29/07/2013

ThS. ĐỖ THANH THÙY Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, vai trò của việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển là đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cảng biển Việt Nam nhằm tăng khả năng thông qua của hàng hóa và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và hội nhập kinh tế thế giới. Hàng năm, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng biển lên tới hàng ngàn tỷ đồng và sau khi đầu tư xong nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp có thu hoặc các doanh nghiệp nhà nước quản lý. Tuy nhiên những năm gần đây, ngành Hàng hải Việt Nam bước đầu đã có những cách làm mới như cổ phần hóa từng phần các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng, cho phép các thành phần kinh tế khác được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển và kinh doanh khai thác, song những bước phát triển đó vẫn còn nhỏ, lẻ, chưa áp dụng rộng rãi. Chúng ta chủ yếu vẫn đang áp dụng mô hình quản lý theo kiểu cảng dịch vụ công, trong đó Nhà nước đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cảng rồi giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý, kinh doanh, khai thác và nộp các khoản thu ngân sách, thuế lại cho Nhà nước. Cách làm như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia không phát huy được sức mạnh tổng hợp, không tận dụng được sức mạnh của các thành phần kinh tế nhà nước (bao gồm các công ty cổ phần, tư nhân trong nước và nước ngoài, liên doanh…); đồng thời việc quản lý tài chính và thu hồi vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần phải đổi mới mô hình quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển sao cho phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, thu hồi nhanh vốn đầu tư cho nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển. Chính vì vậy, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 228/2003/QĐ-TTg ngày 06/11/2012 về việc thực hiện thí điểm cho thuê quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng Cái Lân tại Quảng Ninh, được nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Cục Hàng hải Việt Nam là đại diện chủ đầu tư ký kết hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng Cái Lân với Cảng Quảng Ninh. Theo đó, thay vì được nhà nước giao quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng rồi nộp các khoản thuế vào ngân sách theo cách làm cũ, cảng Quảng Ninh phải trả tiền thuê kết cấu hạ tầng cho ngân sách nhà nước. Trên thực tế, với mô hình này, Nhà nước có thể chủ động điều hành về quy mô cũng như công năng của các cảng biển, bước đầu tách bạch hoạt động kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng với hoạt động kinh doanh xếp dỡ hàng hoá, qua đó có thể dễ dàng hơn trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Đánh giá về mô hình thí điểm cho thuê khai thác KCHT cầu 5, 6, 7 cảng Cái Lân Trên phương diện Quản lý Nhà nước, mô hình thuê KCHT cảng biển đã phát huy những ưu việt và tính hiệu quả của nó. Vốn đầu tư của Nhà nước được bảo toàn, nhà nước thu lại tiền thuê từ doanh nghiệp để tái đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Từ năm 2004 đến năm 2012 (năm 2004, 2005 miễn tiền thuê) nhà nước thu được 52,828 tỷ đồng từ tiền cho thuê. Dự kiến nhà nước sẽ thu hồi vốn đầu tư trong khoảng 33-34 năm. Đặc biệt, mô hình này tách bạch được việc đánh giá hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước và hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp khai thác cảng. Ngoài ra còn thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, khu vực, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn cũng như góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho quốc gia. Mô hình cho thuê quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển đáp ứng được yêu cầu giữa quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và quản lý các dịch vụ hàng hải theo lộ trình gia nhập WTO mà Việt Nam cam kết. Còn đối với doanh nghiệp khai thác cảng, mô hình này sẽ gắn kết quan hệ trách nhiệm, nghĩa vụ giữa bên cho thuê và bên thuê. Khi thuê KCHT, bên thuê phải tính toán xây dựng chiến lược phát triển cho cả quá trình thực hiện hợp đồng thuê. Đồng thời phải năng động, chủ động tính toán khai thác có hiệu quả cao nhất để phát triển doanh nghiệp của mình và phải đảm bảo nghĩa vụ trả tiền thuê cho Nhà nước trong suốt thời gian thuê. Tuy nhiên, do mô hình lần đầu được áp dụng nên không tránh khỏi một số nhược điểm. Sau khi xây dựng xong, tuyến luồng vào cảng vẫn chưa đồng bộ với năng lực cầu bến, thiết bị. Cầu tàu được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải 40.000 tấn song luồng chỉ cho phép tàu trọng tải 15.000 tấn ra vào thường xuyên. Do đó việc tiếp nhận các tàu lớn theo thiết kế của cầu cảng gặp nhiều khó khăn, trở ngại làm giảm năng lực khai thác cảng và không phát huy được lợi thế của cảng nước sâu. Hệ thống đường sắt đến nay đã nối liền cảng nhưng vẫn chưa đưa vào hoạt động chính thức nên vận tải về đường sắt qua cảng là chưa thể thực hiện được. Do vậy, cảng Cái Lân không có thuận lợi trong việc thu hút được khách hàng có nguồn hàng hoá lớn qua cảng, nhất là hàng container và hàng siêu trường, siêu trọng. Cho đến nay, khu vực cảng Cái Lân chưa có các cơ quan kiểm dịch thực vật và kiểm định phương tiện cơ giới, thiết bị nên chủ hàng phải mời cơ quan này từ Hải Phòng ra Cái Lân làm thủ tục khiến phát sinh chi phí. Trạm cân điện tử, giới hạn trọng tải xe tại Km 103+800 quốc lộ 18A đi vào hoạt động đã gây ùn tắc, tăng chi phí sản xuất và làm giảm mạnh sản lượng hàng hoá thông qua cảng Cái Lân trong thời gian vừa qua. Bên thuê - Cảng Quảng Ninh không thể chủ động trong việc sửa chữa, hoán cải và xây dựng thêm các công trình phụ trợ trong quá trình khai thác phát sinh. Do các thủ tục xin đầu tư hoặc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thuê phải qua nhiều cấp, thời gian chờ đợi kéo dài dẫn đến có thể mất cơ hội trong kinh doanh. Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa việc cho thuê khai thác KCHTCB Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình cho thuê, ngày 25/7/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2006//NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải trong đó tại Điều 18 có quy định về nguyên tắc “kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng do nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước được cho thuê khai thác từng phần hoặc toàn bộ; hình thức quản lý khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định” mà chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 21/3/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải. Tại Điều 34 đến Điều 43 của Nghị định đã quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Hiện nay, Bộ GTVT đang giao cho Cục HHVN (cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải) tiến hành lập phương án cho thuê các bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như cảng biển An Thới – Phú Quốc, cảng biển Cái Mép – Thị Vải, bến cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng, cho thuê chính thức cầu 5,6,7 cảng Cái Lân. Cục Hàng hải VN đã xây dựng phương án cho thuê các bến cảng, cầu cảng trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực và khắc phục hạn chế từ việc thí điểm cho thuê quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cầu 5,6,7 bến cảng Cái Lân trình Bộ GTVT, Bộ TC trong tháng 6/2013, sau khi được phê duyệt phương án Cục sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu cho thuê theo quy định. Mô hình này nếu áp dụng rộng rãi trên toàn quốc sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đánh giá đúng khả năng của các doanh nghiệp. Nếu cảng có nhiều lợi thế thì phải chịu thuê giá cao hơn, cảng có ít lợi thế thì thuê giá thấp hơn. Như vậy các cảng ở nơi khó khăn mà Nhà nước cần phải đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế cho vùng đó thì không cần phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24851415
    • Online: 84