20/02/2012

Sáng 17/2, Thanh tra Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Thanh tra GTVT năm 2011 và Triển khai nhiệm vụ năm 2012; Tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, sơ kết giai đoạn I chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Trong năm 2011, Thanh tra Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý và đâu tư các dự án, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, tổ chức hoạt động thu phí đường bộ, bảo vệ kết cấu đường bộ, thanh tra công tác quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ… Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, và đã kiến nghị xử lý một số Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn thi công có sai sót, thu hồi 3 giấy phép đào tạo lái xe, 3 giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ 4 cơ sở đào tạo lái xe, 9 đơn vị kinh doanh vận tải, kiến nghị xử lý 31 đăng kiểm viên… Về việc phát hiện và xử lý tham nhũng tại các đơn vị thuộc Bộ trong 5 năm (giai đoạn 2006 -2011), Thanh tra Bộ đã phát hiện 11 vụ, và đã khởi tố 44 cá nhân về tội tham nhũng. Điển hình là vụ tham nhũng xảy ra tại Ban quản lý dự án 18 (PMU 18), các cơ quan đã khởi tố hình sự 11 người, xử lý kỷ luật hành chính 12 người. Số vụ án đã đưa ra xét xử là 8 vụ, bị kết án tham nhũng 32 người. Số vụ tham nhũng xử lý hành chính là 9 vụ, xử lý kỷ luật về hành chính 119 người. Tài sản bị tham nhũng được phát hiện gần 4 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 2 tỷ đồng, còn lại gần 2 tỷ không thể thu hồi. Hoạt động thanh tra trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy,đường sắt, hàng hải, hàng không và 63 sở GTVT, đã thực hiện tổng số hơn 32.000 cuộc thanh kiểm tra, phát hiện 210.000 vụ vi phạm với số tiền xử phạt là gần 198 tỉ đồng, tước quyền sử dụng hơn 47.000 giấy phép lái xe và bằng thuyền trưởng, tạm giữ gần 2000 phương tiện vi phạm. Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ cho biết: “Năm 2012 được Bộ xác định là “năm chất lượng công trình và là năm an toàn gao thông”. Vì vậy, Thanh tra Giao thông sẽ tập trung vào các công trình dự án trọng điểm của ngành, thanh tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của nhà nước, giám sát kiểm tra chất lượng các công trình”. Đồng thời, theo ông Sỹ, Thanh tra giao thông sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn về xây dựng, tiến hành thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật về công tác đảm bảo an toàn giao thông khi thiết kế, phê duyệt thi công các công trình dự án, đặc biệt là các công trình dự án kém chất lượng, có dấu hiệu mất an toàn, tai nạn và ùn tắc giao thông. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng lượng vốn đầu tư cho ngành giao thông rất lớn, không chỉ vốn từ Trung ương, mà còn vốn từ các địa phương, nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tham nhũng. Cho nên, việc chống tham nhũng phải xác định là việc của toàn quần chúng, toàn đội ngũ cán bộ nhân viên ngành GTVT chứ không riêng lực lượng thanh tra. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành Thanh tra giao thông trong năm nay và 5 năm tới, phải tập trung vào 5 nhiệm vụ: Thứ nhất, không thể xem lực lượng Thanh tra là chuyên trách về chống tham nhũng, nếu chúng ta xem thế là một thất bại. Với đặc thù ngành giao thông, quản lý nhiều ngành nghề, nguồn vốn lớn, nếu chỉ giao cho một cơ quan thì không thực hiện được. mà phải xác định chống tham nhũng là của quần chúng, của toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, để tất cả cùng là tai mắt của lãnh đạo, bạn của dân, thì Thanh tra phải xây dựng cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin. Nếu không, một nhân viên báo tin cho Thanh tra mà để lãnh đạo phát hiện ra thì sẽ rất phiền cho nhân viên đó. Thứ hai, cần sớm xây dựng quy chế trách nhiệm, vai trò người đứng đầu. Năm qua ngành GTVT đã thanh tra rất nhiều, nhưng chất lượng, tiến độ công trình vẫn còn nhiều vấn đề, đi đâu dân cũng kêu, nhưng những người đứng đầu chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm, hoặc xử lý được người đứng đầu nào. Những công trình hư hỏng, mà chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tư vấn, nhà thầu vẫn không sao, vẫn cứ bình chân như vại. Thứ ba, cần chủ động thanh tra, chỉ cần “ngửi thấy có mùi” là phải thanh tra ngay, thanh tra đột xuất, gọi lãnh đạo lên làm việc. Chứ nhiều vụ lãnh đạo sắp bị công an bắt mới tổ chức thanh tra. Thứ tư, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với nhau, các đơn vị liên quan, từ Bộ tới Sở, ngành khác, phân công, phân nhiệm. Hiện nay việc phối hợp thanh tra của ta còn rất chồng chéo, một đoạn đường có khi tới mấy đoàn thanh tra, nào thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường… nhưng rốt cuộc kết quả vẫn không tốt. Thứ năm, cần đào tạo, giáo dục đội ngũ thanh tra có chuyên môn giỏi, phẩn chất, đạo đức tốt, có trách nhiệm với công việc… Không để xảy ra vụ việc như Thanh tra đường bộ đợt trước Tết trên Quốc lộ 70, 4 thanh tra viên thuộc Ban Thanh tra Đường bộ 1, Tổng Cục đường bộ VN, bị nghi nhận hối lộ. Với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn của Trung ương, nếu để xảy ra vấn đề không chỉ trách nhiệm của những người xây dựng công trình chịu trách nhiệm, mà Giám đốc Sở Giao thông vận tải các địa phương cũng phải cùng chịu trách nhiệm, vì công trình đi qua địa phương đó, địa phương đó được hưởng lợi từ công trình… Đồng thời, trong năm nay, Thanh tra giao thông vận tải cần tập trung vào thanh tra những vấn đề lớn, như chất lượng, tiến độ công trình, chất lượng đăng kiểm phương tiện, các trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe…Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị
Theo Web Bộ GTVT

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24881979
    • Online: 86