24/09/2013

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải; đồng thời, nhằm giải đáp những thắc mắc mà dư luận xã hội quan tâm đến những vấn đề liên quan đến hoạt động TKCN, chiều ngày 23/9/2013, Báo Giao thông đã tổ chức Tọa đàm và giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử với chủ đề: "Nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn hàng hải". Tham gia buổi tọa đàm, về phía Bộ GTVT có ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ ATGT, ông Nguyễn Hoàng Huyến – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB&TKCN. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cùng Lãnh đạo phòng AT-ANHH, phòng PC, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN (Vietnam MRCC), Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam đã trực tiếp tham gia giao lưu trực tuyến.
Q.Tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên tặng hoa Cục trưởng Nguyễn Nhật
Tại buổi Tọa đàm, khi đánh giá về tình hình tai nạn hàng hải và công tác TKCN những năm gần đây, ông Nguyễn Hoàng Huyến – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB&TKCN cho biết, tai nạn hàng hải tuy xảy ra không nhiều, nhưng khi xảy ra rồi thì nó rất nghiêm trọng. Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn hàng hải được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ; công tác TKCN hàng hải của Bộ GTVT đã có nhiều chuyển biến tích cực, được thể hiện qua công tác nhân đạo, TKCN mang tính toàn dân.
Khi xảy ra sự cố, tai nạn hàng hải, nếu tiềm lực về phương tiện, thiết bị của lực lượng tìm kiếm trong nước không đáp ứng được, những nước trong khu vực sẽ cùng trợ giúp tham gia TKCN. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TKCN những năm gần đây được quan tâm, đầu tư đúng mức; việc phối hợp giữa các lực lượng hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa cũng đã được tăng cường. Đặc biệt, Nhà nước đã quan tâm tới chế độ đãi ngộ đối với những người thực thi công vụ tại các Trung tâm TKCN hàng hải. Với sự vào cuộc đồng bộ, tình hình tai nạn hàng hải giai đoạn 2011-2013 đã dần dần giảm xuống, nhưng trong 2 tháng qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn hàng hải đáng tiếc vì người tham gia giao thông chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn hàng hải. Đánh giá tổng thể về bức tranh ATGT trong lĩnh vực hàng hải thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, trong năm 2012 trật tự ATGT hàng hải thực hiện khá tốt, số vụ tai nạn và số người chết do TNGT hàng hải đã giảm. Sáu tháng đầu năm nay, chúng ta vẫn duy trì được mức độ giảm TNGT hàng hải. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ TNGT hàng hải nghiêm trọng khiến số người bị chết tăng so với cùng kỳ. Nhưng về cơ bản, công tác bảo đảm ATGT hàng hải vẫn đang được thực hiện tốt do pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATGT hàng hải đã được hoàn thiện, mỗi địa phương và từng cơ quan, đơn vị đều tổ chức ban PCLB&TKCN vì thế nên khi xảy ra TNGT cần sự cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng triển khai nhanh chóng, chính xác. Bộ GTVT đang xin ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam, trong đó có quy định chi tiết, cụ thể nhiệm vụ của từng lực lượng trong công tác phối hợp TKCN; cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành luật lệ ATGT hàng hải cũng như việc giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật tàu biển và bằng cấp chuyên môn của người đi biển… được thực hiện đồng bộ sẽ kéo giảm 3 tiêu chí mục tiêu quốc gia về ATGT hàng hải. Theo Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật, công tác TKCN trên biển hiện nay được thực hiện bởi 8 lực lượng chủ yếu: Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam; Cảng vụ hàng hải; Bộ đội Biên phòng; Hải quân; Cảnh sát biển; Thủy sản; Dầu khí và lực lượng huy động tại chỗ.Cục trưởng Nguyễn Nhật (phía trái) trả lời các câu hỏi của độc giả
