31/01/2020

Nếu dự án cảng nước sâu Trần Đề được phê duyệt và triển khai sẽ mang lại hiệu quả cao tạo đột phá cho Sóc Trăng nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Cửa biển Mỹ Thanh vị trí giáp ranh giữa huyện Trần Đề với TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng, dự kiến sẽ là khu vực xây dựng cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai

Vị trí thuận lợi để hình thành cảng biển nước sâu

Theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, Sóc Trăng có vị trí thuận lợi để phát triển cảng biển tại cửa biển Trần Đề, do tại khu vực này có đê cát đồng dạng với đê cát tại vịnh Vân Phong và Cam Ranh, có cùng phương vị 330 độ; luồng tự nhiên tại cửa Trần Đề đồng dạng với luồng vào vịnh Gành Ráy... Còn theo số liệu hải đồ biển tỷ lệ 1:75.000, cửa Trần Đề, cửa Mỹ Thanh cho thấy, cách bờ trung bình khoảng 15km độ sâu nhỏ (từ 0m đến -5m), từ độ sâu -5m đến -10m khoảng 1,2km - 2km và đến độ sâu 20m khoảng 2,2 - 3km. Đây được xem là khu vực thuận lợi (cách bờ khoảng từ 15 - 20km) cho việc xây dựng cảng biển nước sâu.

Ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết, giai đoạn 2013 - 2017, tổng lượng hàng của ĐBSCL đạt mức tăng trưởng 26%. ĐBSCL có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, nhưng năng suất vận chuyển của vùng còn kém, chủ yếu bằng phương tiện thủy nội địa và đường bộ. Bởi hệ thống cảng chủ yếu ở trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 12/2017, 08 tỉnh khu vực ĐBSCL (gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh) có 21 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3.621ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 62%, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 8,6 triệu tấn; đến năm 2030 đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với khối lượng hàng luân chuyển là 23,2 triệu tấn.

Việc hình thành cảng biển nước sâu sẽ là vùng hấp dẫn cho 08 tỉnh này, sẽ tác động, thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau khoảng 10 - 11,2 triệu tấn, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEU/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực ĐBSCL.

Ông Thống cho rằng: "Từ các cảng biển hiện hữu trong nhóm 6, hàng trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực ĐBSCL, đặc biệt là Long Phú và sông Hậu, hàng trung chuyển cho Campuchia, hàng dịch vụ dầu khí vịnh Thái Lan, gia tăng lượng hàng từ các khu công nghiệp, xuất khẩu nông sản, thu hút hãng tàu, thúc đẩy hàng hóa thông qua cảng biển nhóm 6, tác động đến các chiến lược, quy hoạch kết cấu hạ tầng GTVT kết nối từ ĐBSCL đến TP HCM...".

Một lợi thế khác của tỉnh Sóc Trăng, tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh này đến năm 2020. Trong đó, về lĩnh vực kết cấu hạ tầng phân cảng có định hướng: Nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL tại cửa sông Hậu.

Tạo đột phá cho vùng ĐBSCL

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ vị trí xây dựng cảng Trần Đề sẽ kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ của vùng nối liền các tỉnh, thành trong khu vực với các tỉnh, thành trong cả nước thông qua QL1, QL Nam Sông Hậu (kết nối các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau với Hậu Giang, TP Cần Thơ, TP HCM và với cả nước); QL60 (bao gồm cầu Đại Ngãi chuẩn bị được triển khai) nối các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Hậu Giang, Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Đồng thời, giao thông thủy, thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt, đặc biệt là tuyến sông Hậu thông ra biển Đông, nên cự ly vận chuyển hàng từ 8 tỉnh đến cảng Trần Đề rất gần so với việc vận chuyển hàng đến các cảng nhóm 5.

Theo ông Nghiệp, về mặt thủ tục, đến giờ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT tích hợp vào quy hoạch chung, tỉnh tiếp tục đề nghị sớm đưa vào quy hoạch trong năm 2020 để triển khai thực hiện. Ông Nghiệp nhận định, khi cảng biển Trần Đề được hình thành sẽ có tác dụng rất lớn cho vùng ĐBSCL. Hiện nay, cũng đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm để tham gia vào dự án này, nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ cảng biển này đưa vào quy hoạch thì sẽ tiến hành các bước đầu tư ngay. "Khi phát triển cảng biển Trần Đề sẽ tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ, logistics, hạ tầng... các nhà đầu tư sẽ tham gia rất nhiều', ông Nghiệp cho hay.

Nói về việc GPMB cho dự án cảng nước sâu Trần Đề khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, ông Nghiệp cho biết, khu cửa biển Trần Đề cơ bản là đất của Nhà nước quản lý. Đây là bãi bồi, bắc cầu cảng dẫn ra khu vực nước sâu khoảng 12-15km, người dân ở đây cũng thưa thớt. "Công việc hiện nay của tỉnh là hạn chế tối đa việc xáo trộn đất đai khu vực này, đất của Nhà nước phải được quản lý chặt, không để lấn chiếm, không để bị xâm phạm, đất của dân thì giữ nguyên hiện trạng, hạn chế tối đa việc cho chuyển mục đích sử dụng đất, gây xáo trộn hiện trạng", ông Nghiệp cho hay.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Sóc Trăng đầu tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT xem cảng Trần Đề là cảng đặc biệt quan trọng, không chỉ riêng của tỉnh Sóc Trăng mà của cả khu vực ĐBSCL. Bộ cũng rất quyết tâm và đã chỉ đạo Cục Hàng hải VN thuê tư vấn để nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường chiến lược báo cáo Bộ GTVT và Bộ sẽ trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng rằng, khi Chính phủ phê duyệt dự án, chắc chắn có nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Dự án này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao và có thể tạo đột phá cho Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung./.

Nguồn: Báo Giao thông

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24920549
    • Online: 100