05/05/2011

Có thể nói, vùng biển Hải Phòng đóng vai trò là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng trong giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa các tỉnh phía Bắc với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Xu thế vươn ra biển hiện nay có tác động tích cực đến phát triển kinh tế biển Hải Phòng. Hơn ai hết, toàn thể CBVC Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đều nhận thức được điều đó và quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu là đơn vị đi đầu trong thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng. Cách đây 20 năm, Cảng vụ Hải Phòng (nay là Cảng vụ hàng hải Hải Phòng) được thành lập theo Quyết định số 598/QĐ-TCCB-LĐ ngày 06/4/1991 trên cơ sở tách ra từ Ty Cảng vụ - Hoa tiêu thuộc Cảng Hải Phòng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và vùng nước cảng biển Hải Phòng. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và là một trong bốn Cảng vụ đầu tiên được hình thành tại thời điểm đó. 20 năm qua, với nhiệm vụ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và vùng nước cảng biển Hải Phòng, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng luôn xác định nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển là mục tiêu tiên quyết của đơn vị. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, dù gặp phải không ít những khó khăn song CBVC Cảng vụ hàng hải Hải Phòng vẫn tin tưởng và quyết tâm xây dựng Cảng vụ thực sự trở thành cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại khu vực nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực quản lý, tạo môi trường hàng hải thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các vùng lân cận. Để thực hiện được mục tiêu này, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng luôn đặt nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải, nhằm giảm thiểu các vi phạm và tai nạn hàng hải. Hàng năm, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng hải nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng quản lý và người điều khiển phương tiện trong việc tự giác chấp hành pháp luật hàng hải, do đó số vụ tai nạn hàng hải ngày càng giảm. Cùng với nhiều dự án lớn đã, đang và sẽ triển khai trong khu vực cảng biển Hải Phòng, trọng trách đặt lên vai Cảng vụ hàng hải Hải Phòng ngày càng nặng nề hơn. Để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng được vai trò quản lý trong sự phát triển chung của thời kỳ hội nhập, Cảng vụ hàng hải hải Phòng đã không ngừng củng cố và lớn mạnh. Các trạm quản lý Đình Vũ, Chùa Vẽ, Vật Cách, Phà Rừng, Bạch Long Vĩ lần lượt được hình thành, đáp ứng kịp thời tốc độ tăng trưởng của khu vực. Đầu năm 2006, việc đưa tuyến luồng mới Lạch Huyện - kênh Hà Nam và khu neo đậu chuyển tải tại Lạch Huyện vào khai thác đã mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của khu vực cảng biển Hải Phòng. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã thành lập Đại diện tại Cát Hải nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các phương tiện, các doanh nghiệp hàng hải. Đại diện Cảng vụ tại Cát Hải nằm trong vị trí tiếp giáp với khu quy hoạch Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (chuẩn bị khởi công) đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược trong quản lý Nhà nước của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng. Công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) được Cảng vụ hàng hải Hải Phòng chú trọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn hàng hải và được sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngay từ năm 2002, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng là một trong những Cảng vụ hàng hải tiên phong trong việc phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện làm thủ tục cho tàu thuyền ra vào cảng theo cơ chế “một cửa”, tạo thuận lợi cho các chủ tàu, chủ hàng, đại lý, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Chính nhờ đó mà số lượt tàu đến khu vực cảng biển Hải Phòng tăng cao (chưa kể đến số lượng tàu qua luồng vào, rời các cảng Chinfon, Hoàng Thạch, Điền Công, Phúc Sơn, Lam Thạch...). Năm 2003, có 7.395 lượt tàu với số lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 11,9 triệu tấn, thì đến 2010 số lượng tàu là 15.170 lượt với số lượng hàng hóa thông cảng đạt tới 38,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính theo đúng tinh thần Nghị định số 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hàng hải trong khu vực. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Bộ luật Hàng hải năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hàng hải có liên quan; tham gia xây dựng các quy chế, phương án đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Trong công tác an toàn - an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng luôn quan tâm đúng mức cả ba mặt: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, giám sát hoạt động hàng hải và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cụ thể: Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hàng hải trong vùng nước được duy trì và thực hiện thường xuyên, đặc biệt đối với các hoạt động hàng hải trên những đoạn luồng xung yếu; lập và triển khai kế hoạch PCLB&TKCN với các cơ quan quản lý Nhà nước tại khu vực khi có thiên tai, bão lụt xảy ra; tổ chức kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển; thực hiện khai báo an ninh (qua mạng) đối với 100% tàu biển nước ngoài đến khu vực cảng biển Hải Phòng theo quy định; kiểm tra an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển nước ngoài đến khu vực cảng. Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Đại diện Cảng vụ hàng hải Hải Phòng tại Cát Hải đã chủ động thực hiện việc điều tiết giao thông cho tàu thuyền qua khu vực kênh Hà Nam an toàn, thông qua việc tổ chức chốt trực, giám sát và điều phối tàu thuyền qua kênh Hà Nam, đảm bảo công tác trực 24/24 giờ trong ngày; khai thác có hiệu quả trạm VTS phục vụ cho công tác điều tiết theo dõi tàu thuyền qua lại khu vực luồng Lạch Huyện - kênh Hà Nam - Bạch Đằng. Trong 20 năm trưởng thành của mình, một nhiệm vụ khác cũng được Cảng vụ hàng hải Hải Phòng hết sức chú trọng là ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác quản lý điều hành. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã chủ động tham gia xây dựng và phát động nhiều phong trào thi đua đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực công tác và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong công tác nghiên cứu khoa học, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã bảo vệ thành công Đề tài cấp Thành phố về “Ứng cứu sự cố tràn dầu tại khu vực cảng sông, biển Hải Phòng”; Đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu xác định vùng thải nước dằn tàu cho khu vực cảng biển Hải Phòng - Quảng Ninh” và hiện đang triển khai Đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu xây dựng mô hình, cơ chế phối hợp phòng chống và ứng phó sự cố cháy nổ đối với tàu thuyền hoạt động trong khu vực cảng biển Việt Nam, ứng dụng thí điểm tại khu vực cảng biển Hải Phòng”. Cảng vụ đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác CCTTHC, tuyên truyền phổ biến pháp luật và theo dõi giám sát hoạt động hàng hải; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tập trung nghiên cứu và ứng dụng CNTT nhằm từng bước thực hiện việc khai báo điện tử như Đề án cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển theo quy định tại Nghị định 160/2003/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải, sau đó là Nghị định số 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; triển khai hiện Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế năm 1965 (FAL 65) và các văn bản liên quan khác. Một trong những thành công nữa của việc ứng dụng CNTT của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đó là hoàn thành Website riêng nhằm tuyên truyền phổ biến các văn bản, các quy định, thông báo hàng hải, hướng dẫn hành hải an toàn… kịp thời, hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn, sự cố hàng hải. Nhận thức rõ khả năng và tính ưu việt của các thiết bị hỗ trợ trong quản lý điều hành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và theo kịp với sự phát triển của kinh tế biển và dịch vụ hàng hải, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã triển khai lắp đặt và vận hành có hiệu quả các hệ thống trợ giúp giám sát hoạt động hàng hải trong khu vực quản lý như hệ thống nhận dạng tự động AIS tại trụ sở Cảng vụ và tại Đại diện Cảng vụ tại Cát Hải nhằm tăng cường quản lý an toàn hàng hải, đặc biệt là quản lý an toàn trong luồng hẹp, khu vực có mật độ tàu, thuyền ra vào, neo đậu lớn; lắp đặt trạm VTS tại Đại diện Cảng vụ tại Cát Hải năm 2009. Qua đó, nâng cao năng lực trong công tác quản lý lưu thông hàng hải, an toàn hàng hải cũng như công tác quản lý tàu thuyền ra vào cảng biển, đồng thời phục vụ tốt hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Cảng vụ. Năm 2010 là một năm với nhiều dấu ấn đối với Cảng vụ hàng hải Hải Phòng. Đó là việc hướng dẫn các bước chuẩn bị cho kế hoạch di chuyển kho nổi chứa xuất dầu FSO5 có trọng tải 150.000 DWT từ cầu cảng của Tổng công ty CNTT Nam Triệu đến mỏ Bạch Hổ - Vũng Tàu. Mặc dù, việc lai kéo kho nổi FSO5 gặp rất nhiều khó khăn do luồng cảng biển Hải Phòng nông và hẹp so với kích thước, trọng tải của kho nổi FSO5 quá lớn, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo và Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan trong việc lai kéo kho nổi đảm bảo an toàn vào cuối tháng 4/2010. Tiếp đó, ngày 19/7/2010, bằng các biện pháp kỹ thuật, tàu Vinashin Orient đã được kéo ra khỏi gầm cầu Bính, đưa về vị trí an toàn tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng. Đây là tàu cuối cùng trong số 3 tàu bị bão số 1 làm đứt neo, trôi dạt mắc kẹt dưới gầm cầu Bính từ đêm 17/7/2010. Để đưa được những con tàu ra khỏi gầm cầu Bính, ngay sau khi sự việc xảy ra, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã huy động các lực lượng kịp thời ứng phó ngay trong đêm mưa bão. Suốt quá trình kéo tàu Vinashin Orient ra khỏi gầm cầu Bính, công tác điều tiết hướng dẫn giao thông thủy qua cầu Bính được Cảng vụ hàng hải Hải Phòng phối hợp với CSGT thủy và các lực lượng chức năng bảo đảm an toàn tuyệt đối. Với thành tích trên, Lãnh đạo, CBVC Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã được Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng biểu dương và tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong việc cứu hộ 03 tàu gặp nạn trong cơn bão số 1 ra khỏi cầu Bính an toàn, đảm bảo việc giải phóng thông luồng giao thông đường thủy trên sông Cấm. Trong tương lai không xa, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT sẽ trở thành hiện thực. Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030; Quyết định số 501/QĐ-BGTVT ngày 29/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2020 định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3793/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2008 của Bộ giao thông Vận tải về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Theo đó, khu vực cảng biển Hải Phòng trong những năm tới sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô hệ thống cảng biển bao gồm: Các cầu, bến cảng đang trong quá trình xây dựng tại khu công nghiệp Đình Vũ ; các cầu, bến cảng container, bách hóa, xăng dầu tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Đặc biệt, là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự kiến được khởi công vào năm 2011 với chiều dài bến số 1, 2 (giai đoạn khởi động) là 750 m, luồng tàu có chiều rộng là 160 m, với độ sâu thiết kế là -14m phù hợp cho tàu có trọng tải 50.000 DWT đủ tải và 100.000 DWT giảm tải ra, vào làm hàng; giai đoạn tiếp theo đến 2020 sẽ xây dựng với quy mô 11 bến có tổng chiều dài là 2.700 m đáp ứng thông qua lượng hàng là 26 triệu tấn/năm. Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ CBVC trong suốt 20 năm qua, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III năm 2009 và nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND thành phố Hải Phòng, Cục HHVN và các tổ chức đoàn thể tặng bằng khen, cờ thi đua… Hai mươi năm, một chặng đường đủ dài để Cảng vụ hàng hải Hải Phòng từng bước xây dựng và khẳng định vai trò của một Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và vùng nước cảng biển Hải Phòng. Tiếp đây, một chặng đường mới dù sẽ còn những khó khăn, nhưng cũng sẽ có nhiều thuận lợi mở ra đối với Cảng vụ hàng hải Hải Phòng. Chúc cho Cảng vụ hàng hải Hải Phòng lập thêm nhiều thành tích trong những năm tiếp theo, phấn đấu là ngọn cờ đầu trong khối Cảng vụ hàng hải.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21262640
    • Online: 225