Trong các lực lượng này, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, trực thuộc Cục HHVN là đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu người gặp nạn trên biển. Trung tâm có trang thiết bị, tàu thuyền chuyên dụng TKCN và tổ chức trực TKCN 24/7. Do đó, tàu thuyền bị nạn cần liên hệ ngay với Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải VN là tốt nhất và hiệu quả nhất, hoặc các đài thông tin duyên hải, bởi Trung tâm có đầy đủ các phương tiện để hỗ trợ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Khi được hỏi làm thế nào để tàu thuyền có thể gửi thông tin báo nạn đến các đài thông tin duyên hải, Tổng giám đốc Vishipel Phan Ngọc Quang cho biết, hệ thống đài TTDH Việt Nam nằm trong hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS), bao gồm các đài thành viên được bố trí dọc theo bờ biển nước ta. Toàn bộ hệ thống đang hoạt động theo chế độ 24/7, đảm bảo thông tin và truyền thông thông suốt phục vụ phòng chống thiên tai, TKCN và an toàn–an ninh hàng hải.Tổng giám đốc Vishipel Phan Ngọc Quang (phía phải, hàng trên) giao lưu cùng bạn đọc
Hệ thống có tầm phủ sóng không hạn chế và phục vụ mọi phương tiện hoạt động trên biển, từ những tàu thuyền được trang bị những thiết bị thô sơ cho đến những tàu được trang bị những thiết bị hiện đại. Các tàu có thể thu nhận các thông tin an toàn, cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển, an toàn hàng hải…. từ hệ thống đài TTDH Việt Nam qua: Phương thức thoại trên tần số 7906 kHz, 8294 kHz; phương thức Navtex trên các tần số 490 kHz, 518 kHz, 4209.5 kHz; phương thức Inmarsat EGC/ SafetyNet. Khi tàu gặp tình huống khẩn cấp, có thể gọi về hệ thống đài TTDH Việt Nam bằng cách: Đối với tàu cá: tần số 7903 kHz, kênh 16 VHF; đối với tàu vận tải: bằng DSC trên các dải tần 2, 4, 6, 8, 12, 16 MF/HF,VHF kênh 70; bằng Inmarsat-C; bằng Cospas-Sarsat 406 MHz. Về quy trình thực hiện công tác TKCN, ông Nguyễn Anh Vũ-Tổng giám đốc Vietnam MRCC đã cung cấp thông tin cho độc giả về 3 bước quy trình thực hiện TKCN: xử lý thông tin báo nạn; lập phương án cứu nạn; tổ chức cứu nạn.Tổng giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ (ở giữa, hàng trên) cung cấp các thông tin liên quan đến quy trình TKCN trên biển cho bạn đọc
Theo ông Vũ, thông thường mất khoảng 15-30 phút thì lực lượng TKCN có thể xuất phát từ nơi cứu trợ đến địa điểm gặp nạn để hỗ trợ người bị nạn. Để triển khai công tác TKCN hiệu quả thì các Trung tâm phải kiểm tra tính xác thực của thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Ngay sau khi xác thực thông tin, chúng tôi sẽ lập tức triển khai TKCN. Khi có nhiều lực lượng cứu nạn cùng tiếp cận hiện trường vụ tai nạn hàng hải thì chỉ huy công tác TKCN trên biển là Ủy ban quốc gia TKCN; chỉ huy hiện trường TKCN trong vùng nước cảng biển là Cảng vụ hàng hải – Ông Vũ giải thích. Về mức độ ưu tiên trong TKCN, ông Vũ nhấn mạnh, TKCN là hoạt động mang tính nhân đạo, việc TKCN không phụ thuộc vào quốc tịch, thái độ chính trị, tôn giáo, loại tàu bị nạn, biên giới lãnh thổ… Bà con ngư dân khi gặp nạn, cần khẩn trương liên lạc với các Trung tâm TKCN, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc. Cục trưởng Nguyễn Nhật cũng cung cấp thêm thông tin, theo quy định của Bộ luật HHVN, tất cả các loại tàu thuyền khi hoạt động trên biển phát hiện hoặc nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu thuyền gặp nạn, nếu đang trong phạm vi thực tế có thể tiếp cận khu vực có người gặp nạn mà việc TKCN không gây nguy hiểm cho người hoặc tàu của mình thì phải có trách nhiệm tìm kiếm và cứu người gặp nạn trên biển. Khoản 5 Điều 10 của Bộ luật HHVN cũng quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải là từ chối tham gia TKCN trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. Chế tài xử lý vi phạm điều này được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 27 của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/8/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ 15/10/2013)… Trước thực trạng đối tượng gặp nạn trên biển phần lớn là tàu cá, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng riêng một hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ tàu cá, Cục trưởng Nguyễn Nhật bày tỏ quan điểm là không cần thiết xây dựng riêng một hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ tàu cá… mà