Khoảng 12h09 ngày 05/8/2011, đã xảy ra vụ tai nạn đâm va giữa tàu Birch 2 và tàu cá TG 92643 TS tại gần vị trí có tọa độ 09o40N; 107°05E (cách mũi Vũng Tàu khoảng gần 40 hải lý về phía Nam). Tàu cá TG 92643 TS bị lật úp và chìm hoàn toàn, 02 thuyền viên bị thương nhẹ; toàn bộ thuyền viên tàu cá được tàu Birch 2 cứu và đưa vào bờ an toàn. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã kịp thời thông báo vụ việc tới cơ quan chức năng biết để tổ chức đón thuyền viên bị nạn và chỉ định vị trí cho tàu Birch 2 vào neo đậu an toàn; đồng thời, cử cán bộ có kinh nghiệm xuống tàu thu thập chứng cứ, hồ sơ và tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra tai nạn. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn Đối với sỹ quan trực ca tàu Birch 2 Khu vực xảy ra tai nạn là vùng biển gần bờ, có nhiều tàu cá đang hoạt động nhưng sỹ quan trực ca (Thuyền phó 2) đã chủ quan, thiếu mẫn cán và thiếu kinh nghiệm trong việc duy trì trực ca và quản lý nguồn lực buồng lái; vi phạm quy định tại Điều 5 Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển, năm 1972 (Colreg 72) và quy định tại Mục 3.1 - Phần A - Chương VIII/2 Bộ luật kèm theo Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 1995 (STCW 78/95). Cụ thể như sau: + Mặc dù thiết bị radar trên tàu vẫn hoạt động tốt và thực tế có tồn tại nguy cơ đâm va nhưng thuyền phó 2 chỉ sử dụng ống nhòm để quan sát mục tiêu xung quanh mà không khai thác, sử đụng hiệu quả tính năng của radar nên đã không phát hiện thấy mục tiêu là tàu cá TG 92643 TS đang neo đậu ở phía trước tàu Birch 2. + Trách nhiệm của sỹ quan trực ca là phải duy trì trực ca ở buồng lái và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được bỏ nhiệm vụ cho đến khi được thay ca hoàn toàn. Mặt khác, các mục tiêu là tàu cá vẫn chưa được đánh giá, phát hiện đầy đủ, cẩn thận và khẳng định chắc chắn an toàn nhưng thuyền phó 2 lại rời vị trí để vào buồng hải đồ làm báo cáo hàng ngày gửi công ty. Trong điều kiện tàu đang hành trình ở khu vực có nhiều tàu cá hoạt động, với kỹ năng và kinh nghiệm hạn chế của mình, một mình thủy thủ trực ca không thể cảnh giới hiệu quả và đánh giá đầy đủ tình huống cũng như nguy cơ đâm va (Thực tế là trong thời gian thuyền phó 2 rời vị trí trực ca, thiết bị radar hiển thị mục tiêu tàu cá TG 92643 TS rõ ràng nhưng thông tin này đã không được phát hiện, khai thác để kịp thời điều động tránh va). + Về nguyên tắc, thủy thủ được giao nhiệm vụ trực cảnh giới phải có khả năng chú ý hoàn toàn đến việc duy trì cảnh giới một cách thích đáng, và không được giao hoặc phân công bất cứ nhiệm vụ nào khác cho người cảnh giới gây trở ngại cho công tác cảnh giới, nhưng thuyền phó 2 lại gọi thủy thủ trực ca rời vị trí trực cảnh giới để vào buồng hải đồ nhận và đi giao báo cáo hàng ngày cho máy trưởng. Đối với thuyền trưởng tàu cá TG 92643 TS Khu vực xảy ra tai nạn nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ Việt Nam đi Indonesia, Malaysia, Singapore... và ngược lại nên có nhiều tàu biển hoạt động nhưng thuyền trưởng tàu cá TG 92643 TS đã chủ quan, thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn hàng hải và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ huy tàu; vi phạm quy định tại Điều 5 - Điều 30 (Điểm i, khoản a) Quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển ban hành kèm theo Quyết định số 49/2005/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT và quy định tại Điều 9 (Điểm đ, khoản 1) Nghị định 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Cụ thể như sau: - Khi tàu cá neo đậu và tại thời điểm xảy ra tai nạn, thuyền trưởng và các thuyền viên khác trên tàu đều đang ngủ, không có bất kỳ thuyền viên nào làm nhiệm vụ trực ca hay trực cảnh giới nên không thể phát hiện được nguy cơ tàu cá bị tàu Birch 2 đâm va để có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa va chạm phù hợp. - Trong quá trình tàu cá neo đậu, thuyền trưởng không trưng dấu hiệu tàu đang neo theo quy định. Nguyên nhân gây tai nạn Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do yếu tố con người, trong đó đặc biệt là sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm của sỹ quan trực ca tàu Birch 2; sự bất cẩn, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về bảo đảm an toàn hàng hải của thuyền trưởng tàu cá TG 92643 TS. Kiến nghị Rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân và hậu quả của vụ tai nạn nói trên, nhằm hạn chế và phòng tránh các vụ tai nạn tương tự, cần phải: + Tăng cường hơn nữa công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật hàng hải đến thuyền viên tàu cá; trong đó cần triển khai giải pháp tuyên truyền, phổ biến thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải; phối hợp với các cơ quan chức năng để in tờ rơi và tuyên truyền các trường hợp tai nạn xảy ra đối với tàu cá trên biển để ngư dân hiểu biết về nhận dạng các tàu lớn hành trình, kỹ năng cảnh giới và quy định về trưng đèn, dấu hiệu… + Trong quá trình trực ca, sỹ quan trực ca tàu biển phải tuân thủ các quy định của Colreg 72 và STCW 78/95. + Đề nghị chủ tàu bố trí, yêu cầu thuyền phó 2 của tàu Birch 2 phải tham gia khóa huấn luyện thêm về quản lý nguồn lực buồng lái. + Cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về an toàn hàng hải.