02/03/2015

“Trong điều kiện trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hàng hải chưa được trang bị hiện đại, nhưng mục tiêu của cả ngành GTVT cũng như Cục Hàng hải đặt ra cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) là phải chủ động, nhanh nhạy để sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền gặp nạn trên biển”.

Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho biết: Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam MRCC trong công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng hải năm 2014.

Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam MRCC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN giao cho.

 

Đặc biệt, sự phối kết hợp giữa cảng vụ với Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải VN và Trung tâm cứu hộ cứu nạn hàng hải rất tốt chính là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm được nhiều tổn thất trên biển.

Với những nỗ lực của mình, trong năm 2014, Việt Nam MRCC đã thu nhận và xử lý 100% các thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải trên vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn. Cứu và hỗ trợ là 852 người, trong đó có 19 người nước ngoài. Số phương tiện được cứu và trợ giúp là 59 tàu...

Theo Cục trưởng, Việt Nam MRCC đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải, vậy cụ thể là gì thưa ông?

Thứ nhất, với trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chưa đầy đủ như hiện nay (4 trung tâm khu vực, 7 tàu TKCN đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu), nhưng Trung tâm đang phải chịu trách nhiệm tìm kiếm, phối hợp tìm kiếm cứu nạn toàn bộ vùng trách nhiệm trên vùng biển dài 3.260 km và diện tích rộng trên 1 triệu km2.

Hơn nữa, vùng biển lãnh thổ của nước ta hiện có khá nhiều đảo có đông dân cư sịnh sống như: đảo Phú Quốc, đảo Kiên Giang, đảo Bạch Long Vĩ... với mật độ tàu thuyền qua lại dày đặc, nhưng chúng ta lại chưa có Trung tâm cứu nạn tại những đảo này để triển khai cứu nạn tại vùng biển xa nhanh hơn. Thêm vào đó, tình trạng tranh chấp trên khu vực biển Đông cũng đang diễn ra hết sức phức tạp.

Ngoài ra, thời tiết trên biển đang có diễn biến ngày càng phức tạp khó lường; tình trạng cướp biển xuất hiện với số vụ ngày càng gia tăng tại vùng biển Đông Nam Á đang là khó khăn, thách thức cho công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải...

Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng Việt Nam MRCC đã phối hợp được với các lực lượng trên biển để cứu hộ kịp thời, tạo sự yên tâm cho bà con đánh bắt xa bờ cũng như tạo sự yên tâm cho các tàu hàng hóa trong và ngoài nước yên tâm hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

Với những khó khăn như vậy, là người đứng đầu Cục Hàng hải VN, ông đã đặt ra nhiệm vụ như thế nào cho Việt Nam MRCC trong năm 2015?

Có thể nói với những khó khăn phía trước đã được dự báo, nhiệm vụ của Việt Nam MRCC trong năm 2015 này sẽ không ít thách thức.

Trong điều kiện đó, để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Cục Hàng hải VN đã chỉ đạo trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng thuyền viên, nâng cao chất lượng cán bộ phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cũng như về sức khỏe … để đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Trong điều kiện trang thiết bị cứu hộ cứu nạn hàng hải chưa được trang bị hiện đại nhưng mục tiêu của cả ngành GTVT cũng như Cục Hàng hải VN đặt ra cho Việt Nam MRCC là phải chủ động, nhanh nhạy để sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền gặp nạn trên biển.

Để khắc phục những hạn chế về trang thiết bị, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu Trung tâm thường xuyên bảo dưỡng, sữa chữa trang thiết bị hiện có để luôn luôn chủ động, sẵn sàng trong mọi điều kiện.

Một yếu tố quan trọng mà Cục Hàng hải VN yêu cầu Việt Nam MRCC, là phải thường xuyên họp giao ban với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển là Bộ đội biên phòng, các cảng vụ, Cảnh sát biển trong nước, cũng như thường xuyên họp và giao ban với các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn của các nước Asean và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương để tăng cường công tác hỗ trợ phối kết hợp tìm kiếm cứu nạn ở giữa các nước.

Trong điều kiện biển Đông có diễn biến phức tạp như hiện nay, công tác tìm kiếm cứu nạn đòi hỏi phải có sự liên kết hỗ trợ giữa các quốc gia trong vùng lãnh thổ. Cục trưởng có thể cho biết Việt Nam đã hợp tác với các nước như thế nào trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải?

Sự phối hợp này trước hết được thể hiện từ chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT. Hàng năm, thông qua hội nghị Bộ trưởng các nước Asean vấn đề tìm kiếm cứu nạn hàng hải luôn được xem là vấn đề trọng tâm.

Với các nước Asean, Việt Nam luôn chủ động hợp tác phối hợp tìm kiếm, đặc biệt là sự phối hợp phòng chống nạn cướp biển.

Việt Nam đã liên kết với các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore.... để khi sự cố xảy ra trên vùng biển của nước nào thì nước đó hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn nhanh nhất.

Vụ thuyền viên của Việt Nam bị cướp biển bắn trọng thương hồi đầu tháng 12/2014 đã được Singapore điều máy bay ra ngay để cấp cứu kịp thời cho thấy tính chủ động tích cực hỗ trợ giữa các nước trong khu vực.

Ngoài ra, Cục Hàng hải VN cũng hợp tác với Học viện Cứu hộ Svitzer - Tổ chức cứu hộ hàng hải số 1 thế giới để phối hợp nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả và tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ.

Theo VietnamNet.vn

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25141325
    • Online: 57