Dự thảo sửa đổi nghị định về mua, bán, đóng mới tàu biển bổ sung nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này...
Ảnh minh họa Cục Hàng hải VN đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định sửa đổi lần này, hoạt động đầu tư, mua, đóng mới tàu biển đã được cơ quan chức năng quy định siết chặt hơn. Cụ thể, theo đề xuất, việc mua, đóng mới tàu biển sử dụng vốn Nhà nước bắt buộc phải được các cấp chức năng phê duyệt chủ trương, tiếp đến mới thực hiện các thủ tục liên quan như hiện tại, bao gồm: lựa chọn tàu, dự kiến giá mua (xác định giá, nguồn vốn đóng mới), lập, thẩm định phê duyệt dự án mua (đóng mới) tàu biển, quyết định đóng tàu... "Thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án quyết định mua, đóng mới tàu biển được thực hiện theo quy định điều lệ doanh nghiệp và pháp luật có liên quan", dự thảo nêu rõ. Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, việc bổ sung thẩm quyền phê duyệt chủ trương mua, đóng mới tàu biển nhằm đảm bảo việc đầu tư tàu biển sử dụng vốn Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ bước khởi đầu, giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước. Hình thức mua tàu biển sử dụng vốn Nhà nước cũng được Cục Hàng hải kiến nghị thay đổi theo hướng giúp DN "chớp" được thời cơ mua được tàu tốt, hoạt động hiệu quả. Cụ thể, việc mua, đóng mới tàu biển, DN chỉ được thực hiện hình thức chào hành cạnh tranh sau khi đã áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu mà vẫn không lựa chọn được tàu biển thì nay, cơ chế này được đề xuất thay đổi theo hướng người mua tàu được lựa chọn thực hiện mua, đóng mới tàu biển theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất 3 người chào hàng là người trực tiếp bán hoặc môi giới. Lý giải về sự thay đổi này, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo quy định tại Nghị định 171, việc mua tàu biển phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, những người bán tàu nước ngoài không quan tâm đến việc chào thầu theo hồ sơ mời thầu của người mua Việt Nam vì họ có nhiều lựa chọn từ các người mua khác trên khắp thế giới. "Nếu thị trường tàu biể nsôi động, người mua sẽ mất cơ hội mua được các tàu biển phù hợp do nhiều người mua khác thực hiện bằng hình thức đàm phán trực tiếp với chủ tàu hoặc thông qua môi giới với hình thức chào hàng cạnh tranh để việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng mua tàu diễn ra nhanh chóng, tận dụng cơ hội của thị trường. Vì vậy, sự thay đổi này là cần thiết để người mua mua được những con tàu hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu khai thác", đại diện Cục Hàng hải nói./. Nguồn: Báo Giao thông