16/05/2013

Ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010. Kể từ đó đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã có những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các kế hoạch, chương trình cụ thể về CCHC với 5 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Hệ thống hành chính hiện tại cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những kết quả đạt được Cải cách thể chế Về thể chế hành chính Cục HHVN đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ trực tiếp cho CCHC, chú trọng xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh như tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ 01/01/2006. Đây là cơ sở quan trọng trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam và đánh dấu bước đột phá về công tác CCHC trong lĩnh vực quản lý hoạt động hàng hải nói chung. Tính từ năm 2001 đến nay, Cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan hoàn thành việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền 01 Bộ luật, 01 pháp lệnh, 22 nghị định, 22 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 101 quyết định, thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT và 08 quyết định, thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Để hỗ trợ cho sự phát triển và hội nhập thế giới của ngành Hàng hải, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ GTVT, Cục HHVN, Việt Nam đã tham gia 22 công ước, hiệp định quốc tế và các nghị định thư liên quan đến hàng hải, ký kết 18 hiệp định hàng hải song phương và 24 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng hải với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2004 và năm 2008, quy trình xây dựng văn bản QPPL có nhiều đổi mới. Cục HHVN đã tổ chức xây dựng văn bản QPPL đúng trình tự luật định, bảo đảm quyền của người dân trong việc tham gia ý kiến góp ý dự thảo văn bản bằng việc đưa dự thảo lên Website của cơ quan soạn thảo trong 60 ngày. Quy trình mới đã góp phần khắc phục tình trạng tùy tiện trong ban hành văn bản, đưa công tác xây dựng văn bản QPPL vào nền nếp, mặt khác hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản QPPL, góp phần vào quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế của nước ta. Về công tác rà soát văn bản QPPL đã ban hành, Cục HHVN thường xuyên, định kỳ hàng năm tổ chức rà soát hệ thống văn bản QPPL về hàng hải; tham mưu, đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT công bố hủy bỏ các văn bản hết hiệu lực, sửa đổi các văn bản có nội dung không còn phù hợp, đề xuất xây dựng và ban hành các văn bản, quy định còn thiếu, bảo đảm các quy định của pháp luật hàng hải phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước, thông lệ quốc tế, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải Việt Nam. Về thủ tục hành chính Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nội dung rất được Cục HHVN quan tâm và sớm triển khai thực hiện. Thực hiện Nghị quyết số 38/CP của Chính phủ, ngày 04/5/1994 về cải cách một bước TTHC trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức, Cục đã triển khai cải cách, đơn giản hóa TTHC gắn với việc thực hiện cơ chế "một cửa" đã được triển khai mạnh trong giai đoạn I (2001-2005) của Chương trình và thu được những kết quả bước đầu tích cực. Sau 12 năm thực hiện, Cục HHVN đã rà soát, sửa đổi nhiều lần nhằm loại bỏ những TTHC phức tạp, gây phiền hà cho người dân. Thực hiện Đề án 30 về cải cách TTHC và Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực giao thông vận tải, Cục đã tổ chức triển khai việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục mới, đơn giản hóa TTHC. Đến nay, Cục đã xây dựng và trình Bộ GTVT công bố 59 TTHC trong lĩnh vực hàng hải; hàng năm, Cục thường xuyên cập nhật, rà soát các TTHC theo kế hoạch và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ TTHC theo quy định. Việc cập nhật, công bố TTHC trên Website của Cục được triển khai, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân liên quan và toàn thể cán bộ, viên chức trong Ngành. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Việc thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình tổng thể đề ra là điều chỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống chính trị, khắc phục những chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ đã đạt được kết quả tích cực. Cục HHVN đã xây dựng quy chế làm việc, sắp xếp bộ máy hành chính gọn nhẹ nhằm bảo đảm cho hoạt động quản lý Nhà nước về hàng hải được hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp cho các đơn vị theo quy định. Hiện nay, Cục HHVN có 25 Cảng vụ hàng hải tại 25 tỉnh có biển, cảng biển nhằm tạo thuận lợi cho người dân và các đơn vị trong việc làm TTHC cho tàu vào, rời cảng biển.Thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng bộ GTVT, Cục HHVN đang tiến hành nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, các Ban Quản lý dự án Hàng hải II, III theo hướng đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp qua các giai đoạn cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện tốt và có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức 12 năm qua, nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được Cục HHVN tích cực thực hiện. Chất lượng cán bộ đã có những bước chuyển biển nhất định, thể hiện ở công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công và phân cấp. Thẩm quyền và trách nhiệm trong bổ nhiệm, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức cũng đã được xác định rõ cho người đứng đầu cơ quan hành chính. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được quan tâm. Chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội góp phần ổn định cuộc sống của cán bộ, công chức... Cải cách tài chính công Việc quản lý và điều hành ngân sách tiếp tục được đổi mới, nguồn thu ngân sách được tập trung kịp thời. Việc cấp phát vốn đầu tư, cấp phát hạn mức kinh phí đối với các đơn vị dự toán và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí được cải tiến, đổi mới, tạo chủ động cho các đơn vị dự toán trong sử dụng kinh phí. Tất cả các đơn vị đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng công việc, thực hiện tiết kiệm, tăng thu nhập cho người lao động 1-2 lần, tiết kiệm để có nguồn trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Việc đánh giá hiệu quả công việc đã được hầu hết các đơn vị đề ra tiêu chí cụ thể làm cơ sở bình xét và trả lương. Các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công khai tài chính, thành lập tổ kiểm tra tài chính, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan đơn vị được tăng cường. Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước Việc triển khai thực hiện các đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hóa công sở của hệ thống hành chính nhà nước từ năm 2001 đến nay đã góp phần vào thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính. Dự thảo các văn bản QPPL đang được xây dựng và hoàn tất trình cơ quan có thẩm quyền ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong hiện đại hóa hành chính. Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO đã được nghiên cứu xây dựng và triển khai ứng dụng trong hoạt động của cơ quan Cục. Điều quan trọng qua áp dụng hệ thống ISO là tạo lập một phương pháp làm việc khoa học, xác định rõ công việc cần làm, chủ thể thực hiện. Nâng cấp Website của Cục thành cổng thông tin điện tử, đưa vào ứng dụng một số công tác như công tác lãnh đạo, quản lý văn bản, quản lý phòng họp và nâng cấp việc sử dụng cổng thông tin điện tử chung cho các cơ quan Nhà nước tại cảng biển khu vực Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh để khai báo thủ tục cho tàu vào, rời cảng. Bên cạnh đó, kết hợp nâng cao trình độ quản trị mạng, kỹ năng sử dụng tin học của cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phổ biến văn bản QPPL, tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý của Cục HHVN và kết nối chương trình phần mềm theo dõi, quản lý văn bản QPPL tại trang translegal của Bộ GTVT. Điều kiện làm việc của cán bộ, công chức tiếp tục được cải thiện, trụ sở cơ quan được nâng cấp khang trang cùng các trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc tốt hơn. Những tồn tại và hạn chế Mặc dù đạt được những kết quả ghi nhận trong 12 năm qua nhưng tốc độ cải cách còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu đặt ra là xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Về thể chế hành chính: Trong quá trình thực hiện vì những lý do khách quan và chủ quan như phải chờ ý kiến góp ý của một số bộ, ngành; một số nhiệm vụ được giao còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất, chưa thực sự được quán triệt và quan tâm chỉ đạo quyết liệt nên một số đề án không được trình đúng thời hạn đã đăng ký. Thủ tục hành chính cho dù được cải cách nhiều song nhìn chung vẫn còn tồn tại xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi về cho mình; nhiều thể chế không được kịp thời tổng kết, sửa đổi, bổ sung kịp thời thông qua cơ chế kiểm tra quá trình thực hiện. Đối với chế độ, chính sách cho người lao động: Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, định mức khoán hành chính 19 triệu đồng/người/năm không bao gồm tiền lương như hiện nay là chưa phù hợp với biến động giá thị trường và chế độ nhà nước ban hành: vật tư, văn phòng, giá nhiên liệu, tiền điện tăng hàng năm 15-20%, chế độ công tác phí tăng, các chi phí đi lại của các loại phương