mới của Đề tài và Quá trình nghiên cứu, thực hiện Đề tài. Trên cơ sở đó, Hội đồng khoa học cấp cơ sở đã tổ chức đánh giá về nội dung và chất lượng Đề tài khoa học công nghệ và bỏ phiếu đánh giá kết quả theo quy định, thông qua các nhận xét, góp ý của hai Ủy viên phản biện; ý kiến của các Ủy viên trong Hội đồng và đại diện một số phòng tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam.
TS. Trần Quang Huy - Chủ nhiệm Đề tài trình bày tại Hội đồng Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu cấp cơ sở đối với Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2019 do Tiến sĩ Trần Quang Huy làm Chủ nhiệm. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng đánh giá, kết quả nghiên cứu và các đề xuất, kiến nghị của Đề tài có giá trị thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Hàng hải của Việt Nam. Đồng thời, Đề tài còn gợi mở hoạch định cơ chế chính sách đối với các quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển Việt Nam trong thời gian tới. "Chủ nhiệm Đề tài căn cứ Biên bản của Hội đồng khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện nội dung Đề tài trước khi tổ chức bảo vệ, đánh giá cấp Bộ theo quy định" - Đồng chí Phó Cục trưởng yêu cầu.
Các thành viên Hội đồng Khoa học và công nghệ cơ sở Được biết, việc nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất ngành Hàng hải đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng trong việc hệ thống hóa hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thông qua việc làm rõ cơ sở pháp lý hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; thực trạng nguồn nhân lực, công tác đào tạo, cơ sở vật chất tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển của Việt Nam cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Đề tài đã nêu được các kết quả và chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế. Các giải pháp đề xuất của Đề tài được đánh giá là bám sát các tồn tại, hạn chế; đồng thời, có giá trị gợi mở về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần đáp ứng mục tiêu yêu cầu công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam./.
Văn phòng - Phòng Tài chính