04/07/2024

Sáng nay (03/7), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì “Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024”.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Danh Huy; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ.

“Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024” của Bộ GTVT được tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm chính tại trụ sở Bộ GTVT tới hơn 40 điểm cầu trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị đã nghe Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng trình bày Báo cáo đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Tiếp đó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Minh Hiền trình bày Báo cáo đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực GTVT, đẩy mạnh phân cấp, phần quyền, tập trung hoàn thiện các văn bản dưới luật ngay sau khi có hiệu lực 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Lãnh đạo Vụ Vận tải cũng sẽ trình bày Báo cáo đánh giá công tác quản lý hoạt động vận tải, dịch vụ vận tải, quản lý giá vé, phát triển dịch vụ Logistics, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.

Tiếp đó, Hội nghị nghe và cho ý kiến vào các báo cáo do lãnh đạo các cơ quan trình bày: Báo cáo công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; Báo cáo đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 và Báo cáo công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Ngành GTVT chỉ bàn làm, không bàn lùi

Theo Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ GTVT bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân dân, cử tri và dư luận báo chí, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao với tinh thần quyết tâm cao nhất, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Qua đó, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

“Một trong những kết quả nổi bật nhất của Bộ GTVT trong 6 tháng đầu năm là công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng khẳn định.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ, phát huy ý chí “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước”, lãnh đạo Bộ GTVT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, yêu cầu huy động tối đa nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.

Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, công điện gửi các địa phương, các chủ thể tham gia dự án thúc đẩy công tác GPMB, bảo đảm nguồn cung vật liệu; đồng thời, thường xuyên theo dõi, báo cáo, đề xuất kịp thời nhiều giải pháp tăng cường cung ứng nguồn vật liệu cát đắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, trong đó có 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau trong năm 2025”, Chánh Văn phòng Bộ thông tin đồng thời khẳng định, tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng.

Theo đó, về đường bộ, một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng; đã lựa chọn được nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm cả 5 lĩnh vực

 6 tháng đầu năm, toàn ngành đưa 4 dự án đã hoàn thành vào khai thác, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/6 đã kịp thời đưa vào khai thác 19 km còn lại đoạn từ QL46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến TP. Vinh và từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000 km.

6 dự án đường sắt giai đoạn 2021 – 2025 đã duyệt dự án và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với 1 dự án ODA và 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022, 2 dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.

Bộ GTVT cũng đã giao Ban QLDA Đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt: Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Vành đai phía Đông Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, giao nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vũng Áng - Mụ Giạ.

Về hàng không, gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công vượt tiến độ so với hợp đồng, dự án T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, các dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải và dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa thi công đảm bảo tiến độ. Đồng thời đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn và dự án phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam.

“Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, định kỳ, Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời các giải pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nguồn cung vật liệu các dự án”, Chánh Văn phòng Bộ thông tin tại Hội nghị.

Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh Nghị quyết số 273 về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Cùng với đó, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng KHCTGT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tích cực phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc do các địa phương là cơ quan chủ quản.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công, quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

“Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn 61,9 ngàn tỷ đồng, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng khẳng định đồng thời cho biết thêm, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch vốn qua 3 đợt, đã duyệt quyết toán 13/42 dự án với tổng giá trị là 6.275 tỷ đồng. Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao.

Xếp thứ Nhất về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số

Đây là thông tin được Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng báo cáo tại Hội nghị, đồng thời cho biết trong 06 tháng đầu năm 2024, trên cơ sở các kế hoạch xây dựng CPĐT, CĐS của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chỉ tiêu và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao về xây dựng CPĐT, CĐS. Theo kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2023, Bộ Giao thông vận tải xếp thứ Nhất về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong số các bộ, cơ quan ngang bộ.

Giám đốc Trung tâm CNTT cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 06 chỉ tiêu và 15 nhiệm vụ về xây dựng CPĐT, CĐS; đến hết ngày 30/6/2024, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 06/06 chỉ tiêu và 11/15 nhiệm vụ.

Nói rõ về kết quả này, Giám đốc TTCNTT cho biết, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện duy trì cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 82,6% so với tổng số TTHC) trên Cổng Dịch vụ công của Bộ và 308 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ quan Bộ và các Cục trực thuộc (tỷ lệ 100% theo kế hoạch) trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận và xử lý 123.287 hồ sơ trực tuyến (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023), 1.329 hồ sơ trực tiếp (giảm 85% so với cùng kỳ năm 2023), tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 98,93%. Ngoài ra, các hệ thống dịch vụ công triển khai đến các Sở GTVT đã tiếp nhận và xử lý 503.182 hồ sơ trên hệ thống;

Về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung Bộ GTVT, đến hết ngày 30/6/2024, các đơn vị đã hoàn thành 9/17 cơ sở dữ liệu. Trong đó, Quý II/2024, các Cục: ĐSVN, ĐTNĐVN đã hoàn thành cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa trên toàn quốc. Đối với các CSDL khác được các Cục thực hiện thông qua các dự án CNTT sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn, đến nay đã hoàn thành phê duyệt dự án, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong Quý III/2024; Đã hoàn thành kho dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT (gồm hơn 35 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, hơn 5,1 triệu dữ liệu đăng kiểm phương tiện thông qua tích hợp các CSDL chuyên ngành), phục vụ kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Hoàn thành nâng cấp Nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của Bộ GTVT để chia sẻ, kết nối các dữ liệu chuyên ngành của Bộ GTVT với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 30/6/2024, đã có 46,1triệu dữ liệu của Bộ GTVT được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư thông qua Nền tảng, chia sẻ kết nối này.

Về triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, đã hoàn thành 6/16 nhiệm vụ triển khai Đề án 06, gồm: hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính ưu tiên cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp hệ thống định danh với Cổng dịch vụ công Bộ GTVT, triển khai tích hợp CSDL tàu biển, CSDL phương tiện thuỷ nội địa với CSDL quốc gia về dân cư…

Nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ này, Giám đốc Trung tâm CNTT đề nghị các Cục tập trung, bám sát kế hoạch để xây dựng quy trình nghiệp vụ điện tử và phối hợp với Trung tâm CNTT trong việc xây dựng, đào tạo, hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành tích hợp hệ thống dịch vụ công cấp giấy phép lái xe quốc tế với Cổng dịch vụ công Bộ GTVT; tập trung nguồn lực để thực hiện kế hoạch triển khai tích hợp CSDL tàu biển, CSDL phương tiện thuỷ nội địa với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học đối với hành khách đi tàu bay; kết nối, làm sạch, chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe (GPLX) với CSDL quốc gia về dân cư…đặc biệt đề nghị các đơn vị rà soát triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng và chuẩn bị tốt kế hoạch Thanh tra.

Địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được giao làm đầu mối

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Cục trưởng Cục đường cao tốc Việt Nam Lâm Văn Hoàng cho biết, dự án đường cao tốc thường đi qua nhiều tỉnh, thành, việc phân cấp cho các địa phương làm Cơ quan chủ quản theo địa bàn nên đề nghị các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện về các yêu cầu kỹ thuật, định mức, đơn giá…và các thủ tục liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai.

Đối với các dự án có nhiều đơn vị tư vấn, Cục trưởng Cục ĐCTVN đề nghị Chủ đầu tư giao một đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm làm nhiệm vụ tổng thể, có trách nhiệm chính để kiểm soát sự phù hợp, thống nhất chung về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khảo sát, thiết kế cho toàn bộ dự án.

Cục trưởng Lâm Văn Hoàng cũng nhấn mạnh, thời gian qua việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác điều phối nguồn vật liệu xây dựng còn chưa tốt, đề nghị các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn VLXD; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền.

“Qua kiểm tra thực tế các dự án đường cao tốc đang triển khai, một số Chủ đầu tư của địa phương có bộ máy quản lý dự án còn mỏng, năng lực chưa đồng đều. Đề nghị các địa phương cần tăng cường, kiện toàn bộ máy để nâng cao năng lực công tác quản lý dự án”, ông Lâm Văn Hoàng nhấn mạnh và nói thêm đối với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; đồng thời chủ động xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng để ngay sau khi phê duyệt dự án có thể triển khai ngay công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo yêu cầu.

Nói về Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, Cục trưởng ĐCTVN cho biết, Thường trực Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo, Cục ĐCTVN đã tham mưu văn bản của Bộ triển khai kết luận.

Theo kế hoạch, trong tháng 7/2024 Cục sẽ chủ trì làm việc với 03 địa phương để hoàn thiện báo cáo đối với 03 dự án của địa phương; đồng thời, sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với 8 dự án do Bộ GTVT quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Ban Cán sự đảng thông qua trước khi trình Thường trực Chính phủ trong đầu tháng 8/2024. Phấn đấu trình Bộ Chính trị cho chủ trương trong tháng 8/2024 để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc tháng 10/2024).

“Đề nghị các Ban QLDA trước đây được giao làm chủ đầu tư cử Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách dự án, phối hợp chặt chẽ với Cục trong quá trình đàm phán hoàn thiện giải pháp xử lý và hoàn thiện Đề án; đề nghị các Cục, Vụ thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ Cục Cao tốc trong quá trình triển khai thực hiện”, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam đề nghị.

Nguồn: https://mt.gov.vn/vn/

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25383162
    • Online: 48