tiện đều tăng cao. Trong khi xây dựng mức thu phí, lệ phí, tỷ lệ phí để lại chỉ tính chi phí hợp lý để thực hiện nhiệm vụ mà không có khoản kinh phí thực hiện cải cách tiền lương nên kinh phí thực hiện nhiệm vụ càng hạn chế. Kinh phí bổ sung đối với chế độ phụ cấp công vụ và tiền lương tăng thêm chậm nên phần nào ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động... Theo kết quả điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến việc công chức rời bỏ cơ quan nhà nước là mức lương không thỏa đáng, thiếu các biện pháp khuyến khích và thiếu cơ hội phát triển. Đối với các cơ sở đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động: Do nguồn hỗ trợ từ ngân sách hạn chế nên trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất, đội tàu phục vụ công tác huấn luyện bị xuống cấp, lạc hậu và thường xuyên hư hỏng; kinh phí để sửa chữa nâng cấp hàng năm rất lớn nên việc tổ chức thực tập trên tàu cho học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu và giải pháp xây dựng chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2013-2020 Mục tiêu Về nội dung cải cách thể chế hành chính: Tổ chức đánh giá, rà soát hệ thống văn bản QPPL giai đoạn 2001-2012; trước mắt tập trung nghiên cứu sửa đổi Bộ luật HHVN 2005, sau đó từng bước hoàn thiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm dưới luật; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới quy trình ban hành văn bản QPPL theo hướng làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan ban hành nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ của chính sách, khắc phục tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ cải cách hành chính, đặc biệt là thể chế về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ, phân cấp tài chính công; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, đơn giản hóa, tạo thuận tiện cho người dân; nghiên cứu, triển khai mô hình cơ chế "một cửa", đặc biệt trong hoạt động quản lý tại cảng biển nhằm đẩy mạnh hội nhập. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tách rõ hành chính với sự nghiệp, hoàn thiện thể chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị dịch vụ công trong tổ chức và hoạt động. Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Rà soát, đánh giá đội ngũ công chức hành chính để cơ cấu công chức theo từng vị trí, rõ trách nhiệm; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút người tài vào làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng và áp dụng chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ. Về hiện đại hóa nền hành chính: Áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan; thường xuyên rà soát, sửa đổi hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động của cơ quan cho phù hợp với chính sách hiện hành. Giải pháp thực hiện Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công tác cải cách hành chính: Để pháp luật được thực thi nghiêm túc, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong toàn Ngành phải luôn được chú trọng và tăng cường. Thông qua các hội nghị tổng kết, các đơn vị rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, các tổ chức pháp chế của Cục, các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, trợ giúp các doanh nghiệp hàng hải giải quyết các tranh chấp hàng hải, hoặc bị tai nạn, mất mát, tổn thất, bị bắt giữ ở nước ngoài, giải đáp vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện luật, góp phần giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Tổ chức tuyên truyền cải cách hành chính: Xác định công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một khâu rất quan trọng để văn bản QPPL đi vào thực tiễn, do đó cần tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo về quản lý cảng biển và luồng hàng hải tại khu vực cảng biển và vùng biển Việt Nam. Qua đó nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, thuyền viên trong toàn ngành Hàng hải và có tác động thiết thực, hiệu quả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo và kinh phí thực hiện: Công tác chỉ đạo thực hiện cần phân công, phân nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đây là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược lâu dài và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung của đất nước, vì vậy cần phải có nguồn kinh phí thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách hành chính. Có thể khẳng định, chặng đường 12 năm trong công cuộc cải cách hành chính lĩnh vực hàng hải đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành Hàng hải nói riêng, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về hàng hải của Cục HHVN.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24917645
    • Online: 72