CẢNG VỤ HÀNG HẢI HÀ TĨNH 11 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH VƯƠNG BÌNH MINH Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Năm 2000 trước thực tế phát triển của kinh tế hàng hải Hà Tĩnh và yêu cầu về quản lý chuyên ngành hàng hải trong khu vực, Cục trưởng Cục HHVN đã ra Quyết định số 462/2000/QĐ-CHHVN ngày 13/12/2000 thành lập Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại các cảng biển và khu vực hàng hải thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Kể từ đó đến nay, ngày 13/12 hàng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh. Trải qua chặng đường 11 năm hoạt động, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã gặp nhiều khó khăn. Buổi đầu mới thành lập trong bối cảnh thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất, nhận thức của đại bộ phận nhân dân về vai trò của kinh tế hàng hải còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật hàng hải chưa cao, địa bàn quản lý rộng lớn, các cảng nằm phân tán, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục HHVN, các cấp Đảng bộ, chính quyền ở địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hàng hải trong khu vực và nhờ sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi và phát huy truyền thống của ngành hàng hải vượt mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trong 11 năm qua Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội của địa phương cũng như khu vực. 11 năm qua, hoạt động các cảng biển khu vực Hà Tĩnh đã đón hơn 7000 lượt tàu đến và rời cảng, với khối lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 7 triệu tấn. Thu phí, lệ phí hàng hải đạt gần 50 tỷ VND. Khối lượng hàng hóa thông qua năm 2011 dự kiến đạt 1,4 triệu tấn gấp 25 lần so với năm 2001, gấp 4,5 lần so với năm 2005. Với vai trò là cơ quan chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã cùng với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính của nhà nước tại cảng biển theo qui định của pháp luật. Do đó, thời gian giải quyết thủ tục cho các tàu vào và rời cảng được tiến hành rất nhanh chóng tại một địa điểm làm thủ tục thống nhất là Văn phòng của Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã tạo nhiều thuận lợi cho các chủ tàu và chủ hàng. Hiện tại thời gian làm thủ tục cho tàu đã rút ngắn đáng kể: tàu hoạt động nội địa thời gian làm thủ tục một lượt chỉ mất 30 phút; tàu xuất nhập cảnh thủ tục một lượt mất khoảng 40 phút. Công tác kiểm tra hoạt động của các cảng được tiến hành độc lập, không phụ thuộc nhưng đều thống nhất chung một quan điểm không gây phiền hà cho tàu thuyền, không làm ảnh hưởng và cản trở đến sản xuất, hạn chế đến mức tối đa việc lên tàu kiểm tra, giám sát. Hàng quý, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng để kiểm tra an toàn các bến cảng, khuyến nghị và yêu cầu đơn vị khai thác cảng chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Công tác pháp chế, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường luôn là nhiệm vụ trong tâm của đơn vị. Trong 11 năm qua, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng và nhiều chương trình phát triển kinh tế hàng hải như: Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005, các nghị định quản lý cảng biển và luồng hàng hải, chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời trên cơ sở qui định của pháp luật và điều kiện thực tế tại khu vực quản lý, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã ban hành Nội qui cảng biển khu vực Hà Tĩnh để các bên có liên quan thực hiện một cách đầy đủ, thuận lợi. Cảng vụ cũng đã chủ động xây dựng chương trình thử nghiệm cho tàu có trọng tại lớn đến 45.000DWT cập, rời cảng vào ban đêm kể từ đầu năm 2009, từ đó tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các bên có liên quan. Cảng vụ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế hàng hải và pháp luật hàng hải cho các cán bộ, tàu thuyền, bà con ngư dân trong khu vực. Bên cạnh đó hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho các nhà đầu tư về cảng biển vào khu vực Hà Tĩnh. Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005, các Nghị định của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, các qui định về phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển, các qui định về TKCN, các công ước và bộ luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên như FAL65, Bộ luật ISM, Bộ luật ISPS... được Cảng vụ phổ biến đến từng đơn vị liên quan. Với mục tiêu nâng cao an toàn an ninh cảng biển, Cảng vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các tàu biển Việt Nam hoạt động tại các cảng biển khu vực Hà Tĩnh về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Yêu cầu tàu và chủ tàu khắc phục các khiếm khuyết trước khi tàu rời Cảng, bắt buộc các chủ tàu phải trang bị đầy đủ các thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi hoạt động trên biển. Phối hợp thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước cảng biển đối với các tàu nước ngoài. Cho đến nay, tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế rời các cảng biển thuộc khu vực Hà Tĩnh chưa có trường hợp nào bị lưu giữ ở nước ngoài. Ngoài ra, công tác kiểm tra về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải trong khu vực hoàn thiện về cơ sở vật chất, thủ tục pháp lý được thực hiện thường xuyên. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn và tạo đà vững chắc cho quá trình phát triển dịch vụ hàng hải trong khu vực. Nằm trong khu vực thời tiết bất thường, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nên công tác PCLB&TKCN hàng hải luôn luôn được Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh quan tâm. Hàng năm kế hoạch PCLB-TKCN được xây dựng một cách chi tiết và cụ thể. Ban PCBL cơ quan và các tiểu ban PCBL tại các cảng được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Toàn bộ thành viên các ban và tiểu ban PCBL nắm chắc các quy định và phương án PCBL-TKCN. Thực tập và diễn tập các tình huống PCBL theo phương án đã được phê duyệt. Đồng thời đã xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị có liên quan như Bộ đội Biên Phòng, Doanh nghiệp cảng, Cảnh Sát biển, Đồn Công an Vũng Áng... để thực hiện công tác PCLB-TKCN và bảo vệ an ninh khi có bão ảnh hưởng đến khu vực. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, Hải đội Cảnh sát biển 102, các doanh nghiệp có liên quan thường xuyên rà soát, thống kê các phương tiện có thể tham gia công tác PCLB-TKCN trên địa bàn. Ngoài ra Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm PHTKCN hàng hải Việt Nam, trung tâm PHTKCN HH I để đưa các tàu cứu nạn chuyên dùng vào thực địa và chốt chặn tại khu vực để phục vụ công tác TKCN. Quan trọng nhất là Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền thường xuyên và định kỳ đến các tàu thuyền, bà con ngư dân các kiến thức, qui định của pháp luật về PCLB&TKCN nên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao ý thức PCLB-TKCN từ đó hạn chế tổn thất do bão lụt gây ra. Điển hình là các hội nghị tuyên truyền tại Xuân Phổ - Nghi Xuân, Cửa Sót - Thạch Hà, Sơn Dương Vũng Áng - Kỳ Anh, các hội nghị đã tuyên truyền phổ biến đến hơn 1000 hộ đánh bắt thuỷ hải sản trong khu vực. Với những nỗ lực ấy, thời gian qua, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã hạn chế được tổn thất hàng tỷ đồng cho nhà nước. Đặc biệt là các vụ việc điển hình như: Cứu nạn thành công 8 thuyền viên trên tàu Phú Hưng 16 bị nạn do bão số 7 năm 2008, 20 thuyền trên tàu VINASHIN INCO 27 bị nạn do ảnh hưởng của bão số 9 năm 2009, 08 thuyền viên trên tàu cá ĐN 90538 bị nạn do bão số 6 năm 2011... Công tác khắc phục hậu quả được triển khai hết sức nhanh chóng, kịp thời với các bên có liên quan nên đã giúp các doanh nghiệp sớm ổn định tình hình sản xuất. Ngoài nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh còn được Cục HHVN giao quản lý cơ sở hạ tầng cảng Vũng Áng theo quyết định số 41/QĐ-CHHVN ngày 05/02/2001. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng cảng Vũng Áng, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã tham mưu nhiều ý kiến quan trọng về xây dựng cơ chế cho thuê cơ sở hạ tầng, ý kiến về nâng cấp cầu cảng số 1 từ chỗ chỉ tiếp nhận tàu 15.000DWT lên khả năng tiếp nhận tàu đến 45.000DWT, đầu tư xây dựng cầu cảng số 2 đã giải quyết được vấn đề quá tải của cảng biển và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong khu vực. Đến nay cơ sở hạ tầng bến số 1, số 2 cảng Vũng Áng đã được bàn giao cho Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh theo chủ trương của Nhà nước. Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng qui hoạch phát triển tổng thể, chi tiết các cảng biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời giám sát việc thực hiện qui hoạch đã được phê duyệt đúng qui định. Trong vấn đề khai thác cơ sở hạ tầng cảng Vũng Áng, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã cùng với các bên có liên quan thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước cho nước bạn Lào trong việc sử dụng cảng Vũng Áng. Ngoài ra, trong 11 năm Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã và đang giám sát việc thực hiện qui hoạch và an toàn hàng hải nhiều dự án đầu tư xây dựng cảng biển trong khu vực như: dự án xây dựng cầu cảng số 2 cảng Vũng Áng, Dự án xây dựng cầu cảng Xăng dầu Vũng Đình Chùa, Dự án xây dựng cảng nhập than cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Dự án nạo vét luồng và vũng quay tàu của khu bến cảng Sơn Dương... Thực hiện nhiệm vụ thu các loại phí và lệ phí hàng hải mà nhà nước giao cho. Hàng năm Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh đã lập và thực hiện dự toán thu đúng qui định. Đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời để nộp vào ngân sách Nhà nước. Tổng nguồn thu phí lệ phí hàng hải trong 11 năm qua đơn vị đã thực hiện đạt gần 50 tỷ đồng. Đối với công tác chi đơn vị đã thực hiện tốt chế độ chi theo quy định hiện hành, không để xảy ra tình trạng mất cân đối về chi, đảm bảo chi tiết kiệm để nâng cao đời sống cho CBVC. Các định mức chi được công khai dân chủ thông qua Qui chế chi tiêu nội bộ do CBVC đơn vị thông qua hàng năm. Đời sống của cán bộ viên chức được duy trì, cải thiện năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được những kết quả trên, một phần là do Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh luôn quan tâm đến vấn đề nhân lực. Công tác đào tạo, đào tạo lại được đơn vị đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua đơn vị đã cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch đào tạo cho các cán bộ viên chức và người lao động theo các tiêu chuẩn của Nhà nước và cơ quan đặt ra đồng thời nâng cao trình độ đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Song song với đó các hoạt động đoàn thể của Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động một cách có hiệu quả nâng cao sự đoàn kết thống nhất lãnh đạo trong đơn vị. Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm. Ngoài sự phối hợp quản lý chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ nhằm tăng cường tình đoàn kết gắn bó, tạo mối quan hệ mật thiết và hiểu biết nhau hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Một thời kỳ mới đang mở ra, khi mà các dự án trong khu kinh tế Vũng Áng đang được đẩy mạnh triển khai xây dựng như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Vũng Áng 2; Dự án khu liên hợp thép và Cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa Đài Loan... Trong tương lai gần những dự án này đi vào hoạt động, Khu kinh tế Vũng Áng trở thành một khu kinh tế sôi động và cảng Sơn Dương Vũng Áng trở thành một trong những thương cảng lớn của cả nước với hàng nghìn lượt tàu và hàng chục triệu tấn hàng hoá thông qua mỗi năm. Sự phát triển đó là một cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực. Để công tác quản lý đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho sự phát triển đó, nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả đang được Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh triển khai thực hiện. Ngày mai đang thực sự bắt đầu từ những chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ hôm nay.