cần tập trung vào việc khai thác hiệu quả hệ thống đài TTDH hiện có... Cùng chung quan điểm trên, Tổng giám đốc Vishipel Phan Ngọc Quang giải thích thêm, nếu quá nhiều hệ thống thông tin, khi gặp nạn tàu thuyền sẽ không biết gọi ai. Hiện nay, hệ thống đài thông tin duyên hải đang phục vụ rất tốt mọi phương tiện hoạt động trên biển; dung lượng xử lý thông tin hoàn toàn thỏa mãn. Nhà nước cần tập trung đầu tư thiết bị cho ngư dân để có thể liên lạc được với các đài và các Trung tâm TKCN sẽ tốt hơn. Về vấn đề hợp tác quốc tế trong TKCN, Cục trưởng Nguyễn Nhật cho biết, để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một quốc gia ven biển trong hoạt động TKCN ven biển, bên cạnh việc tham gia và trở thành thành viên chính thức của Công ước quốc tế về TKCN trên biển (SAR 79) vào năm 2007, Việt Nam cũng đã xúc tiến việc hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới bằng việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận. Liên quan đến cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng TKCN, ông Vũ Thế Quang - Trưởng phòng Pháp chế, Cục HHVN nhận định, thời gian qua lực lượng tham gia TKCN đã được Nhà nước quan tâm và có một số chính sách, ưu đãi nhưng thực tế vẫn chưa thực sự tương xứng với công sức của họ do đây là nghề vất vả và nguy hiểm. Cũng theo ông Quang, lực lượng TKCN chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện cũng đầu tư hơi dàn trải, ngoài Vietnam MRCC thì các lực lượng khác cũng được đầu tư phương tiện TKCN… Điều này sẽ khiến công tác đầu tư không tập trung, việc báo tin cứu hộ cứu nạn cũng khó khăn hơn…
Trưởng phòng Pháp chế, Cục HHVN Vũ Thế Quang tại buổi Tọa đàm
Liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động tại vùng biển Việt Nam, luật pháp VN có nhiều các quy định, chế tài quy định rõ ràng trách nhiệm, TKCN... Các văn bản này đều được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, dịch song ngữ và tung trên website để hỗ trợ người nước ngoài. Đối với người nước ngoài gặp nạn tại vùng biển Việt Nam, chúng tôi cũng đều hỗ trợ ban đầu về sức khỏe, nơi nghỉ, các điều kiện pháp lý khác để họ sớm trở về nước qua con đường ngoại giao… Nhằm tăng hiệu quả cho hoạt động TKCN, theo ông Võ Duy Thắng - Trưởng phòng AT-ANHH Cục HHVN – lực lượng hiện nay của Vietnam MRCC được trang bị mỏng: chỉ có 7 tàu TKCN chuyên dụng mà được phân công nhiệm vụ trên một vùng biển trải dài 3.260km từ Bắc vào Nam thì đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Do lực lượng mỏng, bố trí lại dàn trải trong vùng biển rộng lớn nên việc điều động tàu đến khu vực TKCN còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do chưa có phương tiện đủ tầm hoạt động xa bờ và dài ngày nên rất hạn chế trong việc TKCN ngoài khơi vùng biển Việt Nam. Thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng cần chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác TKCN…Trưởng phòng AT-ANHH, Cục HHVN Võ Duy Thắng tham dự buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Giao thông
Một số câu hỏi của độc giả gửi đến đã được các vị khách mời giải đáp nhằm làm rõ thêm các khía cạnh của hoạt động TKCN trên biển – một hoạt động mang tính nhân đạo, đòi hỏi sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội một cách tự nguyện, tự giác và chủ động thì mới đạt hiệu quả cao và kịp thời. Trên thế giới, hoạt động này được hình thành và phát triển đã từ lâu, song ở Việt Nam đây vẫn là loại hình mới mẻ. Để thực hiện tốt công tác này, bên cạnh những biện pháp, chủ trương của Nhà nước như xây dựng và duy trì hoạt động của tổ chức TKCN quốc gia, chuyên ngành..., thì công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục để mọi người cùng nhận thức, có trách nhiệm và tự giác tham gia hoạt động này là vô cùng cần thiết và quan trọng. Ngoài ra, làm tốt công tác TKCN trên biển còn mang ý nghĩa chính trị, tạo tâm lý an toàn cho ngư dân, tàu thuyền hoạt động trên biển, nâng cao vị thế và uy tín của ngành HHVN nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Các khách mời tham dự buổi Tọa đàm

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :22723913
    • Online: 151